Dù thích hay ghét Trung Quốc, một quốc gia đối thủ phải thừa nhận: "Họ khai sáng" cho chúng ta rất nhiều

Người ta thường nói về những mối đe dọa đến từ công nghệ Trung Quốc. Nhưng nhờ quốc gia này mà bộ mặt cuộc sống ở nhiều nơi có sự thay đổi chưa từng có.
Công nghệ Trung Quốc đã giúp người Mỹ hưởng lợi?
Các quan chức và doanh nhân Mỹ luôn nói về mối đe dọa đối với nền kinh tế và an ninh khi cho phép các công nghệ của Trung Quốc như TikTok xâm nhập và bên trong đất nước, đồng thời kêu gọi các nỗ lực cản bước quốc gia tỷ dân đạt được thành tựu mới như DeepSeek.
Theo Washington Post, những lo lắng này là có cơ sở, nhưng người Mỹ hiếm khi thừa nhận có hai sự thật cùng tồn tại: Việc kìm hãm công nghệ Trung Quốc có thể tốt cho nước Mỹ, nhưng nó cũng cản trở sự đổi mới đối với người tiêu dùng, doanh nghiệp và nền kinh tế Mỹ.
Có rất nhiều ví dụ việc nước Mỹ có thể hưởng lợi như thế nào nhờ vào công nghệ Trung Quốc.
Người dân ở các quốc gia như Brazil và Úc có thể mua một chiếc ô tô điện chất lượng với giá khoảng 30.000 USD trở xuống từ các công ty xe điện của Trung Quốc. Nhưng đáng tiếc là xe điện Trung Quốc lại không thể vào Mỹ, nơi chiếc Tesla rẻ nhất cũng có giá lên tới hơn 42.000 USD.
Hai ứng dụng thương mại điện tử có nguồn gốc từ Trung Quốc, Temu và Shein, những năm qua đã giúp người Mỹ tiếp cận những món đồ giá hời, cho phép họ mua trực tiếp từ các nhà máy và thương gia Trung Quốc. Nhưng một số quan chức Mỹ lại lo ngại về việc thu thập dữ liệu.
Nếu bạn đã ăn, đọc sách, mua sản phẩm từ livestream hoặc sử dụng bất kỳ ứng dụng mạng xã hội nào, thì có lẽ bạn đã thấy ảnh hưởng to lớn của TikTok.
Dù bị coi là mối đe dọa, nhưng nhiều giám đốc doanh nghiệp Mỹ vẫn coi DeepSeek là một sản phẩm tuyệt vời, khi công ty có thể cạnh tranh với các AI hàng đầu của Mỹ với chi phí chỉ bằng một phần nhỏ. Điều này đang giúp thúc đẩy cạnh tranh để có AI hiệu quả và giá cả phải chăng hơn.
Sự bùng nổ công nghệ của Trung Quốc đang đặt ra những câu hỏi hóc búa cho Tổng thống Donald Trump và cho cả người Mỹ:
Làm thế nào để trọn vẹn cả hai? Vừa hưởng lợi từ sự đổi mới đến từ Trung Quốc trong khi vẫn bảo đảm được sự phát triển của nước Mỹ và thúc đẩy những đổi mới trong nước?
Mỹ ứng phó với công nghệ Trung Quốc thất bại?
Eva Dou, tác giả một cuốn sách về Huawei, nhận định Mỹ đã cố gắng nhưng không thành công trong việc cân bằng giữa đổi mới sáng tạo và bảo vệ an ninh quốc gia trong cách ứng phó với Huawei – công ty công nghệ Trung Quốc đang bị áp đặt những hạn chế gắt gao.
Huawei và ZTE của Trung Quốc đã giúp mở rộng quyền truy cập internet tại Mỹ và trên toàn thế giới bằng các thiết bị chất lượng cao, giá cả phải chăng giúp vận hành mạng điện thoại và internet.
Nhưng các quan chức chính phủ Mỹ cảnh báo các doanh nghiệp Mỹ và các nước đồng minh rằng công nghệ của Huawei và ZTE có thể là cửa ngõ cho hoạt động giám sát hoặc phá hoại của Trung Quốc.
Ban đầu, mọi thứ dễ thở hơn khi thiết bị Huawei và ZTE chỉ bị loại khỏi các bộ phận thiết yếu của hệ thống truyền thông và internet nước Mỹ nhưng vẫn được phép xuất hiện trong cách hạ tầng ít quan trọng hơn, như mạng lưới viễn thông ở vùng nông thôn. Một số quốc gia khác cũng làm theo cách này.
Nhưng chỉ vài năm sau, chính phủ Mỹ cho rằng nguy cơ do thám hoặc phá hoại của Trung Quốc vẫn còn quá cao nên đã ra lệnh trục xuất tất cả thiết bị của Huawei và ZTE ra khỏi đất nước.
Điều này đã gây ra rắc rối cho chính sự vận hành của mạng lưới viễn thông trong nước, ảnh hưởng đến cả doanh nghiệp và người dùng.
Một số công ty điện thoại và internet quy mô nhỏ tại Mỹ cho biết các thiết bị của Huawei và ZTE chính là "công thức bí mật" giúp họ để mở rộng dịch vụ đến những khu vực vốn không thể tiếp cận trước đây.
Trong khi đó, Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ cảnh báo vào năm ngoái rằng một số vùng nông thôn có thể mất dịch vụ di động nếu không có các công ty thay thế thiết bị Huawei và ZTE.
Câu chuyện chỉ ra những gì công chúng có thể hưởng lợi và mất đi khi theo đuổi lợi ích của nước Mỹ. Việc chấp nhận loại bỏ hoàn toàn rủi ro an ninh đến từ Huawei và ZTE có thể đáng giá, nhưng đó là một sự đánh đổi lớn dành cho doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Tận dụng sự đổi mới ở mọi nơi
Một giám đốc điều hành tại Thung lũng Silicon hy vọng công nghệ Trung Quốc sẽ được sử dụng nhiều hơn ở Mỹ.
Khi DeepSeek trở thành tâm điểm, Aaron Levie, CEO của công ty phần mềm Box, nói rằng càng có nhiều công ty thúc đẩy nhau cạnh tranh để tạo ra AI tốt hơn, hiệu quả hơn và giá cả phải chăng hơn thì điều đó càng giúp ích cho các công ty như Box và khách hàng doanh nghiệp sử dụng AI.
Levie thừa nhận vấn đề an ninh quốc gia và những lo ngại khác về công nghệ Trung Quốc, nhưng ông cũng cho rằng, "cần phát huy sự đổi mới từ càng nhiều nơi càng tốt".
Các chuyên gia thừa nhận không dễ để vừa tận hưởng thành quả từ những ý tưởng công nghệ tốt nhất thế giới vừa phòng ngừa được những rủi ro chính đáng từ công nghệ Trung Quốc. Nhưng có một số ý tưởng hoặc mô hình tiềm năng đầy hứa hẹn.
Chính phủ Mỹ gần đây đã hoàn thiện hệ thống chứng nhận đầu tiên để sàng lọc các mối đe dọa bảo mật dữ liệu trong một số thiết bị điện tử tiêu dùng thường có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Martin Chorzempa, thành viên cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, cho biết ông lo ngại nước Mỹ sẽ tự làm hại mình khi cố gắng kìm hãm những phát minh có khả năng hữu ích và sự cạnh tranh.
"Chúng ta giả vờ rằng Trung Quốc không tồn tại để rồi sau đó chúng ta tụt hậu", Chorzempa nói.