Du lịch tự phát đe dọa nghiêm trọng cá voi Bryde

Sự xuất hiện thường xuyên của cá voi Bryde ngoài khơi tỉnh Gia Lai là tín hiệu tích cực cho môi trường biển nhưng tình trạng tàu cá, ca nô tiếp cận quá gần và các tour du lịch tự phát đang khiến loài cá quý hiếm này đối mặt nhiều nguy cơ.
Ngày 9.7, Sở NN-MT tỉnh Gia Lai phát công văn kêu gọi các địa phương, đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ cá voi Bryde, loài cá quý hiếm thường xuyên xuất hiện tại vùng biển địa phương thời gian gần đây.
Từ tháng 6 đến nay, cá voi Bryde (tên khoa học là Balaenoptera edeni) liên tục được ghi nhận tại nhiều vùng biển ven bờ tỉnh Gia Lai như Xuân Thạnh, Vũng Bồi, Đề Gi, Hòn Sẹo, Hòn Cỏ, Hòn Khô Lớn, Mũi Gành... (trên địa bàn tỉnh Bình Định cũ).
Theo Sở NN-MT tỉnh Gia Lai, việc cá voi Bryde chọn vùng biển tỉnh này làm điểm đến là kết quả của quá trình thích nghi lâu dài, dựa trên điều kiện sinh thái thuận lợi. Đây cũng là cơ hội quan trọng để Gia Lai khẳng định vai trò địa phương đi đầu trong việc cân bằng giữa phát triển kinh tế biển và bảo vệ cá voi, bảo tồn đa dạng sinh học.
Tuy nhiên, hiện tượng phát triển du lịch tự phát như tổ chức tour xem cá voi, chụp ảnh cận cảnh bằng tàu cá, ca nô… đang đe dọa nghiêm trọng đến sự an toàn của loài cá quý hiếm này. Việc tiếp cận quá gần có thể khiến cá voi bị stress, mắc cạn hoặc nuốt phải rác thải nhựa. Tiếng động cơ cũng làm nhiễu loạn hệ thống định vị bằng hạ âm của cá voi, dẫn đến nguy cơ va chạm gây tổn thương.
Để bảo vệ cá voi, Sở NN-MT tỉnh Gia Lai yêu cầu ngành văn hóa - du lịch, hiệp hội du lịch và các doanh nghiệp tổ chức tour phải tuyên truyền, phổ biến quy tắc tiếp cận cá voi cho du khách và ngư dân. Trong đó, cần tuyệt đối tuân thủ khoảng cách an toàn tối thiểu 100 m, không chặn đầu hoặc tiếp cận phía sau đuôi cá, không sử dụng động cơ khi vào khu vực có cá voi và giới hạn số lượng tàu thuyền cùng hoạt động.
UBND các xã, phường ven biển cũng được đề nghị đẩy mạnh truyền thông, vận động ngư dân thực hiện nghiêm quy định về bảo vệ môi trường biển, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và giám sát chặt chẽ hoạt động tàu du lịch để tránh gây ảnh hưởng đến cá voi.