Dự kiến bỏ quy định chia hạng chức danh nhà giáo

Theo bản dự thảo Luật Nhà giáo mới nhất trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9, dự kiến sẽ bỏ việc chia hạng nhà giáo.
Hiện, chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông đang được chia thành các hạng I, II, III với các hệ số lương của từng hạng khác nhau.
Tại các phiên bản dự thảo Luật Nhà giáo những lần trước, nhà giáo vẫn còn chia thành các hạng I, II, III.
Tuy nhiên, trong bản dự thảo Luật Nhà giáo mới nhất trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9, dự kiến sẽ bỏ chia hạng nhà giáo.
Cụ thể, ở dự thảo phiên bản mới nhất, Điều 12 quy định chức danh nhà giáo như sau:
1. Chức danh nhà giáo là tên gọi thể hiện trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo trong từng cấp học, trình độ đào tạo.
2. Chức danh nhà giáo được xác định theo yêu cầu của hoạt động nghề nghiệp trong từng cấp học, trình độ đào tạo.
3. Việc bổ nhiệm, thay đổi chức danh nhà giáo được thực hiện phù hợp với loại hình cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.
4. Các chức danh nhà giáo trong từng cấp học, trình độ đào tạo được xác định tương đương khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Như vậy, dự thảo mới này đã không còn quy định chức danh nhà giáo theo các hạng mà sẽ được xác định theo yêu cầu của hoạt động nghề nghiệp của từng cấp học, trình độ đào tạo.
Nếu điều này được thông qua, đồng nghĩa với việc cũng sẽ không còn việc xét thăng hạng giáo viên từ thấp lên hạng cao như hiện nay (hạng III lên hạng II, hoặc hạng II lên hạng I).
Việc chia hạng giáo viên trước nay khiến không ít giáo viên cho rằng bất cập, thiếu công bằng khi có những nhà giáo có năng lực giỏi nhưng vẫn xếp hạng thấp, trong khi người làm việc kém hiệu quả nhưng có thể xếp ở hạng cao,...
Theo nhiều nhà giáo, việc trả lương theo vị trí việc làm, khả năng đáp ứng yêu cầu của hoạt động nghề nghiệp có thể giúp mọi giáo viên làm việc hiệu quả hơn và thấy được ghi nhận xứng đáng.
Trao đổi với VietNamNet, đại diện Cục Nhà giáo (Bộ GD-ĐT) cho hay, việc thay đổi này phù hợp, thống nhất với định hướng sửa đổi Luật Viên chức, tuyển dụng theo vị trí việc làm.
Dự thảo Luật Nhà giáo phiên bản mới nhất cũng quy định về tiền lương và phụ cấp đối với nhà giáo ở Điều 25.
Theo đó, tiền lương nhà giáo ở cơ sở giáo dục công lập được quy định:
- Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp;
- Phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc, theo vùng theo quy định của pháp luật;
- Nhà giáo cấp học mầm non; nhà giáo công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; nhà giáo dạy trường chuyên biệt; nhà giáo thực hiện giáo dục hòa nhập; nhà giáo ở một số ngành, nghề đặc thù được hưởng chế độ tiền lương và phụ cấp cao hơn so với nhà giáo làm việc trong điều kiện bình thường.
Tiền lương của nhà giáo trong cơ sở giáo dục ngoài công lập thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động.
Nhà giáo công tác ở các ngành, nghề có chế độ đặc thù thì được hưởng chế độ đặc thù theo quy định và chỉ được hưởng ở một mức cao nhất nếu chính sách đó trùng với chính sách dành cho nhà giáo.