Nhảy đến nội dung

Tuyển vượt 1 thí sinh vẫn bị xử phạt, cần xử lý ra sao?

Thực tế câu chuyện tuyển sinh một trường ĐH cho thấy, có ngành học chỉ 6 thí sinh đăng ký trong khi nhận 5 hồ sơ là đã vượt chỉ tiêu, nếu nhận thêm 1 em nữa có khi đã vượt tới 20% chỉ tiêu và bị xử phạt vi phạm tuyển sinh.

Thông tin được chia sẻ tại hội thảo lấy ý kiến xây dựng nghị định của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 04/2021 và Nghị định 127/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, do Bộ GD-ĐT tổ chức sáng nay (16.5) tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM.

Nhiều băn khoăn về quy định xử phạt vi phạm tuyển sinh

Tại hội thảo, tiến sĩ Quách Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, nêu những băn khoăn về quy định xử phạt vi phạm tuyển sinh. Ông Hải đặc biệt nhấn mạnh đến điều 8 của Nghị định về mức xử phạt tuyển vượt 3% so với chỉ tiêu tuyển sinh – vi phạm trường ông từng bị xử phạt hành chính.

Theo tiến sĩ Quách Thanh Hải, với quy định hiện hành, xu hướng tuyển vượt chỉ tiêu tuyển sinh của các trường ĐH giảm hẳn. Bởi ngoài việc bị phạt tiền, đơn vị vi phạm còn bị trừ chỉ tiêu tuyển sinh của năm kế tiếp, thậm chí có thể còn bị rút quyền tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh trong thời gian 5 năm. Trong đó, mức độ xử phạt rút quyền tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh trong thời gian 5 năm là điều các trường ĐH đều rất lo ngại.

Tuy nhiên, tiến sĩ Hải cho rằng: "Việc tuyển sinh có nhiều rủi ro, dù có biên độ 3% nhưng không phải mức an toàn cho các trường khi tuyển sinh. Xác suất rủi ro trong tuyển sinh rất lớn, không phải cứ gọi 100 người là có thể tuyển chính xác 100. Do đó, nên tính con số trung bình của nhiều năm thay vì dùng con số năm trước để phạt cho năm sau".

"Thêm một rủi ro khác là hiện nay tỷ lệ vượt đang tính theo ngành hoặc nhóm ngành. Trong khi đó, có những ngành số lượng sinh viên tuyển không nhiều. Ví dụ, trường tôi có những ngành trình độ thạc sĩ chỉ tuyển 20 sinh viên, chỉ cần tuyển vượt 1 người thì mức vượt đã 5% - nguy cơ bị xử phạt rất lớn", Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM nói thêm.

Liên quan việc này, tiến sĩ Lê Hoàng Dũng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), cũng chia sẻ câu chuyện thực tế liên quan đến các ngành khó tuyển, ví dụ khảo cổ học, bảo tàng học và một số ngành khác. Khi đó, 1 ngành thí sinh đăng ký vào chỉ có 6 hồ sơ trong khi nhận 5 hồ sơ là đã vượt chỉ tiêu, nếu nhận thêm 1 em nữa có khi đã vượt tới 20% chỉ tiêu. Do đó, có thể vượt nhưng theo mẫu số rất ít, ví dụ dưới 10 người thì không bị xử lý chẳng hạn, để có tỷ lệ tính tỷ lệ % trong xử phạt chỉ tiêu tuyển sinh phù hợp hơn, đặc biệt với ngành đặc thù thiếu đội ngũ, tuyển khó và giữ chân cũng không dễ.


"Mục đích quan trọng nhất là tránh tình trạng trường chạy theo số lượng"

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết sau nhiều năm thực hiện, nghị định có những điểm không còn phù hợp với thực tiễn nhiều thay đổi về giáo dục, vì vậy việc sửa đổi là cần thiết. Thứ trưởng đề nghị hội thảo tập trung các ý kiến xác định rõ các quy định bất cập, không còn phù hợp và cần điều chỉnh; đề xuất bổ sung các hành vi vi phạm mới phát hiện trong thực tiễn, lỗ hổng trong thực tế còn bỏ sót, không có quy định không có chế tài thì không xử lý được. Từ đó, đánh giá tính phù hợp của các hình thức xử phạt, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả đối với các hành vi vi phạm; xem xét tính thống nhất, sự tương thích các văn bản trong và ngoài ngành có liên quan.

Liên quan ý kiến băn khoăn của các trường ĐH về mức xử phạt vi phạm tuyển sinh, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho hay có những năm hơn 100 cơ sở đào tạo bị xử phạt vi phạm tuyển sinh. Một quy định xử phạt được ban hành, nếu ít trường vi phạm có thể lỗi do các trường; nhưng số lượng trường bị vi phạm nhiều thì cần phải xem xét mức độ phù hợp thực tiễn của quy định. Do đó, Thứ trưởng đề nghị các trường ĐH cần góp ý thật kỹ điểm này trong lần sửa đổi bổ sung nghị định.

Với quy định hiện hành, Thứ trưởng phân tích với ngành tuyển 300-400 chỉ tiêu thì tỷ lệ vượt 3% là nhiều. Ngược lại, có ngành ở trình độ thạc sĩ chỉ tuyển 20 chỉ tiêu, chỉ vượt 2 người tỷ lệ này đã lên tới 10%. Do đó, ở đây cần xem xét xây dựng quy định phù hợp hơn với thực tiễn. Mục đích quan trọng nhất là tránh tình trạng các trường chạy theo số lượng tuyển sinh tràn lan. Quy định cần được xây dựng để có thể đảm bảo xử lý việc trường chạy theo số lượng. Bởi thực tế đa số các trường làm nghiêm túc nhưng dù cá biệt vẫn có những trường chạy theo số lượng tuyển tràn lan.

"Trường cố tình tuyển tràn lan chạy theo số lượng lớn ào ạt, cần phải kiểm tra và xử lý", Thứ trưởng Bộ GD-ĐT nhấn mạnh.

 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn