Du khách bị gấu vồ tử vong khi chụp hình selfie

Nạn nhân 48 tuổi, bị một con gấu cái kéo lê khoảng 55 m xuống khe núi dốc và tấn công đến chết. Một ngày trước vụ việc, du khách này từng chụp nhiều bức ảnh gấu đi lang thang bên đường, trong đó có một tấm selfie với con vật chỉ cách vài mét phía sau. Nam du khách cũng quay video ghi lại cảnh lái xe ngang qua một con gấu đứng bên lề, vừa quay vừa nói "nhìn con gấu kìa, đẹp quá".
Số vụ gấu tấn công người ở Romania gia tăng những năm gần đây khi quốc gia này gặp khó khăn trong việc kiểm soát đàn gấu nâu đang phát triển nhanh chóng. Với số lượng ước tính từ 10.000 đến 13.000 cá thể, quần thể gấu nâu lớn nhất Liên minh châu Âu.
Riêng tại khu vực núi Carpathian, các nhân viên kiểm lâm cho biết có hơn 110 con gấu sinh sống - vượt xa mức an toàn với người khoảng 25 con.
Vào tháng 5, trong vòng 24h đã ghi nhận ba vụ tấn công liên tiếp tại khu vực núi. Một phụ nữ 74 tuổi, quốc tịch Tây Ban Nha, bị thương khi đang chụp ảnh từ trong ôtô với cửa kính mở. Ngoài ra, hai du khách Ba Lan và Đức cũng bị gấu tấn công trong các tình huống khác.
Tại khu vực núi có đặt biển cảnh báo bằng tiếng Anh và tiếng Romania, khuyến cáo không nên cho gấu ăn hoặc tiếp cận quá gần. Năm 2024, quốc hội Romania đã tăng gấp đôi hạn ngạch săn bắn hợp pháp hằng năm lên 481 cá thể nhằm kiềm chế đà tăng đàn.
Tuy nhiên, các tổ chức bảo vệ động vật hoang dã cho rằng con người mới là nguyên nhân sâu xa.
Cristian Papp, đại diện WWF (Tổ chức quốc tế Bảo tồn thiên nhiên) Romania, cho biết vấn đề không phải là số lượng gấu quá nhiều, mà là ngày càng có nhiều con gấu đã quen với sự hiện diện của con người và xem con người là nguồn cung cấp thức ăn.
"Ví dụ, thợ săn rải ngô để nhử lợn rừng, nhưng điều đó cũng thu hút gấu. Nhiều lần tôi chứng kiến gấu ăn ngô cùng với nai sừng tấm và hươu", Cristian Papp nói và cho biết du khách cần chấm dứt việc cho gấu ăn để chụp ảnh selfie.
Dãy núi Carpathian là một trong những hệ thống núi lớn nhất châu Âu, trải dài qua nhiều quốc gia ở khu vực Trung và Đông Âu, bao gồm Cộng hòa Séc, Slovakia, Ba Lan, Hungary, Ukraine, Serbia và Romania. Với chiều dài khoảng 1.500 km, Carpathian là dãy núi dài thứ hai tại châu Âu sau dãy Alps.
Tại Romania, Carpathian chiếm gần một phần ba diện tích cả nước và được xem là xương sống của địa hình quốc gia này. Khu vực nổi bật với rừng rậm nguyên sinh, các thung lũng hẻo lánh và hệ động thực vật phong phú, là nơi sinh sống của nhiều loài động vật hoang dã quý hiếm như gấu nâu, chó sói xám, linh miêu và đại bàng vàng.
Tuấn Anh (The Telegraph)