Phát bệnh tâm thần bởi chứng sợ họp

Ngày 4/7, bác sĩ Nguyễn Viết Chung, Trưởng khoa Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện E, cho biết trước đó người này đã khám ở nhiều chuyên khoa như tiêu hóa, tim mạch, thần kinh và nội soi dạ dày nhưng không phát hiện bất thường.
Triệu chứng của anh bao gồm tim đập nhanh, trào ngược dạ dày, khó chịu vùng thượng vị, choáng váng và mất thăng bằng mỗi khi phải họp với cấp trên. Dù được chẩn đoán rối loạn tiền đình, việc điều trị không mang lại hiệu quả.
Tình trạng kéo dài khiến năng suất làm việc giảm sút, khó tập trung và né tránh các hoạt động xã hội. Anh dần mất tự tin, từ bỏ sở thích, rối loạn giấc ngủ và suy giảm chất lượng sống.
Bác sĩ Chung chẩn đoán đây là rối loạn dạng cơ thể điển hình - Somatoform Disorde, thường gặp ở người trẻ trí thức, cầu toàn và hay lo xa. Người bệnh có các triệu chứng cơ thể như đau nhức hoặc khó chịu kéo dài, nhưng không thể giải thích đầy đủ bằng nguyên nhân y học (bệnh thể chất) hoặc do tác động trực tiếp của chất hay rối loạn tâm thần khác.
Một số yếu tố góp phần là nguyên nhân gây bệnh như di truyền, đặc điểm tính cách hay áp lực từ môi trường sống.
Phương pháp điều trị bao gồm liệu pháp nhận thức - hành vi để thay đổi lối suy nghĩ tiêu cực về sức khỏe. Trong trường hợp lo âu kéo dài, bác sĩ kê thuốc chống trầm cảm liều thấp, kết hợp với hướng dẫn kỹ năng thư giãn và điều hòa cảm xúc. Việc tăng cường vận động nhẹ nhàng, giảm áp lực công việc và học cách chấp nhận sự không hoàn hảo cũng được đề xuất.
Bác sĩ Chung cảnh báo nếu không được điều trị kịp thời, rối loạn dạng cơ thể có thể dẫn đến trầm cảm kéo dài và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống. Điều trị hiệu quả đòi hỏi sự phối hợp giữa bác sĩ tâm thần, đa khoa và nhà tâm lý trị liệu để đảm bảo tiếp cận toàn diện.
Thúy Quỳnh