Dự án đầu tư vào Bình Định được rút ngắn thủ tục cả trăm ngày

Với việc mạnh dạn cải cách thủ tục hành chính, các dự án đầu tư vào Bình Định được rút ngắn thời gian hàng trăm ngày, tiết kiệm rất lớn cho nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Ngày 13-5, tại hội nghị tổng kết công tác cải cách hành chính giai đoạn 2020 - 2025 và triển khai nhiệm vụ giai đoạn 2026 - 2030, UBND tỉnh Bình Định cung cấp nhiều thông tin đáng chú ý về kết quả cải cách hành chính của tỉnh này.
Theo UBND tỉnh Bình Định, việc đẩy mạnh cải cách hành chính đã tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút dòng vốn đầu tư phát triển - kinh tế xã hội.
Trong đó, chính quyền cấp tỉnh đẩy mạnh giải quyết nhiều thủ tục hành chính và triển khai liên thông thủ tục hành chính đã giúp người dân, doanh nghiệp hạn chế tối đa việc đi lại, tiết kiệm chi phí và thời gian.
Điển hình, quy chế phối hợp giải quyết thủ tục hành chính về đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường… ra đời đã rút ngắn rất đáng kể thời gian giải quyết thủ tục cho các dự án đầu tư vào tỉnh.
Thời gian thực hiện thủ tục đối với các dự án ngoài khu kinh tế, khu công nghiệp nay chỉ còn 118 ngày so với thời gian quy định 242 ngày. Đối với các dự án trong khu kinh tế, khu công nghiệp, thời gian rút ngắn còn 60 ngày so với 145 ngày theo quy định.
Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến cũng là điểm sáng của Bình Định so với mặt bằng chung. Trong số 2.092 thủ tục hành chính công, tỉnh này đã cung cấp 1.909 dịch vụ công trực tuyến, đạt tỉ lệ 91,5%.
Trong đó, dịch vụ công toàn trình đạt tỉ lệ 52,7%, dịch vụ công trực tuyến một phần đạt tỉ lệ 38,5%. Tất cả thủ tục hành chính có quy định thu phí, lệ phí được cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến.
Tỉ lệ hồ sơ trực tuyến và thanh toán trực tuyến của tỉnh Bình Định luôn cao hơn mặt bằng chung của cả nước và là một trong những địa phương thuộc nhóm dẫn đầu toàn quốc.
Tại hội nghị, ông Phạm Anh Tuấn - chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - yêu cầu các sở ngành, địa phương tiếp tục nâng cao nhận thức và vai trò của người đứng đầu trong cải cách hành chính.
Thay đổi tư duy và phương pháp tổ chức công việc, thích ứng nhanh với mô hình quản lý mới. Bên cạnh đó, cần đổi mới cơ chế đánh giá cán bộ, khẩn trương xây dựng tiêu chí cụ thể, có KPI rõ ràng để đo lường hiệu quả công vụ.
Theo ông Tuấn, trong bối cảnh mới khi sắp xếp lại đơn vị hành chính, công tác cải cách hành chính giai đoạn mới cần được tính toán để đảm bảo khả thi, phù hợp với thực tiễn và đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương.
Một số lợi thế hiện tại có thể không còn sau sáp nhập nhưng mục tiêu tăng trưởng hai con số vẫn giữ nguyên, đây là áp lực rất lớn đòi hỏi sự chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy và hành động của đội ngũ cán bộ.