Nhảy đến nội dung

Dự án cao tốc huyết mạch hơn 44.000 tỷ đồng: 'Bài toán kép' về nguồn cung vật liệu và xử lý nền đất yếu

TP - Với sự thử thách lớn về khan hiếm vật liệu và nền đất yếu, dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng là một phép thử về năng lực thi công tại một trong những khu vực địa chất phức tạp nhất Nam bộ.

TP - Với sự thử thách lớn về khan hiếm vật liệu và nền đất yếu, dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng là một phép thử về năng lực thi công tại một trong những khu vực địa chất phức tạp nhất Nam bộ.

Khan hiếm vật liệu trên diện rộng

Là một trong những dự án giao thông trọng điểm năm 2025, đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (ký hiệu toàn tuyến là CT 34) có mức đầu tư hơn 44.000 tỷ đồng, gồm 4 dự án thành phần tại các tỉnh An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu toàn tuyến cao tốc phải hoàn thành thi công vào tháng 7/2026. Tuy nhiên, nếu không sớm giải quyết những thách thức lớn về khan hiếm vật liệu và bài toán xử lý nền đất yếu, dự án khó có thể về đích đúng tiến độ.

Dự án cao tốc huyết mạch hơn 44.000 tỷ đồng: 'Bài toán kép' về nguồn cung vật liệu và xử lý nền đất yếu ảnh 1

Dự án đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đang thiếu hụt nguồn cát và đá. Ảnh: Nhật Huy

Ông Phùng Đức Dũng, Trưởng phòng Quản lý đầu tư công tư (Cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, dự án cao tốc CT 34 đang thiếu hụt nguồn cát san lấp, đắp nền và đá xây dựng. Vùng ĐBSCL đang có hàng loạt dự án hạ tầng giao thông chiến lược khác được thi công như cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, đường vành đai 3 TPHCM… Trong khi đó, các mỏ cát và đá đã được cấp phép khai thác không có đủ trữ lượng và công suất khai thác để phân phối cho tất cả dự án.

Theo ông Đặng Hoàng Vĩnh, đại diện Ban QLDA đầu tư xây dựng TP Cần Thơ, tuyến cao tốc qua Cần Thơ cần khoảng 7 triệu m3 cát, nhưng nguồn cấp hiện chỉ có 1 mỏ cát ở An Giang với trữ lượng khoảng 2,3-2,4 triệu m3. Ông Vĩnh cho biết, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu tỉnh Tiền Giang cấp thêm nguồn cát cho tuyến cao tốc qua TP Cần Thơ. Tiền Giang đã cấp phép khai thác thêm 3 mỏ cát với tổng trữ lượng khoảng 2,3 triệu m3. Việc ký kết hợp đồng cung cấp đang được triển khai bởi Ban QLDA thành phần 2 và các chủ mỏ cát. Dự kiến, cát sẽ về công trình trong tuần tới.

Mới đây, Bộ Xây dựng đã có công văn gửi các đơn vị trực thuộc về việc nghiên cứu phương án xây dựng các dự án đường cao tốc tại khu vực ĐBSCL. Trong công văn, Viện Kinh tế xây dựng (thuộc Bộ Xây dựng) đề xuất phương án xây cầu cạn bằng bê tông cốt thép tại các khu vực có nền đất yếu… Tuy nhiên, chi phí xây dựng cầu cạn, gấp khoảng 2,6 lần so với đường cao tốc.

“Tính đến nay, tổng lượng cát cung cấp cho dự án thành phần 2 là khoảng 4,5 triệu m3, đạt 64%. Với khoảng 2,5 triệu m3 cát còn lại, tỉnh Tiền Giang đang tìm phương án ”, ông Vĩnh nói.

Với dự án thành phần 3 (tuyến cao tốc qua tỉnh Hậu Giang), theo thông tin từ Sở Xây dựng tỉnh Hậu Giang, lượng cát san lấp, đắp nền cần thiết là khoảng 6 triệu m3, nhưng nguồn cung hiện tại từ 3 mỏ cát mới đáp ứng được 4,27 triệu m3. Sở Xây dựng tỉnh Hậu Giang đã gửi văn bản đề nghị các tỉnh An Giang và Bến Tre hỗ trợ lượng cát còn thiếu, nhưng các thủ tục cấp phép khai thác cát vẫn trong quá trình hoàn thiện.

Các dự án thành phần của cao tốc CT 34 cũng thiếu hụt nghiêm trọng nguồn đá. Tuyến cao tốc qua Hậu Giang ước tính cần 1,2 triệu m3 nhưng chỉ đáp ứng được 0,2 triệu m3. Tuyến cao tốc qua Cần Thơ cũng đang đau đầu tìm nguồn cung cho 50% lượng đá còn lại.

Đau đầu xử lý nền đất yếu

Các Ban QLDA và chủ đầu tư đang tìm lời giải phù hợp nhất cho bài toán xử lý nền đất yếu. Ông Đặng Hoàng Vĩnh giải thích, đất tại khu vực ĐBSCL cấu tạo chủ yếu từ đất bùn, sét mềm và phù sa chưa ổn định với độ nén, lún cao và sức chịu tải thấp. Ngoài ra, mực nước ngầm cao và hoạt động thường xuyên của thủy triều làm nền đất dễ bị ngập úng, xói lở khi có tác động từ việc thi công công trình lớn như cao tốc.

Theo ông Vĩnh, từ trước đến nay, phương pháp phổ biến nhất để khắc phục tình trạng nền đất yếu là sử dụng bấc thấm kết hợp gia tải trước. Bấc thấm là các dải vật liệu có cấu trúc dạng sợi tổng hợp, được cắm thẳng đứng vào nền đất yếu nhằm tăng tốc quá trình thoát nước trong đất, từ đó giúp đất nhanh chóng nén chặt và ổn định. Việc kết hợp thêm lớp gia tải (thường là cát hoặc đất đắp) sẽ giúp tốc độ thoát nước diễn ra nhanh hơn.

Ưu điểm lớn nhất của phương pháp này là chi phí thấp, dễ thực hiện, nhưng cần khoảng 1 năm để hoàn thành, khiến dự án cao tốc CT 34 không thể về đích đúng hạn theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Do đó, một số biện pháp thay thế đang được các chủ đầu tư cân nhắc áp dụng để đáp ứng yêu cầu về tiến độ.

“Phương pháp đầu tiên là hút chân không nhằm tăng tốc độ thoát nước trong đất, giúp nền đất cố kết nhanh hơn. Tuy nhiên, chi phí cao và tiềm ẩn nguy cơ gây sụt lún, xói mòn các khu vực lân cận. Phương pháp thứ hai là sử dụng cọc xi măng - đất, được thi công bằng cách bơm xi măng vào nền đất qua đầu khoan, tạo phản ứng hóa cứng với đất và nước, hình thành các trụ chịu lực giúp giảm lún. Dù hiệu quả cao, nhưng đây là một trong những phương pháp đắt đỏ nhất”, ông Vĩnh giải thích.

Hiện tại, các Ban QLDA và chủ đầu tư đang tham khảo ý kiến của các đơn vị tư vấn thiết kế về việc xử lý nền đất yếu.

VIỆT THẮNG
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn