Đột phá về tiền lương cho giáo viên

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang hoàn thiện dự thảo nghị định quy định chính sách tiền lương, phụ cấp, chế độ hỗ trợ, thu hút đối với nhà giáo. Nghị định này nhằm hướng dẫn các nội dung tại Luật Nhà giáo sẽ có hiệu lực từ 1-1-2026.
Đáng chú ý, dự thảo này đã quy định cụ thể về chính sách tiền lương với nhà giáo, các loại phụ cấp bao gồm cả phần phụ cấp thâm niên và tăng phụ cấp ưu đãi nghề với nhà giáo. Đây được kỳ vọng là chính sách đột phá về tiền lương cho giáo viên, trong bối cảnh nhiều người than "lương giáo viên không đủ sống".
Nhiều chính sách mới
Theo chuyên gia và "người trong cuộc", dự thảo đang được xây dựng đã có nhiều điểm mới liên quan chính sách tiền lương và phụ cấp đối với nhà giáo. Trong đó, dự thảo nêu rõ nhà giáo được bổ nhiệm chức danh nào được xếp lương và hưởng hệ số lương đặc thù áp dụng đối với chức danh đó.
Việc trả lương phải gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ của nhà giáo và nguồn trả lương (từ ngân sách nhà nước cấp hoặc hỗ trợ và từ các nguồn thu theo quy định của pháp luật dùng để trả lương) của cơ sở giáo dục.
Đối với việc chuyển xếp lương, nâng bậc lương thường xuyên, nâng bậc lương trước thời hạn, việc chuyển xếp lương đối với nhà giáo thực hiện theo quy định hiện hành về chuyển xếp lương đối với viên chức... Bên cạnh đó, dự thảo cũng bổ sung quy định nhà giáo sẽ được hưởng hệ số lương đặc thù theo từng ngạch viên chức.
Về các loại phụ cấp khác đối với nhà giáo, dự thảo nghị định quy định có các chế độ phụ cấp gồm thâm niên vượt khung, trách nhiệm công việc, khu vực, lưu động, công tác ở vùng đặc biệt khó khăn, độc hại, nguy hiểm thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật. Nhà giáo được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên theo quy định của Chính phủ cho đến khi thực hiện chính sách tiền lương mới.
Đáng chú ý, về mức phụ cấp ưu đãi nghề dành cho nhà giáo trong dự thảo nghị định với một số nhóm giáo viên đã tăng hơn so với hiện hành. Việc này theo đánh giá sẽ giúp cải thiện thu nhập và ghi nhận sự đóng góp nghề nghiệp, đặc biệt với giáo viên mầm non.
Cụ thể, với giáo viên mầm non mức phụ cấp ưu đãi nghề hiện hành là 35%, trong khi dự thảo đề xuất tăng lên 45%. Mức phụ cấp 80% áp dụng đối với viên chức, người lao động làm công tác giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ.
Ngoài ra, theo dự thảo, nhà giáo được hưởng tối đa hai phụ cấp trách nhiệm khi kiêm nhiệm. Đồng thời dự kiến phụ cấp chức vụ chỉ còn của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, chủ tịch hội đồng trường.
Còn theo quy định hiện hành, mức phụ cấp chức vụ cho hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, tổ trưởng, tổ phó chuyên môn. Dự thảo cũng mở rộng đối tượng và mức hưởng phụ cấp trách nhiệm công việc đối với nhiều nhóm nhà giáo đang kiêm nhiệm các vai trò quan trọng trong hoạt động dạy học và hỗ trợ học sinh...
Theo các chuyên gia, dự thảo nghị định cũng đề xuất nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực và nhân văn góp phần nâng cao đời sống, sức khỏe và điều kiện làm việc của đội ngũ nhà giáo, đặc biệt là giáo viên ở vùng khó khăn.
Như nhà giáo được khám sức khỏe ít nhất một lần/năm. Trường hợp nhà giáo thuộc đối tượng được chi trả phụ cấp độc hại, nguy hiểm được khám sức khỏe ít nhất hai lần/năm. Các chính sách về hỗ trợ nhà ở công vụ, thuê nhà ở, hỗ trợ giáo viên dạy lớp ghép, trẻ dân tộc thiểu số... Cùng với đó là các chính sách thu hút, trọng dụng nhà giáo.
Cụ thể hóa chủ trương "ưu tiên lương giáo viên xếp cao nhất"
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (ủy viên Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội) cho rằng dự thảo nghị định đang được hoàn thiện thể hiện một bước tiến rất đáng ghi nhận trong việc cụ thể hóa chủ trương "nhà giáo được hưởng lương cao nhất trong hệ thống thang, bảng lương hành chính sự nghiệp" quy định trong Luật Nhà giáo.
Theo đó, hệ số lương cao nhất áp dụng cho giáo sư được tính từ mức 6,2 (A3.1) cộng thêm hệ số đặc thù 1,3, tức tương đương hệ số 8,06 - điều này cao hơn so với hầu hết các vị trí hành chính sự nghiệp công lập.
"Tuy nhiên, ở các cấp phổ thông, đặc biệt là giáo viên tiểu học, mầm non là đối tượng đông đảo nhất và dù có hưởng hệ số lương đặc thù và phụ cấp nhưng mức thu nhập vẫn còn thấp hơn mặt bằng một số ngành khác.
Vì vậy, để nói rằng nhà giáo được hưởng lương cao nhất cần tiếp tục cải thiện mức lương cơ sở, hoặc tăng hệ số đặc thù cho nhóm nhà giáo ở bậc học thấp - nơi có áp lực nghề nghiệp lớn nhất hiện nay", bà Nga đề nghị.
Một nội dung khác, theo bà Nga, nguyên tắc trả lương trong dự thảo nghị định cũng tiếp cận theo hướng đảm bảo công bằng, phản ánh đúng đặc thù nghề nghiệp và nỗ lực đóng góp của nhà giáo.
Trong đó đề xuất các quy định như nhà giáo được bổ nhiệm chức danh nào được xếp lương và hưởng hệ số lương đặc thù áp dụng đối với chức danh đó. Đồng thời việc này không chỉ căn cứ vào trình độ và chức danh, mà còn gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ và đặc điểm vùng miền công tác.
Việc áp dụng hệ số lương đặc thù cùng với hệ số lương hiện hành, cộng thêm các khoản phụ cấp như chức vụ, thâm niên, ưu đãi nghề..., theo bà Nga, là cách tiếp cận tổng thể và có tính định lượng rõ ràng hơn so với trước đây.
Dự thảo làm rõ trách nhiệm nguồn trả lương (từ ngân sách nhà nước cấp hoặc hỗ trợ và từ các nguồn thu theo quy định của pháp luật dùng để trả lương) của cơ sở giáo dục, tạo cơ sở minh bạch trong thực thi.
Nghiên cứu tăng thêm phụ cấp cho giáo viên mầm non và tiểu học
Bên cạnh việc đánh giá cao, một đại biểu Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu về việc trong dự thảo nên có quy định rõ ràng và lâu dài hơn về chính sách bảo lưu phụ cấp cho nhà giáo khi luân chuyển về vùng khó khăn. Bởi hiện tại thời gian bảo lưu chỉ 36 tháng chưa thực sự đủ sức động viên đối với nhà giáo khi luân chuyển.
Song song đó, đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu việc tăng thêm phụ cấp cho giáo viên mầm non và giáo viên tiểu học theo lộ trình phù hợp. Do giáo viên mầm non, tiểu học chịu áp lực công việc lớn nhất và thường gắn với lao động chăm sóc, bên cạnh công việc giảng dạy đơn thuần.
Ngoài ra, nên bổ sung chế độ hỗ trợ nhà ở hoặc thuê nhà ở thực tế cho giáo viên công tác tại vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Cụ thể, quy định mức hỗ trợ tương ứng với giá thuê nhà thực tế trên thị trường tại địa phương đó thay cho hỗ trợ một khoản tiền không thấp hơn mức tiền thuê nhà ở công vụ theo quy định.
"Cần có cơ chế đánh giá hiệu quả thực hiện nghị định sau khi ban hành, dự kiến có hiệu lực từ 1-1-2026, để kịp thời điều chỉnh với những vấn đề phát sinh trong thực tế. Tránh trường hợp ban hành nhưng chậm được triển khai hoặc không phù hợp với điều kiện thực tế của giáo viên ở từng vùng miền", đại biểu này kiến nghị.
Còn đại biểu Trần Khánh Thu (Hưng Yên) đề nghị quá trình xây dựng dự thảo nghị định cần rà soát đánh giá việc xác định tiền lương nhà giáo theo cách xác định lương của nghị quyết 27 về cải cách chính sách tiền lương với cán bộ, công chức, viên chức để đảm bảo phù hợp. Đồng thời quy định cụ thể, xác định rõ nguồn kinh phí do ngân sách nhà nước đảm bảo để chi trả tiền lương cho nhà giáo hằng năm.