Nhảy đến nội dung

Đột phá thể chế cho kỷ nguyên vươn mình

Bộ Chính trị vừa ban hành nghị quyết về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Tiếp sau đó, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng có bài viết “Đột phá thể chế, pháp luật để đất nước vươn mình”.

Từ Nghị quyết 66 và bài viết của Tổng Bí thư, có thể nhận thấy quan điểm chỉ đạo mới của Đảng: Công tác xây dựng và thi hành pháp luật là “đột phá của đột phá” trong hoàn thiện thể chế phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới; là nhiệm vụ trọng tâm của tiến trình xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Dứt khoát từ bỏ tư duy không quản được thì cấm

So với các văn kiện Đại hội lần thứ 11, 12, 13 của Đảng, Nghị quyết 66 đề cao hơn nữa vai trò của công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật bởi các văn kiện trước đây mới chỉ nhìn nhận đây là 1 trong 3 đột phá chiến lược (cùng với đột phá về cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực). Tại Nghị quyết 66, Bộ Chính trị nhìn nhận xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật là “đột phá của đột phá”, tức là được đặt ở vị trí ưu tiên cao nhất trong các nội dung cần được ưu tiên.

Ngoài ra, Nghị quyết 66 còn gắn chặt công tác xây dựng pháp luật với thi hành pháp luật trong một chỉnh thể không tách rời và đều được đặt ở vai trò “đột phá của đột phá”. Để đi đến quan điểm mới này, Nghị quyết 66 đã đúc kết công tác xây dựng và thi hành pháp luật và chỉ rõ “còn nhiều hạn chế, bất cập”; “tổ chức thực thi pháp luật vẫn là khâu yếu”. Từ đó, Bộ Chính trị chỉ rõ: Để đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình…, công tác xây dựng và thi hành pháp luật phải được đổi mới căn bản, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Đi từ quan điểm xây dựng pháp luật phải bám sát thực tiễn, đứng trên mảnh đất thực tiễn của Việt Nam, tiếp thu có chọn lọc giá trị tinh hoa của nhân loại…, mở đường, khơi thông mọi nguồn lực, đưa thể chế, pháp luật trở thành lợi thế cạnh tranh, nền tảng vững chắc, động lực mạnh mẽ cho phát triển; đầu tư cho công tác xây dựng chính sách, pháp luật là đầu tư cho phát triển; có chế độ, chính sách đặc thù, vượt trội cho công tác nghiên cứu chiến lược, chính sách, xây dựng pháp luật…, Đảng đã đề ra một loạt nhiệm vụ, giải pháp.

Đảng yêu cầu dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”; phân định rõ quy trình xây dựng chính sách và quy trình soạn thảo văn bản; hoạt động tổng kết, khảo sát thực tiễn, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, đánh giá tác động chính sách, lựa chọn chính sách phải kỹ lưỡng, thực chất, khoa học; không đẩy khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong thiết kế chính sách; xây dựng môi trường pháp lý thuận lợi, thông thoáng, minh bạch, an toàn, chi phí tuân thủ thấp; triệt để cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh, thủ tục hành chính bất hợp lý; bảo đảm thực chất quyền tự do kinh doanh, quyền sở hữu tài sản và quyền tự do hợp đồng; tạo cơ sở pháp lý để khu vực kinh tế tư nhân tiếp cận hiệu quả các nguồn lực về vốn, đất đai, nhân lực chất lượng cao; các quy định của luật phải mang tính ổn định, đơn giản, dễ thực hiện, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm…

Việc sử dụng một loạt cụm từ “thực chất”, “triệt để”, “dứt khoát”… thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Đảng trong đột phá thể chế, chính sách, pháp luật để đưa đất nước phát triển, tiến bước vào kỷ nguyên vươn mình.

Chữa căn bệnh sợ trách nhiệm

Bên cạnh các giải pháp, Nghị quyết 66 cũng thẳng thắn chỉ ra thực trạng hiện nay: Tư duy xây dựng pháp luật trong một số lĩnh vực còn thiên về quản lý; chất lượng pháp luật chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn. Đặc biệt, Nghị quyết chỉ rõ vấn đề lớn nhất của hệ thống pháp luật hiện nay: “Còn có những quy định chồng chéo, mâu thuẫn, chưa rõ ràng, cản trở việc thực thi, không thuận lợi cho việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thu hút và khơi thông nguồn lực đầu tư”.

Sự xung đột, mâu thuẫn, chồng chéo… giữa các văn bản là một vấn đề đã được các cơ quan nhà nước cũng như giới chuyên gia, nhà khoa học phân tích, nhận diện trong suốt những năm qua. Thủ tướng Chính phủ cũng đã thành lập các tổ công tác để rà soát các văn bản quy phạm pháp luật. Sự mâu thuẫn, chồng chéo này chính là nguyên nhân trực tiếp gây ách tắc thủ tục pháp lý cho các dự án, dẫn đến Quốc hội phải tiến hành sửa 3 luật trực tiếp điều chỉnh lĩnh vực dự án có sử dụng đất, bất động sản (Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Kinh doanh bất động sản). Việc 3 luật sửa đổi được thông qua vào cùng một thời điểm được coi là thời cơ vàng về lập pháp, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khắc phục cơ bản các vướng mắc trước đây.

Động thái tiếp theo, Quốc hội và Chính phủ đã phối hợp để cho phép Luật Đất đai và 2 luật liên quan có hiệu lực sớm hơn 5 tháng nhằm giải phóng nguồn lực đất đai. Sau khi các luật mới được thông qua, đã có tâm lý chờ đợi từ các cán bộ, công chức thực thi bởi các luật mới có chất lượng tốt hơn, quy định rõ ràng hơn, ít rủi ro cho cán bộ, công chức. Nên việc các luật mới có hiệu lực sớm hơn đã phần nào giải quyết được tâm lý “co cụm, chờ đợi” của cán bộ, công chức (đã đi vào nghị trường Quốc hội với thuật ngữ “bệnh sợ trách nhiệm”), giúp tiết kiệm được thời gian thực hiện thủ tục và chi phí cho người dân, doanh nghiệp.

Để chữa “căn bệnh sợ trách nhiệm” này, bằng mọi giá phải hoàn thiện hệ thống pháp luật để khắc phục các mâu thuẫn, xung đột, không có hiện tượng luật này mở nhưng luật kia đóng; không còn một “rừng” các văn bản rối rắm, chồng chéo dẫn đến làm đúng luật này nhưng sai luật kia... Chỉ khi ấy, cán bộ mới “dám làm” và sự dũng cảm khi ấy mới đáng được đề cao: là sự dũng cảm của một người biết rõ điều gì là đúng và quyết định làm điều đúng; không phải sự liều lĩnh, may rủi.

Vài năm trước, một người bạn là lãnh đạo cấp phòng tại một Sở thuộc thành phố từng là điểm sáng về môi trường đầu tư nửa đùa, nửa thật nói với tôi: “Thời buổi này đọc, hiểu và làm đúng pháp luật thì rất khó và có thể gặp vướng mắc khi thực thi pháp luật. Muốn làm được phải vận dụng. Muốn không bị sai thì... tạm thời chưa làm”.

Đó không phải chuyện của chỉ một địa phương trong quản lý, sử dụng đất đai giai đoạn trước kia. Chẳng hạn về giá đất, quy trình định giá đất một dự án bất động sản thường kéo dài tối thiểu 2 năm đã ảnh hưởng rất nặng nề đến các chủ đầu tư bởi giá đất là tham số đầu vào quan trọng để xác định chiến lược kinh doanh. Thật may là Luật Đất đai 2024 đã kịp thời nắn chỉnh khi quy định thời gian định giá đất tối đa cho phép là 6 tháng.

Hay như việc pháp luật đất đai quy định 4 phương pháp định giá đất cụ thể nhưng địa phương kêu trời vì áp dụng các phương pháp lại cho các kết quả rất chênh lệch, khiến người ký phê duyệt giá lo ngại.

Một vấn đề “nóng bỏng” khác liên quan đến chuyển mục đích sử dụng đất. Luật Đất đai trước đây quy định chưa rõ ràng, thậm chí mâu thuẫn, một mặt giao UBND cấp tỉnh quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất nhưng một mặt lại đặt ra các trường hợp phải đấu giá quyền sử dụng đất (ví dụ trường hợp giao đất để xây dựng nhà ở thương mại). Vậy trường hợp nào doanh nghiệp được chuyển mục đích sử dụng đất, trường hợp nào Nhà nước phải thu hồi đất để đấu giá, đấu thầu?

Một vài vấn đề gây tắc nghẽn nguồn lực đất đai được nêu trên đây đã được giải phóng trong Luật Đất đai 2024. Các phương pháp định giá đất và cơ sở dữ liệu để định giá (được ví như cỗ máy sản xuất và nguồn nguyên liệu) đều được cải thiện với kỳ vọng sẽ trả ra sản phẩm là kết quả định giá đất đáng tin cậy. Định giá đất là điểm then chốt của chính sách đất đai thời kỳ tới, bởi giá đất theo sát thị trường sẽ giúp công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng thuận lợi, giảm bớt khiếu kiện; đồng thời tránh thất thu ngân sách khi giao đất cho doanh nghiệp làm dự án.

Với câu hỏi doanh nghiệp được chuyển mục đích sử dụng đất có phải đấu giá, đấu thầu không, Luật Đất đai mới cũng đã có câu trả lời cụ thể để cán bộ yên tâm khi ký quyết định.

Sự ra đời của Nghị quyết 66 về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật, đặc biệt giải pháp thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về hoàn thiện thể chế, pháp luật do Tổng Bí thư làm Trưởng ban, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội làm Phó ban càng củng cố quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong việc “đưa thể chế, pháp luật trở thành lợi thế cạnh tranh”. Từ chỗ hệ thống pháp luật là “ma trận” làm nản lòng các nhà đầu tư (giai đoạn 2-3 năm trở về trước), trong thời gian tới, hệ thống pháp luật được sửa đổi, hoàn thiện có thể từng bước tạo lợi thế nhằm thu hút các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước, biến kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế.