Đồng minh Mỹ đưa tàu sân bay đến gần Trung Quốc

Các thành viên châu Âu của NATO trong vài năm gần đây đang phô diễn sức mạnh hải quân ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong bối cảnh Trung Quốc đẩy mạnh nâng cấp năng lực quân sự.
Trả lời Tạp chí Newsweek, các chuyên gia nhận định việc các nước châu Âu, cụ thể là Anh, Pháp và Ý, triển khai tàu sân bay đến khu vực có thể hỗ trợ Mỹ kiềm chế Trung Quốc, đồng thời duy trì sự hiện diện hải quân tại châu Âu, từ đó góp phần bảo đảm an ninh cho lục địa già.
Vào năm 2008,9 nước châu Âu đã thiết lập Sáng kiến Tương tác Nhóm Tác chiến Tàu sân bay châu Âu, với mục tiêu duy trì sự hiện diện liên tục tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thông qua việc tuần tự triển khai các tàu sân bay đến khu vực.
Sáng kiến được triển khai trong bối cảnh Trung Quốc hiện đã vượt qua Mỹ để sở hữu hải quân lớn nhất thế giới tính theo số lượng tàu, với hơn 370 tàu chiến và tàu ngầm. Hồi tháng 6, Trung Quốc lần đầu điều động cùng lúc hai nhóm tác chiến tàu sân bay ở Tây Thái Bình Dương.
Trong khi Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng hải quân ở Thái Bình Dương, Mỹ lại lâm vào tình trạng bị phân tán sức mạnh trên biển do ảnh hưởng bởi căng thẳng ở Trung Đông. Từ đầu năm đến nay, hai nhóm tác chiến tàu sân bay của Mỹ là USS Carl Vinson và USS Nimitz đã rời khỏi Thái Bình Dương, tạo ra khoảng trống sức mạnh hải quân tại khu vực.
Trong khi Hải quân Mỹ hiện chỉ còn duy trì một nhóm tác chiến tàu sân bay ở Thái Bình Dương, tàu sân bay HMS Prince of Wales của Anh đến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cho sứ mệnh kéo dài 8 tháng.
Trước tàu HMS Prince of Wales, Anh từng gửi hàng không mẫu hạm HMS Queen Elizabeth đến khu vực trong sứ mệnh kéo dài 7 tháng hồi năm 2021.
Vào tháng 4, tàu sân bay Pháp FS Charles de Gaulle kết thúc sứ mệnh kéo dài 5 tháng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trong quá trình này, hàng không mẫu hạm Pháp phối hợp diễn tập với các tàu cùng loại của Mỹ và Nhật Bản ở vùng Tây Thái Bình Dương phía đông Philippines.
Về phần mình, Hải quân Ý cũng điều tàu sân bay ITS Cavour hồi năm ngoái dẫn đầu một nhóm tác chiến trong chuyến triển khai kéo dài 5 tháng tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, vốn là khu vực nằm ngoài phạm vi hoạt động truyền thống của hải quân nước này.