Nhảy đến nội dung
 

Đồng bộ quy hoạch để TP HCM bứt phá

Việc đồng bộ quy hoạch, kết nối hạ tầng và tái cấu trúc không gian đô thị là nhiệm vụ trọng tâm đang được các cơ quan chuyên môn TP HCM hoạch định.

TP HCM mới sau khi hợp nhất 3 địa phương có 613 đồ án quy hoạch phân khu; cần ráp nối, điều chỉnh từ 2 khía cạnh chiến lược: Kết nối hạ tầng giao thông, kỹ thuật và kết nối không gian đô thị.

Phát huy hiệu quả các khu chức năng đô thị

Sở Xây dựng TP HCM cho biết 613 đồ án quy hoạch phân khu đã được phê duyệt gồm: 513 đồ án tại TP HCM, 50 đồ án tại Bình Dương, còn lại là các đồ án tại Bà Rịa - Vũng Tàu trước đây.

Các đồ án này được phê duyệt trước khi có Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Do đó, việc rà soát, điều chỉnh các quy hoạch phân khu này là công tác trọng tâm để triển khai quy hoạch chung, bảo đảm phù hợp với ranh giới 168 phường - xã mới và phát huy hiệu quả các khu chức năng đô thị.

Theo Luật Quy hoạch Đô thị và Nông thôn, các quy hoạch chung đã được phê duyệt trước đây vẫn còn hiệu lực và là cơ sở để lập những quy hoạch cấp thấp hơn. Sau khi hợp nhất với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, TP HCM sẽ lập quy hoạch thành phố và quy hoạch chung với phạm vi ranh giới hành chính mới.

Sở Xây dựng TP HCM nhận định các quy hoạch chung trước đây đã đáp ứng cơ bản yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương. Quy hoạch chung TP HCM đến năm 2040 cũng đã tính đến yếu tố liên kết vùng. Vì vậy, quy hoạch chung TP HCM sau hợp nhất sẽ kế thừa nền tảng từ các quy hoạch đã có, đồng thời bổ sung các nội dung đột phá dựa trên thế mạnh đặc trưng của từng khu vực để tạo động lực phát triển chung.

Để kết nối và điều chỉnh các quy hoạch trong một tổng thể thống nhất, Sở Xây dựng TP HCM đề xuất tập trung vào hai khía cạnh chiến lược. Đầu tiên là kết nối giao thông và hạ tầng kỹ thuật. Việc này không chỉ là gia tăng các tuyến đường bộ mà còn phải đồng bộ hóa mạng lưới giao thông công cộng, giao thông trung chuyển liên khu vực. Việc hợp nhất các địa phương cũng đặt ra yêu cầu kết nối, nâng cao năng lực cho các khu đầu mối hạ tầng kỹ thuật quan trọng như mạng lưới cấp điện, cấp thoát nước, xử lý rác thải...

Khía cạnh tiếp theo là kết nối không gian đô thị. Cần phải cấu trúc lại các khu chức năng theo một không gian hợp nhất, bao gồm các khu đô thị giáp ranh, mạng lưới công nghiệp, trung tâm nghiên cứu - đào tạo, y tế, thể thao và hệ thống cảng sông, cảng biển, tạo thành một thể thống nhất, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn thành phố mở rộng.

Sáu chiến lược để vươn tầm quốc tế

Theo Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM, việc lập quy hoạch thành phố mới trên cơ sở sáp nhập TP HCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu là cấp thiết để xây dựng một siêu đô thị mang tầm vóc quốc tế. Để bảo đảm không có sự gián đoạn về pháp lý, ảnh hưởng việc phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch mới cần kế thừa và tích hợp các quy hoạch đã được phê duyệt của 3 địa phương.

Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM đã đề xuất 6 chiến lược trọng tâm. Thứ nhất, tái cấu trúc các khu vực phát triển để phát huy lợi thế riêng của mỗi địa phương trước đây, tránh cạnh tranh nội bộ và lãng phí nguồn lực, hướng đến hiệu quả kinh tế - xã hội tối ưu.

Thứ hai, tạo ra các động lực tăng trưởng đột phá dựa trên 3 trụ cột chính: Công nghiệp công nghệ cao và sản xuất thông minh; dịch vụ chất lượng cao với lõi là tài chính quốc tế và công nghệ; kinh tế biển với trung tâm là cụm cảng nước sâu và logistics. Từ đó, hình thành 5 khu vực kinh tế chuyên biệt: Sản xuất công nghiệp (tập trung tại các phường, xã thuộc tỉnh Bình Dương trước đây); đổi mới sáng tạo và công nghệ cao (các phường: Tăng Nhơn Phú, Đông Hòa, Bình Dương và xã Nhà Bè); trung tâm tài chính - công nghệ (phường Sài Gòn và phường Thủ Thiêm); công nghiệp chuyên sâu và hàng hải, logistics (các phường Phú Mỹ, Tân Phước, Long Sơn); không gian biển và sinh thái hải đảo (các phường Vũng Tàu, Tam Thắng, Phước Thắng; các xã Phước Hải, Hồ Tràm, Cần Giờ và đặc khu Côn Đảo).

Thứ ba, xây dựng chiến lược kinh tế biển, tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn trong chuỗi cung ứng; đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống logistics đường sông, đường biển và cảng cạn.

Thứ tư, tăng cường kết nối giữa các khu vực đô thị bằng hạ tầng giao thông đồng bộ, ưu tiên mạng lưới đường sắt công cộng (MRT, commuter rail) và phát triển đô thị theo mô hình TOD.

Thứ năm, thúc đẩy việc chia sẻ, kết nối, sử dụng bền vững các công trình hạ tầng kỹ thuật chung giữa 3 địa phương trước đây.

Thứ sáu, phát triển giáo dục bậc cao và nghiên cứu sáng tạo, gắn liền với phát triển đô thị và kinh tế theo mô hình đại học trong thành phố. 

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn