Đội quân quyền lực của nước Nga thế kỷ 17

Trong cuốn sách “Peter Đại đế - Sự trỗi dậy của Đế quốc Nga”, nhà Sử học Robert K. Massie cho độc giả thấy chân dung của một con người vĩ đại, nhà lãnh đạo kiệt xuất cùng bức tranh sống động về nước Nga thế kỷ XVIII với những đổi thay vượt bậc trong tất cả lĩnh vực, từ kinh tế, quân sự tới văn hóa, giáo dục…
Trong suốt nửa đầu cuộc đời của Peter, chìa khóa quyền lực ở nước Nga nằm trong tay những người lính Streltsy đầu tóc râu ria bờm xờm được trang bị giáo hoặc súng hỏa mai.
Là những người lính chuyên nghiệp đầu tiên của Nga, một phần trong số họ được giao nhiệm vụ bảo vệ Kremlin. Họ thề sẽ bảo vệ “chính phủ” trong cơn khủng hoảng, nhưng họ thường gặp khó khăn trong việc quyết định xem chính phủ hợp pháp là ai. Họ là một tập thể lầm lì ít nói và u mê, không bao giờ biết chắc ai là chủ nhân thực sự, nhưng sẵn sàng lao tới và cắn xé bất cứ ai thách thức vị trí đặc quyền của chủ nhân.
Ivan Bạo chúa đã thành lập những trung đoàn này để đảm bảo một nền tảng chuyên môn lâu dài cho đội quân phong kiến khó sử dụng mà những người cai trị Nga trước đây dẫn vào chiến trường. Những đội quân cũ này, gồm các đội kỵ binh quý tộc và một đám nông dân có vũ trang, được triệu tập vào mùa xuân và cho về nhà vào mùa thu.
![]() |
Tranh mô tả lính Streltsy xông vào cung điện. Ảnh: Executed Today. |
Thông thường, những người lính tại ngũ kiểu như vậy trong mùa hè chỉ được tập trung lại với bất kỳ ngọn giáo hay cây rìu nào trong tay mà không được huấn luyện nên phần lớn họ vô kỷ luật và thường gặp khó khăn trước những kẻ thù phương Tây được trang bị tốt hơn, như quân Ba Lan hoặc Thụy Điển.
Dù canh gác hay diễu hành, quân đoàn Streltsy luôn tạo nên một cảnh tượng đầy màu sắc. Mỗi trung đoàn đều có màu sắc sinh động riêng: một chiếc áo captan hoặc áo khoác dài xanh lam, xanh lá cây hoặc anh đào, một chiếc mũ viền lông cùng màu, quần ống túm nhét vào đôi bốt màu vàng mũi chân vểnh. Mỗi người lính thắt một chiếc thắt lưng da màu đen quanh áo captan để đeo kiếm. Một tay anh ta cầm súng hỏa mai hoặc súng trường, tay kia cầm giáo hoặc rìu chiến nhọn.
Hầu hết quân Streltsy đều là người Nga bình thường, sống theo lối cũ, tôn kính cả Sa hoàng và Thượng phụ, ghét sự đổi mới và phản đối cải cách. Cả sĩ quan lẫn binh lính trơn đều nghi ngờ và phẫn nộ trước việc người nước ngoài được đưa đến để huấn luyện quân đội sử dụng vũ khí và chiến thuật mới. Họ không biết gì về chính trị, nhưng khi họ tin rằng đất nước đang đi chệch khỏi con đường truyền thống đúng đắn, họ dễ dàng tự thuyết phục rằng nghĩa vụ đòi hỏi họ phải can thiệp vào tình hình quốc gia.
Trong thời bình, họ không có nhiều việc để làm. Một số biệt đội đóng quân ở biên giới Ba Lan và Tatar, nhưng phần lớn tập trung ở Moskva, nơi họ sống trong các khu đặc biệt gần Điện Kremlin. Đến năm 1682, quân số của họ là 22.000 người - được chia thành 22 trung đoàn, mỗi trung đoàn 1.000 người - cùng với vợ và con làm thành một khối khổng lồ những người lính nhàn rỗi cùng người phụ thuộc sống phần lớn ở trung tâm kinh đô.
Họ được chiều chuộng: Sa hoàng cung cấp cho họ những ngôi nhà gỗ đẹp đẽ để ở, Sa hoàng chu cấp thức ăn, quần áo và tiền lương. Đổi lại, họ gác ở Điện Kremlin và gác cổng thành. Khi Sa hoàng du hành tại Moskva, quân Streltsy mở đường cho ông đi; khi ông rời thành phố, họ hộ tống ông. Họ phục vụ như cảnh sát, mang theo những chiếc roi dài nhỏ để giải tán các vụ ẩu đả. Khi thành phố bốc cháy, quân Streltsy trở thành lính cứu hỏa.
Dần dần, lính Streltsy chuyển sang buôn bán và trở nên giàu có nhờ việc không phải trả thuế. Việc gia nhập trung đoàn trở thành đặc quyền cha truyền con nối. Càng giàu, họ càng miễn cưỡng thực hiện nhiệm vụ quân sự. Thay vì chiến đấu, họ thường đưa hối lộ để tránh nhiệm vụ khó khăn. Các sĩ quan Streltsy cũng lợi dụng binh lính nhàn rỗi làm người hầu, xây nhà, hoặc biển thủ tiền lương của binh lính. Khiếu nại của binh lính thường bị phớt lờ và người khiếu nại thì bị trừng phạt.
Đây chính xác là những gì đã xảy ra vào tháng Năm năm 1682, khi Sa hoàng Fyodor trẻ tuổi nằm trên giường bệnh. Trung đoàn Griboyedov đã đệ đơn chính thức cáo buộc đại tá chỉ huy họ, Semyon Griboyedov, giữ lại một nửa số tiền lương của họ và buộc họ phải làm việc trong Tuần lễ Phục sinh tại một ngôi nhà mà ông ta đang xây ở ngoại ô Moskva.