Đời hái lượm thuê

Bình minh vừa ló dạng, những bóng lưng khom rời chòi tạm để bắt đầu ngày làm việc dài với những bước chân thoăn thoắt dưới tán cây. Mùa điều chín vàng là lúc họ rời miền Tây đến Bình Phước lượm từng trái rơi và sống như tách biệt thế giới bên ngoài.
Họ là những người lao động thời vụ, rong ruổi theo mùa vụ để kiếm kế sinh nhai. Những con người sống cuộc đời tạm bợ, nay đây mai đó, lặng lẽ đối mặt với những khó khăn của nghề.
Cả cuộc đời làm thuê mùa vụ
Bà Nguyễn Thị Phúc (51 tuổi, quê Trà Vinh) cùng chồng đến Bình Phước nhặt điều thuê gần 20 năm nay chia sẻ: "Nhà tui nuôi cua nhưng mấy năm thua lỗ. Rồi nghe người quen rủ lên đây, tui đi theo. Ban đầu cực lắm nhưng dần quen, lên đây còn có cái để làm, kiếm thêm thu nhập, đỡ hơn dưới quê".
Công việc của vợ chồng bà Phúc bắt đầu từ sáng sớm. Bà thức dậy, nấu nồi cơm to đủ bốn người ăn nguyên cả ngày, sau đó lúi húi chuẩn bị thêm vài món khác như trứng chiên, canh mì gói nấu rau nhíp rừng. Xong xuôi, bà gọi mọi người dậy ăn cơm và bắt đầu một ngày làm việc đến chiều tối.
Bà Phúc lom khom nhặt từng trái điều rơi lẫn trong lá khô và cỏ dại. Đôi bàn tay thoăn thoắt không ngừng nghỉ, vèo một cái đã đầy xô.
Đưa tay quệt mồ hôi lăn trên trán, bà tâm sự: "Nhiều hôm trời nắng, hơi nóng từ mặt đất bốc lên hầm hập, có ngày thì mưa khiến việc lượm điều càng khó khăn hơn, rồi thì đau lưng, đau cổ tùm lum hết á".
Chưa dứt lời, bà Phúc lại cặm cụi bới đống lá khô. Bà ráng làm, bởi mỗi ký điều là chút hy vọng gửi về quê cho con cái. Trung bình một ngày bà lượm được 100kg điều, với giá 4.000 đồng/kg.
Một ngày làm việc cật lực đến tối, hai vợ chồng bà có thể kiếm được 800.000 đồng. Nhưng không phải ngày nào cũng may mắn vậy. Có hôm mưa to, có vườn thì lại thất mùa, số ký giảm, tiền công theo đó cũng ít đi. Hơn nữa điều cũng chỉ có trái theo mùa.
Trong đợt cao điểm thu hoạch điều này, anh Nguyễn Hoàng Thái (33 tuổi, quê Trà Vinh), mới đến Bình Phước nhặt được khoảng một tháng nay, bất ngờ nhận tin mẹ già ở quê ốm nặng. Giữa lúc điều rộ, tiền công nhặt cao nhất cả mùa nhưng anh đành bỏ dở việc, vội vã bắt chuyến xe cuối ngày để về quê.
"Ở đây mình làm thì mới có tiền gửi về để mẹ chữa bệnh. Nhưng nghĩ lại mẹ bệnh mà không có ai chăm sóc thì cũng không phải. Thế là tôi về, chấp nhận mất khoản thu nhập lớn nhất cả mùa điều", anh Thái chia sẻ.
Hôm chia tay mọi người ở chòi để về quê, ai cũng dúi vào tay anh Thái ít tiền để về lo cho mẹ. Số tiền không lớn nhưng anh Thái vô cùng trân quý tình cảm mọi người trong chòi dành cho anh. Bà con như những lá rách vẫn đùm bọc nhau lúc hoạn nạn.
Cũng chẳng khá khẩm gì hơn, ngay những người xứ này cũng làm mướn một đời vì không có đất canh tác. Bà Điểu Thị Mắc (35 tuổi, xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng, Bình Phước) tâm sự:
"Nhà tôi cũng ngặt, không có đất nên hết mùa điều thì tôi đi làm rẫy thuê, ai kêu gì làm nấy. Cuộc sống bấp bênh nhưng không còn cách nào khác. Mùa điều đến là phải tranh thủ kiếm tiền, có khi làm quần quật từ sáng đến tối cũng chỉ đủ ăn và lo con cái", bà Mắc bộc bạch.
Mùa này bà Mắc dậy từ sớm nấu cơm để gói theo đi vườn từ sáng sớm tới tối muộn mới về nhà. Bà chân chất chia sẻ bí kíp để một ngày nhặt được 1 tạ điều tươi là "cần có một cái xô, một cái làn và một cái bao. Cái xô nhỏ cứ mang theo bên mình, đầy cái xô lại đổ vào cái làn, làm như vậy cả ngày sẽ đỡ mệt hơn phải xách nặng".
Cũng như bao người khác, hết mùa điều bà Mắc lại tản đi khắp nơi, lên Tây Nguyên hoặc về Lâm Đồng hái cà phê, tiêu thuê. Bà Mắc đùa vui rằng cuộc đời của bà là những chuyến đi không ngừng nghỉ, nơi nào có việc thì nơi đó là nhà.
Những căn chòi tạm bợ giữa đồi núi
Với nhiều gia đình, mùa hái điều thuê giúp họ thêm tiền trang trải cuộc sống ở quê nhà. Nhưng đổi lại họ phải chấp nhận xa quê, sống tạm bợ và làm việc trong điều kiện khắc nghiệt.
Những người lượm điều thuê như vợ chồng bà Phúc hay anh Thái chủ yếu đến từ các tỉnh miền Tây và đi theo nhóm, mang theo cả gia đình đến Bình Phước vào đầu mùa điều chín. May mắn họ được chủ vườn hỗ trợ cho dựng căn chòi đơn sơ bằng bạt giữa vườn điều để ở tạm.
Cuộc sống thiếu thốn đủ bề. Sau một ngày lượm điều, vợ chồng bà Phúc quay về căn chòi nhỏ tự nấu đồ ăn, xong bữa lại lăn ra nghỉ ngơi trên những cái sập nhỏ đan bằng phên nứa.
Căn chòi nhỏ quây bạt tạm bợ, nước phải bơm từ suối lên, không có điện, đồ ăn thức uống đều phải nhờ anh chủ đi chợ mua giúp và ghi sổ tới cuối tháng mới tính tiền. Sinh hoạt của mọi người ở đây đều phải xong xuôi trước khi trời tối.
Những người làm công như vợ chồng bà Phúc cũng không dám tiêu xài hoang phí, một ngày họ chi tiêu chỉ khoảng 70.000 đồng cho cả ba bữa, số tiền còn lại để dành lo cho con cái.
Khi được hỏi về món ăn mà mọi người ăn nhiều nhất từ trước tới giờ, bà Phúc trả lời món trứng vì trứng vừa rẻ vừa nấu nhanh gọn. "Không trứng thì cơm với cá khô, rau rừng. Đôi khi không có thời gian nấu, chỉ ăn vội chén cơm nguội rồi lại lao đi làm tiếp", bà Phúc chia sẻ.
"Ở đây chúng tôi sống gần như tách biệt thế giới bên ngoài. Muốn gọi điện cũng phải đi bộ lên đồi cách mấy trăm mét mới có sóng. Tôi cũng mắc cái võng ở đó lâu lâu tối lên đó bắt mạng, coi video giải trí.
Mùa này ai cũng chỉ biết cắm đầu nhặt điều, mệt thì ngả lưng trên võng trên sập, hôm nào may mắn thì có tí gió mát, hôm nào trời nóng chỉ biết trằn trọc cả đêm" - ông Huỳnh Văn Tèo (42 tuổi, ngụ Trà Vinh), người hơn 10 năm làm lượm điều thuê, chia sẻ.
Dường như ông Tèo đã quá quen cuộc sống thế này, cứ mùa nào làm việc nấy, mùa điều thì hái điều, mùa cà phê thì hái cà phê, mùa tiêu thì hái tiêu. Dẫu vất vả nhưng đồng tiền kiếm được vẫn dễ hơn ở quê. "Nghề này dành cho những người không ngại khổ, không sợ nắng mưa, chỉ cần cố gắng là được", ông Tèo chia sẻ.