Độc đáo thư pháp siêu mini trên quả vải

Châu Việt Út (28 tuổi), ngụ tại Hà Nội đã tạo nên sự khác biệt khi sử dụng những quả vải tươi làm nền cho các tác phẩm thư pháp đầy sáng tạo.
Biến những quả vải tươi thành “bức tranh” thư pháp độc đáo
Ý tưởng táo bạo này bắt nguồn từ một bức ảnh mà thầy của Út chia sẻ về trào lưu viết thư pháp trên quả vải ở Trung Quốc. Út kể: “Vô tình mình được xem bức ảnh về một trend đang hot bên nước bạn về việc viết thư pháp lên quả vải. Dựa vào bức ảnh đó, mình nghĩ rằng bản thân cũng có thể thực hiện dựa trên ý tưởng ấy và thể hiện bằng ngôn ngữ là tiếng Việt theo lối viết thư pháp chữ Quốc ngữ”.
Vì vậy, Út quyết định thử thách bản thân với một chất liệu hoàn toàn mới: “Không phải là giấy hay chất liệu khác mà chính là bề mặt vỏ lụa của quả vải và hiện đang là mùa chín rộ của loại trái cây này”.
Theo Út, quá trình tạo ra một tác phẩm trên quả vải không hề đơn giản. Chàng trai tỉ mỉ chọn những quả vải tươi, căng mọng. Anh giải thích: “Chọn những quả vải càng tươi càng tốt, quả đầy, căng mọng. Và tùy thuộc vào bạn muốn nền lụa màu nâu hổ phách hay trắng mà mình chọn quả chín đỏ hay quả chín tới còn xanh”.
Út cho biết công đoạn bóc tách vỏ lụa đòi hỏi sự nhẹ nhàng, khéo léo để giữ nguyên vẹn lớp lụa, sau đó anh cẩn thận gỡ bỏ từng sợi gân còn sót lại. Để lớp lụa đều màu, Út dùng bông tẩy trang thấm nước, xoa nhẹ để tạo sắc nâu hổ phách tự nhiên, đồng thời loại bỏ các sợi gân thừa.
Kiên nhẫn trong từng nét chữ
Theo Út, công đoạn viết chữ trên quả vải là thử thách lớn nhất. Út chia sẻ: “Công đoạn nào cũng khó nhưng cần thận trọng và chỉn chu nhất đó chính là viết chữ. Nếu lấy nhiều mực khi viết dễ phá vỡ cấu trúc chữ mình muốn, lấy ít thì bị khô nét không hoàn thiện được một nét trong con chữ, đồng thời phải tính toán bố cục con chữ trên quả vải sao cho cân đối”.
Bên cạnh đó, muốn chữ đẹp và sắc sảo thì phải đợi lớp vỏ lụa khô để đạt độ căng, rồi di chuyển bút lông chậm rãi và lấy lượng mực vừa đủ. Công đoạn đóng dấu cuối cùng cũng không kém phần cam go. “Bước đóng dấu lên lớp vỏ lụa cần sự kết hợp lực tay cho nhịp nhàng vì nếu nhẹ quá thì chữ không bám lên vỏ lụa, còn mạnh quá thì làm rách lớp vỏ”, Út cho biết.
Với mỗi quả vải Út mất 1 - 2 tiếng đồng hồ để hoàn thiện, tùy thuộc vào thời tiết, bởi lớp vỏ cần thời gian khô và mực phải ngấm hoàn toàn. Út nhấn mạnh: “Yếu tố tiên quyết khi viết thư pháp lên quả vải đó chính là sự kiên trì, tỉ mỉ, vì mỗi công đoạn đều rất dễ bị hỏng nếu như vội vàng và mạnh tay. Do vậy, cần kiên nhẫn trong việc viết con chữ và tỉ mỉ xử lý quả vải”.
Với Út, thư pháp không chỉ là nghệ thuật mà còn là cách để sống chậm, rèn luyện sự tập trung và kiên nhẫn. Chàng trai này đã theo đuổi bộ môn nghệ thuật thư pháp nhiều năm nay, nhưng chính trải nghiệm trên quả vải đã mang đến một góc nhìn mới.
Chàng trai chia sẻ: “Qua lần trải nghiệm này mình muốn truyền tải đến mọi người một điều rằng hãy cứ thử trải nghiệm những điều mình thích và đam mê. Biết rằng sẽ gặp nhiều khó khăn và thử thách nhưng lòng đủ kiên định và quyết tâm ắt sẽ thành”.
Bài viết chia sẻ hình ảnh viết thư pháp lên vỏ quả vải trên mạng xã hội của Út thu hút hàng nghìn lượt tương tác. “Mình thấy bất ngờ và rất vui vì không nghĩ là được mọi người yêu thích và đón nhận nhiều như vậy. Thư pháp là một môn nghệ thuật truyền thống, nhưng thật vui hơn nữa khi có rất nhiều bạn trẻ đón nhận và thích thú với nghệ thuật viết chữ này”, Út chia sẻ.
Với Út, những quả vải nhỏ bé không chỉ là tác phẩm nghệ thuật mà còn là minh chứng cho đam mê, sự kiên trì và lòng quyết tâm theo đuổi những điều độc đáo.