Doanh nhân nổi tiếng kể công việc ngày đầu đi làm là pha trà, photo tài liệu...

Trải nghiệm khó quên trong ngày đầu đi làm
Chia sẻ cùng sinh viên tại ngày hội việc làm VLU'S JOB FAIR 2025 với chủ đề "Sustainability" (sự bền vững) do Trung tâm hỗ trợ học sinh, sinh viên TP.HCM phối hợp với Trường ĐH Văn Lang và Công ty Cổ phần TopCV Việt Nam tổ chức vào sáng 12.4, ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, Chủ tịch Saigon Books, đã kể lại ngày đầu đi làm sau khi tốt nghiệp đại học.
Ông Quỳnh cho biết tốt nghiệp Trường ĐH Kinh tế TP.HCM (nay là ĐH Kinh tế TP.HCM) năm 1994. "Vào thời điểm đó, tôi được xem là một trong những sinh viên xuất sắc nhất của trường. Sau khi tốt nghiệp, tôi làm việc tại một doanh nghiệp nhà nước, công ty dầu khí, bộ phận xuất nhập khẩu", ông Quỳnh nhớ lại.
Ông Quỳnh nói rằng bản thân ông nghĩ khi làm việc ở đấy đồng nghĩa đang có những cơ hội rất tốt để có thể làm những việc lớn, ký kết những hợp đồng nhập khẩu với trị giá lớn, được đi nước ngoài…
"Nhưng ngày đầu đi làm, sếp kêu tôi lại và nói: "Quỳnh! Lại đây anh giao công việc cho em". Tôi cầm cuốn sổ tới. Sếp liệt kê: "Những công việc của em là thế này. Một là pha trà cho mọi người trong văn phòng công ty uống. Hai là gọi cơm trưa cho anh em trong công ty. Ba là photo tài liệu. Bốn là đánh máy các văn bản. Năm là đi trình hồ sơ cho phòng ký trình lên phòng tổng giám đốc lãnh đạo. Tiếp theo là dịch toàn bộ tài liệu từ tiếng Việt sang tiếng Anh và ngược lại. Cùng những công việc không tên khác", ông Quỳnh kể.
Ông Quỳnh kể tiếp: "Khi nhận những công việc đầu tiên trong cuộc đời như vậy thì tôi cảm thấy hơi buồn. Tôi chia sẻ với bạn gái của mình. Bạn ấy nói rằng "anh nghỉ ngay đi anh, sao chấp nhận được công việc như vậy với một người có thành tích học tập như anh, trong khi đó bạn cùng lớp không học giỏi bằng anh, lương đã tính bằng USD, và có nhiều cơ hội rất tốt…". Tôi đã buồn, nghe bạn gái nói như vậy, càng buồn hơn".
Tuy nhiên, ông Quỳnh cho biết đã không bỏ cuộc sớm, mà quyết định vẫn đi làm. Ông Quỳnh chiêm nghiệm: "Thật ra, để pha trà ngon là phải học. Để photo tài liệu hai mặt là phải học. Để đánh máy tính nhanh, đánh bằng cả 10 ngón tay là phải học. Muốn dịch thuật cũng phải học… Tất cả những thứ đó đều phải học mới làm được. Tôi đã làm và quyết tâm làm thật tốt những công việc đó. Và sau 6 tháng, tôi được đề bạt lên vị trí cao hơn".
Bài học ông Quỳnh rút ra sau câu chuyện vừa rồi, đó là: "Học để thích nghi. Học để làm tốt những công việc nhỏ thì mới có cơ hội làm được những công việc lớn hơn. Đừng coi thường những công việc nhỏ".
Ông Quỳnh khuyên sinh viên: "Để việc học được thoải mái, nhẹ nhàng, không cảm thấy áp lực thì cần xác định học để làm gì, hiểu được mục tiêu của việc học là gì? Học để biết nhiều kiến thức thực tế. Học để thích nghi, có cơ hội thăng tiến. Học để làm giàu, học để phụng sự xã hội… Nếu xem việc học với những mục tiêu như thế thì việc học rất nhẹ nhàng".
Để trở thành nhân sự then chốt trong doanh nghiệp
Cũng tại ngày hội, ông Trần Trung Hiếu, nhà sáng lập và giám đốc điều hành của Công ty cổ phần TopCV Việt Nam, cho rằng trong bối cảnh AI phát triển như hiện nay, đòi hỏi lực lượng lao động mới phải có năng lực AI.
Theo ông Hiếu, khung năng lực mới trong thời AI mà giới trẻ cần có sẽ gồm: khả năng tự quản trị, phát triển quan hệ, khả năng lãnh đạo, kỹ năng quản lý, năng lực phân tích.
"Khả năng tự quản trị sẽ gồm các yếu tố như: học tập nhanh nhẹn, khả năng phục hồi cảm xúc, sáng kiến và chấp nhận rủi ro, quản lý khả năng thích ứng… Khả năng lãnh đạo sẽ gồm: tư duy chiến lược, sự nhạy bén trong kinh doanh, dũng cảm lãnh đạo, truyền cảm hứng cho người khác, tính chính trực, sự tin cậy và uy tín", ông Hiếu nói.
Về kỹ năng quản lý, ông Hiếu cho biết đó là: quản lý dự án, quản lý thực thi, huấn luyện và phát triển tài năng, quản lý sự khác biệt, xung đột…
"Về phát triển quan hệ, cần biết kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, kỹ năng xã hội và hợp tác dựa trên AI… Còn năng lực phân tích sẽ gồm: tư duy phản biện, ra quyết định, phân tích vấn đề…", ông Hiếu chia sẻ thêm.
Đề cập đến vấn đề thời gian qua nhiều người hay nhắc đến việc làm thế nào để các gen Z, X, Y có thể hòa hợp cùng nhau trong môi trường làm việc, ông Hiếu cho rằng: "Hiện nay trên thị trường lao động không còn phân biệt thế hệ X, Y, Z nữa. Mà trong thời đại AI phát triển mạnh mẽ, chỉ có một thế hệ trên thị trường lao động, đó là gen... AI. "Gen AI" sẽ gồm những người có năng lực AI, tư duy AI, kỹ năng AI…".
Ông Hiếu nhấn mạnh: "Ai có kỹ năng làm chủ được AI thì người đó sẽ trở thành nhân sự then chốt trong bất kỳ doanh nghiệp nào".