Doanh nghiệp vừa và nhỏ chờ 'đột phá 68'

Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân được kỳ vọng sẽ giúp 5 triệu hộ kinh doanh cá thể và gần 1 triệu doanh nghiệp tư nhân vượt 'vùng xám' là gánh nặng thủ tục, thuế, phí... để phát triển.
Thuế, phí, "cảm ơn" ngốn 5 - 7% doanh thu
Mở phòng khám đa khoa tại một huyện thuộc tỉnh Hải Dương với gần 40 bác sĩ, hộ lý, chị Trần Thu Huyền cho biết đã quen với các đoàn kiểm tra thường xuyên hoặc định kỳ của Sở Y tế Hải Dương, y tế huyện, bảo hiểm xã hội, công an môi trường, phòng cháy chữa cháy, thuế…
Dù chấp hành đúng các quy định, nhưng để được việc, mỗi lần kiểm tra, phòng khám đều có phần "cảm ơn" - chi phí được hiểu ngầm là "luật bất thành văn". Cá biệt một đơn vị còn gọi điện đề nghị phòng khám hỗ trợ tiền đi du lịch. Kinh nghiệm nhiều năm vận hành phòng khám tư tại tuyến huyện cho chị Huyền thấy, các đoàn từ tỉnh còn ít hơn, "dễ thở" hơn ở huyện. Các cấp ở huyện "đánh tiếng" kiểm tra nhiều hơn, thường xuyên hơn và "đặt vấn đề" thẳng hơn.
Mỗi tháng chi phí thuê mặt bằng phòng khám rộng 150 m2 hết khoảng 35 triệu đồng, chi phí lương cho bác sĩ, nhân viên phòng khám xấp xỉ 400 triệu đồng. Song theo chị Huyền, các chi phí liên quan đến thuế, thủ tục hành chính hay phần "cảm ơn" không chính thức cũng chiếm tới 5 - 7% doanh thu.
"Cơ quan thuế thường chỉ chấp nhận các chi phí có hóa đơn và phải hợp lý. Ngay cả hóa đơn nhưng bên thuế không thấy hợp lý vẫn bị loại trừ. Trong khi các doanh nghiệp có rất nhiều chi phí không thể lấy hóa đơn được, khi quyết toán rất khó", chị Huyền cho hay.
"Lôi doanh nghiệp ra phạt thì dễ, hướng dẫn làm đúng mới bền vững"
Lắng nghe câu chuyện của nhiều doanh nghiệp tư nhân quy mô siêu nhỏ và nhỏ chật vật khởi nghiệp những năm qua, điểm chung chủ doanh nghiệp phản ánh với chúng tôi là khó khăn bủa vây, thiếu vốn, thiếu chuyên nghiệp và tầm nhìn khiến doanh nghiệp tư nhân Việt Nam khó lớn, chậm lớn.
Với chị Nguyễn Thanh Hòa, giám đốc một doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối dược phẩm tại Hà Nội, dù đã thiết lập được đối tác nhà phân phối nước ngoài và mạng lưới khách hàng trong nước, song thời điểm hiện tại chỉ "mong đủ ăn và đủ tiền đóng thuế". Khó khăn với công ty chị P. cũng là khó khăn chung của nhiều doanh nghiệp khi sức mua kém, người dân có xu hướng tiết kiệm khiến thị trường tiêu thụ chậm.
Một điểm "cộng", theo chị Hòa, là môi trường kinh doanh đã cải thiện khá nhiều so với cách đây 15 năm khi chị lập nghiệp. Việc kiểm tra, "dọa nạt" mấy năm gần đây đã đỡ hẳn, nhưng doanh nghiệp vẫn thực sự cần rất nhiều hướng dẫn của các cơ quan.
"Lôi nhau ra phạt thì dễ, hướng dẫn nhau làm đúng để phát triển mới bền vững, lâu dài. Như câu chuyện thuế, nhiều doanh nghiệp sợ phạt nên đóng thuế đầy đủ, nhưng khi quyết toán vẫn sai lại nộp tiếp. Doanh nghiệp trừ hết chi phí cũng không còn tiền để duy trì", chị Hòa nói.
Khởi nghiệp trong lĩnh vực đồng phục và bảo hộ lao động cách đây 3 năm, chị Lê Thị Hồng Nhung, Giám đốc Công ty CP Đầu tư và thương mại dịch vụ Thuận Phát, phải đối mặt với loạt khó khăn bủa vây, đặc biệt là thiếu vốn.
"Doanh nghiệp siêu nhỏ như chúng tôi không có tài sản thế chấp, nên rất khó tiếp cận vốn vay ngân hàng, càng khó tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi lãi suất thấp. Đầu vào vốn hạn chế, dòng tiền kém do đa số đều không có kinh nghiệm quản lý và nguồn khách hàng không ổn định", chị Nhung chia sẻ.
Theo TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách của Thủ tướng, thủ tục cấp phép thành lập doanh nghiệp, thuế, phí, đất đai, đăng ký quyền sở hữu, tiếp cận vốn, thanh kiểm tra, quản lý thị trường, phòng cháy chữa cháy… còn phức tạp, thiếu đồng bộ, nhất quán khiến chi phí kinh doanh còn cao, có thể lên tới 10% doanh thu. Điều này ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nói chung và kinh tế tư nhân nói riêng.
Ông cũng nêu ra dẫn chứng, Việt Nam hiện có 6.200 điều kiện kinh doanh và 5.000 thủ tục hành chính, thời gian đăng ký kinh doanh ở Việt Nam mất 15 ngày trong khi ở Singapore là 1,5 ngày, Thái Lan là 4,5 ngày.
Gánh nặng khiến hộ cá thể 'ngại' trở thành doanh nghiệp
Chủ một chuỗi cửa hàng chuyên kinh doanh hàng ăn tại Hà Nội chia sẻ, vài năm trước từ chỗ hộ kinh doanh nộp thuế khoán, do muốn thuận tiện để triển khai các đơn hàng lớn, hộ đã chuyển lên mô hình doanh nghiệp. Tuy nhiên, chỉ 3 - 4 năm, do cảm thấy các chi phí vận hành gia tăng, cạnh tranh lại ngày càng gay gắt, anh phải quay trở về mô hình hộ kinh doanh cho "dễ thở".
Hệ thống cửa hàng của người này đã phải thu hẹp lại, giờ chỉ hoạt động chính tại cửa hàng khu vực Xuân Đỉnh (Q.Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Từ ngày 1.6 tới đây, hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán có mức doanh thu hàng năm trên 1 tỉ đồng sẽ phải sử dụng hóa đơn điện tử được khởi tạo từ máy tính tiền. "Không biết có còn trụ tiếp được hay phải sang nhượng cửa hàng", anh lo lắng.
Nhấn mạnh tính phi chính thức của khu vực kinh tế tư nhân còn rất cao, TS Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam, phân tích hiện vẫn còn hơn 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, hàng trăm nghìn cá nhân kinh doanh, buôn bán, sản xuất nhỏ lẻ không đăng ký.
Các chủ thể này thuộc khu vực kinh tế tư nhân, đóng vai trò quan trọng nhưng không có địa vị pháp lý rõ ràng. Một số khảo sát cho thấy, số hộ kinh doanh nâng cấp lên doanh nghiệp không đáng kể. Trong giai đoạn 2018 - 2020, mặc dù có nhiều chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, cả nước chỉ có 1.875 doanh nghiệp được thành lập trên cơ sở chuyển đổi từ hộ kinh doanh.
"Nhìn chung, các quy định phức tạp trong luật doanh nghiệp và các luật khác liên quan tới các vấn đề như đăng ký kinh doanh, yêu cầu về trụ sở, chế độ kế toán, báo cáo tài chính, thuế, lao động, bảo hiểm xã hội… khiến chi phí tuân thủ của hình thức cá nhân chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp tư nhân trở nên quá cao, vượt quá khả năng chịu đựng. Các quy định pháp luật hiện hành đang là gánh nặng khiến hộ kinh doanh không muốn lớn", ông Bình nói.
Ở góc độ khác, theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chia sẻ theo điều tra, nghiên cứu của VCCI và một số tổ chức, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam thời gian qua "không lớn nhiều".
Dù đã có nhiều chính sách khuyến khích, song hầu hết các hộ không có động lực để chuyển sang doanh nghiệp. Hiện nay, hộ kinh doanh ít bị ràng buộc bởi các quy định về lao động, môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng cháy chữa cháy… "Việc tuân thủ các quy định về thuế, phí cũng đơn giản, dễ dàng hơn. Hộ kinh doanh cá thể cứ muốn ở mãi trong "vùng xám" - vùng thực hiện các quy định pháp luật chưa thực sự triệt để", ông Tuấn lý giải.
Chờ đột phá từ Nghị quyết 68
Những khó khăn, vướng mắc với các doanh nghiệp tư nhân nhỏ, siêu nhỏ như chị Huyền, chị Nhung, chủ cửa hàng ăn uống... nói trên sẽ được xóa bỏ dần với hàng loạt điểm mới về tư duy trong Nghị quyết 68 vừa được Tổng Bí thư Tô Lâm ký ban hành. Với nghị quyết mang tính đột phá này, Bộ Chính trị yêu cầu thực hiện quyết liệt giải pháp hỗ trợ thực chất, hiệu quả doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh.
Nhấn mạnh cần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp, TS Cấn Văn Lực đề xuất sớm ban hành nghị định về cơ chế hỗ trợ, khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp siêu nhỏ.
Thông qua việc đơn giản hóa thủ tục thành lập doanh nghiệp, cho phép mô hình quản trị đơn giản, gọn nhẹ (không nhất thiết phải có HĐQT, ban kiểm soát, kế toán trưởng...). Nhà nước cần cung cấp hỗ trợ về chi phí thành lập doanh nghiệp, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp từ 3 - 5 năm đầu tiên hoạt động, hỗ trợ đào tạo kỹ năng quản trị - điều hành - sổ sách kế toán, hỗ trợ công nghệ…
Còn theo ông Đậu Anh Tuấn, giải pháp mà các doanh nghiệp tư nhân mong chờ hơn cả hiện nay là cải cách thể chế. "Thủ tục hành chính phức tạp, phiền hà hay sự thay đổi đột ngột của nhiều quy định, áp dụng không nhất quán… Cần thay đổi mạnh mẽ từ chất lượng ban hành đến thực thi chính sách. Bên cạnh tập trung tháo gỡ rào cản, các chính sách thời gian tới cần gia tăng tính kiến tạo, thực sự tạo ra động lực bứt phá cho doanh nghiệp tư nhân", ông Tuấn nói.
Phó tổng thư ký VCCI cũng cho rằng, không thể có nhóm giải pháp cào bằng cho tất cả các đối tượng, cần những nhóm hỗ trợ khác nhau cho những đối tượng khác nhau. Ví dụ, với nhóm hộ kinh doanh, doanh nghiệp siêu nhỏ, nhóm chính sách quan trọng nhất là cải cách thủ tục hành chính, làm sao để mọi thứ thân thiện, đơn giản hơn. Các chương trình hỗ trợ, đào tạo tư vấn thiết thực, làm sao giúp nhóm doanh nghiệp này lớn mạnh lên, vượt ra khỏi "vùng xám".