Doanh nghiệp Việt cần gì để tăng 'sức đề kháng'?

Các chuyên gia khuyến nghị doanh nghiệp khai thác thị trường trong nước, đa dạng hoá xuất khẩu và gia tăng liên kết, hợp tác để ứng phó với các thách thức hiện nay.
![]() |
Chủ tịch HUBA Nguyễn Ngọc Hòa chia sẻ tại Diễn đàn CEO ngày 21/5 tại TP.HCM. Ảnh: BTC. |
Tại Diễn đàn CEO với chủ đề "Giải pháp mở rộng thị phần cho doanh nghiệp trong bối cảnh chiến tranh thương mại" do Báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp cùng Viện Nghiên cứu và Phát triển TP.HCM và Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) tổ chức ngày 21/5, ông Nguyễn Ngọc Hoà - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) cho rằng hàng loạt doanh nghiệp đang bị "bào mòn sức đề kháng".
Ông dẫn chứng lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường đang tăng dần qua 3 năm (2022-2024) và trong 4 tháng đầu năm đã bằng một nửa năm 2024.
"Tất nhiên có thể là kết quả của quá trình sàng lọc thị trường nhưng tôi cho rằng đây không chỉ là hiện tượng ngắn hạn. Số lượng hàng trăm doanh nghiệp rút lui như vậy đang thể hiện sự suy yếu về mặt sức sống và phản ánh khả năng chống chọi yếu của doanh nghiệp, chủ yếu là các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ", ông Hoà nhận định.
Mặt khác, theo ông, trong thời gian tới, những doanh nghiệp còn tồn tại trên thị trường cũng sẽ tiếp tục gặp khó khăn như tốn chi phí tuân thủ quy định của các thị trường quốc tế, còn trong nước sức mua chậm do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu...
Khai thác thị trường nội địa, đa dạng hoá xuất khẩu
Trong bối cảnh này, ông Phạm Bình An - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển TP.HCM cho rằng các doanh nghiệp cần nâng cao năng lực nội địa để ứng phó với các rủi ro sắp tới.
"Doanh nghiệp nên chuyển hướng khai thác thị trường nội địa, theo hướng sản xuất (Make by Vietnam), với các sản phẩm phù hợp, cạnh tranh và thay thế nhập khẩu", ông An đề xuất.
Bên cạnh đó, ông khuyến nghị doanh nghiệp phân loại thị trường xuất khẩu. Chẳng hạn, đối với Mỹ, EU, doanh nghiệp cần tuân thủ nghiêm ngặt quy tắc xuất xứ, truy xuất nguồn gốc. Còn với các thị trường tiềm năng như Ấn Độ, Trung Đông, châu Phi, doanh nghiệp nên đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hợp tác song phương. Bên cạnh đó, đẩy mạnh khai thác thị trường ngách nhưng có chọn lọc, điều kiện, dung lượng không lớn nhưng giá trị gia tăng tốt.
"Quan trọng hơn, doanh nghiệp trong nước phải tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và tiếp cận sâu hơn vào chuỗi giá trị của Mỹ. Đồng thời, doanh nghiệp cần tận dụng 'bộ tứ trụ cột' là 4 Nghị quyết mà chính phủ đã ban hành", ông An nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM mong cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục phát huy lợi thế từ các hiệp định FTA và tham mưu trở lại cho Nhà nước để có chính sách tốt hơn.
'Bộ tứ trụ cột' là căn cơ nâng cao sức mạnh của kinh tế tư nhân
Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Bùi Tá Hoàng Vũ
Ông cũng nhấn mạnh: "'Bộ tứ trụ cột' là căn cơ nâng cao sức mạnh của kinh tế tư nhân để tạo ra sản phẩm có giá trị và cạnh tranh cao, thúc đẩy liên kết các vùng nguyên liệu. Tại TP.HCM, những năm qua, các doanh nghiệp đã tạo ra nhiều sản phẩm cung ứng cho thị trường nội địa và chiếm một tỷ trọng nhất định".
Mặt khác, ông Vũ đánh giá sau khi TP.HCM sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ mở ra một không gian kinh tế lớn, tạo thêm cơ hội cho doanh nghiệp phát triển. Qua đó, TP.HCM tiếp tục phát huy vai trò là trung tâm của xuất khẩu, logistics, cảng biển, du lịch...
Doanh nghiệp nên liên kết để tăng khả năng cạnh tranh
Nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh nội địa, TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia nhấn mạnh sự cần thiết của tính minh bạch trong nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.
"Doanh nghiệp phải rất minh bạch về nguồn gốc xuất xứ, tăng trách nhiệm giải trình trước các cuộc điều tra quốc tế", TS Lực nói.
Ông cho rằng bản thân doanh nghiệp, hộ kinh doanh phải đổi mới tư duy kinh doanh theo hướng dài hạn, bền vững, tích hợp các yếu tố ESG vào chiến lược kinh doanh.
Vị chuyên gia cũng đề xuất tổ chức một diễn đàn bán lẻ Việt Nam để nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước trước sự cạnh tranh từ nước ngoài.
![]() |
TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia khuyến nghị các doanh nghiệp đổi mới tư duy kinh doanh theo hướng dài hạn. Ảnh: BTC. |
Dĩ nhiên, để gia tăng tính kết nối, TS Lực kiến nghị Nhà nước có những quy định chi tiết về cơ chế, nguyên tắc phối hợp của các doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp Nhà nước và các đối tác khác của Nhà nước trong những dự án đầu tư công, dự án PPP, cũng như sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân vào các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia...
Chủ tịch HUBA cũng nhấn mạnh: "Không phải cứ 'bơm tiền' là đủ mà phải hỗ trợ trúng, đúng, linh hoạt theo ngành, quy mô doanh nghiệp".
Qua đó, ông Hoà đề xuất loạt giải pháp cần được ưu tiên thực hiện như hỗ trợ tín dụng, giảm lãi suất; kích cầu tiêu dùng, đầu tư; giảm hoặc hoãn thuế, phí; nâng cấp hạ tầng giao thông, logistics, rút gọn thủ tục hành chính; thúc đẩy chuyển đổi "kép", bao gồm chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.
Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.
Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.