Doanh nghiệp “gõ cửa” tận nhà, mời lao động đi làm nhưng tuyển mãi không đủ

(Dân trí) - “Lao động tìm việc phần lớn chưa có tay nghề, doanh nghiệp lại tuyển người có chuyên môn. Điều này tạo nên sự lệch pha trên thị trường lao động", Phó Trưởng ban quản lý các KCX – KCN TPHCM, nói.
Tuyển lao động đã khó, giữ chân lại khó hơn
Tại tọa đàm “Kênh tuyển dụng hiệu quả, nhanh chóng cho các doanh nghiệp sản xuất có nhu cầu tuyển dụng số lượng lớn” do báo Người lao động tổ chức sáng 3/7, bà Nguyễn Võ Minh Thư, Phó Trưởng ban quản lý các khu chế xuất – khu công nghiệp (KCX – KCN) TPHCM, nhận định khoảng cách giữa kỳ vọng của người lao động và nhu cầu tuyển dụng thực tế của doanh nghiệp đang trở thành nguyên nhân lớn dẫn đến nghịch lý “cung – cầu” trên thị trường.
Trong khi dư địa nguồn nhân lực trên thị trường rất lớn, nhưng doanh nghiệp lại tuyển mãi không đủ người.
“Nguyên nhân đến từ mâu thuẫn là doanh nghiệp cần người có tay nghề, chuyên môn nhất định, nhưng phần lớn lao động đang đi tìm việc lại là lao động phổ thông chưa qua đào tạo. Sự lệch pha giữa năng lực người lao động và yêu cầu của doanh nghiệp khiến thị trường lao động khó gặp nhau”, bà Nguyễn Võ Minh Thư nói.
Không những vậy, trước đây, TPHCM là điểm đến của hàng triệu lao động tỉnh, thành khác. Nhưng hiện nay, các địa phương lân cận đều đã phát triển mạnh hệ thống khu công nghiệp, khu chế xuất, tạo việc làm tại chỗ cho người lao động. Khi có thể làm việc gần nhà, không phải xa gia đình hay tốn chi phí thuê trọ, nhiều người không còn nhu cầu lên thành phố tìm việc nữa.
Mức lương tối thiểu vùng tại TPHCM hiện ở mức 4,96 triệu đồng/tháng, cao nhất cả nước. Tuy nhiên, mức sống tại thành phố cũng rất đắt đỏ. Nhiều người lao động chọn làm việc ở quê, bởi dù lương thấp hơn nhưng họ tiết kiệm được nhiều chi phí, ít chịu áp lực hơn.
“Nhiều doanh nghiệp đưa ra mức lương khởi điểm chỉ nhỉnh hơn mức tối thiểu vùng, chưa đủ hấp dẫn trong bối cảnh giá cả leo thang. Bên cạnh đó, do tâm lý dò xét lẫn nhau, các doanh nghiệp thường dè dặt trong điều chỉnh lương, chế độ đãi ngộ, dẫn đến thiếu đột phá trong cạnh tranh thu hút lao động.
Về phía người lao động, đặc biệt lao động trẻ, có xu hướng tỏ ra e ngại với công việc phổ thông do tính chất lặp đi lặp lại, áp lực năng suất, môi trường kỷ luật cao. Họ dễ bỏ việc nếu cảm thấy không phù hợp, khiến tỉ lệ nghỉ việc sớm tăng cao và doanh nghiệp khó giữ chân lao động”, bà Thư cho hay.
Ông Trần Thanh Sơn, Trưởng phòng hành chính - nhân sự, Công ty TNHH may mặc Song Ngọc, cho rằng nguyên nhân còn đến từ tâm thế chờ hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động.
“Có những lúc nghe tin đơn vị bạn cắt giảm cả ngàn lao động nhưng khi đến tuyển chúng tôi không tuyển được người. Người lao động không muốn đi làm hoặc xin làm tự do ở những nơi không ký giao kết hợp đồng lao động để vừa được đi làm, vừa được hưởng trợ cấp”, ông Sơn cho hay.
Doanh nghiệp cần chủ động đào tạo lại cho lao động
Ông Trần Thanh Sơn bày tỏ đơn vị vừa vượt qua được giai đoạn khó khăn chưa từng thấy trong việc tuyển dụng nhân sự cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Chia sẻ về kinh nghiệm vượt qua khó khăn, ông Sơn khẳng định doanh nghiệp phải có kế hoạch lâu dài, đồng thời tất cả nhân sự từ cấp quản lý đến vận hành phải cùng phối hợp với nhau.
Doanh nghiệp phải chấp nhận đào tạo lại từ đầu cho những nhân sự thật sự muốn gắn bó, trước bối cảnh thị trường thiếu hụt người lao động tay nghề chất lượng cao.
“Chỉ nên tập trung 2 kênh tuyển dụng tốt nhất là thông qua nhà tuyển dụng chuyên nghiệp hoặc qua người lao động đang làm việc tại nhà máy. Công ty cũng giữ mô hình cho người lao động hưởng thu nhập dựa trên năng suất làm việc. Nghĩa là những ai chăm chỉ, có tay nghề và năng suất cao sẽ kiếm được nhiều tiền hơn”, ông Sơn nói.
Bà Nguyễn Võ Minh Thư cho rằng để tuyển được nhân sự đúng nhu cầu, doanh nghiệp phải chủ động đào tạo ngay từ đầu, đồng thời có các chính sách đổi mới về thu nhập.
“Về phía ban quản lý, đơn vị sẽ triển khai nhiều giải pháp như khảo sát nhu cầu tuyển dụng định kỳ, kết nối nội bộ giữa các doanh nghiệp, liên kết đào tạo và cung ứng lao động có tay nghề cho thị trường…”, bà Thư cho biết.
Theo ông Dương Việt Linh, Giám đốc kinh doanh Việc Làm Tốt, khảo sát của đơn vị cho thấy trong 6 tháng cuối năm, nhu cầu tuyển dụng sẽ phục hồi mạnh mẽ. Nhưng những thách thức lớn nhất trong việc tuyển dụng nhân sự số lượng lớn bao gồm số lượng nhân sự không đủ để đáp ứng nhu cầu; chất lượng lao động chưa cao; mức cạnh tranh cao trong ngành.
“69% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho hay đang gặp phải vấn đề thiếu hụt lao động, trong đó 18% thiếu hụt trầm trọng. 31% nhân sự chuyển sang hình thức bán thời gian, làm việc từ xa, lao động tự do. Lý do chuyển đổi là người lao động muốn đa dạng nguồn thu nhập để đảm bảo kinh tế; có thời gian gắn bó gia đình. Điều này tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp”, ông Linh trình bày.
Sau sáp nhập các tỉnh, thành, 65% người lao động cân nhắc quay về quê, nhờ kỳ vọng vào sự phát triển của địa phương, đặc biệt là người lao động trong các ngành sản xuất máy móc, thiết bị và cơ khí; dệt may, da giày; nội thất và vật liệu xây dựng.
Vì vậy, để giải quyết vấn đề này, ông khẳng định doanh nghiệp cần chú trọng xây dựng và gia tăng sức mạnh thương hiệu tuyển dụng. Ngoài các yếu tố về lương, thưởng và phúc lợi, vốn luôn được người lao động quan tâm, doanh nghiệp cũng cần đầu tư vào môi trường làm việc tích cực, văn hóa lành mạnh để thu hút người lao động.
Theo bà Nguyễn Võ Minh Thư, Phó Trưởng ban quản lý các KCX – KCN TPHCM, sau khi sáp nhập tỉnh, thành, thị trường lao động tại TPHCM sẽ đón nhận nhiều cơ hội, đồng thời đối mặt với không ít thách thức.
TPHCM mới dự kiến sẽ có 59 KCX – KCN, với khoảng 840.000 người lao động, thay vì 17 khu và 280.000 người như trước đây.
“Doanh nghiệp sẽ có thêm cơ hội lựa chọn đa ngành nghề, trình độ lao động trong vấn đề tuyển dụng. Tuy nhiên, thách thức đi kèm là cạnh tranh trong việc lựa chọn người lao động phù hợp; chi phí nguồn nhân lực tăng cao…”, bà Minh Thư dự đoán.