Doanh nghiệp đưa loạt đề nghị hậu sáp nhập

Vẫn còn những băn khoăn nên nhiều lãnh đạo doanh nghiệp tiếp tục chia sẻ các kiến nghị với Tuổi Trẻ mong được làm rõ, được hỗ trợ theo tinh thần thúc đẩy sự phát triển, giảm chi phí kinh doanh.
Đa phần các ý kiến đều mong muốn có những văn bản hướng dẫn cụ thể để doanh nghiệp (DN) có thể đang hiểu đúng nhưng vẫn thấy "mông lung".
Ông Phạm Đức Toản (tổng giám đốc sàn EZ Land):
Mong tỉnh mới kế thừa phê duyệt của tỉnh cũ
Việc sáp nhập các tỉnh, các xã bước đầu có ảnh hưởng tới việc triển khai dự án tại các địa phương. Chẳng hạn việc sáp nhập các tỉnh cũ Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Phú Thọ để thành lập tỉnh Phú Thọ mới, DN đang đấu thầu đất làm dự án ở tỉnh Hòa Bình cũ, dự kiến 4-7 tới mở thầu.
Khi nộp hồ sơ dự thầu DN nộp ở tỉnh Hòa Bình, giờ tỉnh Hòa Bình không còn thì DN chưa biết quá trình tổ chức đấu thầu sẽ được chuyển tiếp như thế nào, ai sẽ là người quản lý dự án tiếp theo, ai sẽ là người chấm thầu.
DN đang loay hoay không biết việc chuyển tiếp thực hiện dự án sẽ theo cơ chế nào, sẽ nộp hồ sơ dự thầu ở Hòa Bình hay Phú Thọ.
Vấn đề nữa là chuyển tiếp các văn bản pháp lý. Ví dụ DN đang thực hiện dự án ở địa phương A, khi nhập về địa phương B, tỉnh mới có rà lại pháp lý triển khai dự án hay không? Bởi thời gian qua DN làm theo quy hoạch của tỉnh cũ, nên có lo ngại khi nhập về tỉnh mới quy hoạch có thể thay đổi.
Bên cạnh đó, về đầu mối giải quyết công việc, mỗi tỉnh, thành phố đều có quy chế làm việc khác nhau. Giờ các tỉnh nhập lại, DN không biết sẽ phải làm việc tiếp với đơn vị nào. Vì cùng một dự án bất động sản nhưng tỉnh A giao cho Sở Xây dựng quản lý, tiến hành tổ chức đấu thầu chọn nhà đầu tư, nhưng tỉnh B lại do ban quản lý dự án, tỉnh C lại giao cho Sở Tài chính. Cán bộ quản lý dự án cũng có thể thay đổi nên bước đầu DN có phần "mông lung".
Chúng tôi kiến nghị: về đầu mối công việc, các tỉnh mới sau sáp nhập phải công bố rõ ràng ngay từ khi bắt đầu hoạt động. Cần có văn bản hướng dẫn sớm để DN biết và thực hiện.
Thứ hai, các DN làm dự án nhà ở, bất động sản mong muốn được chuyển tiếp tất cả các văn bản pháp lý liên quan tới dự án từ tỉnh cũ sang tỉnh mới. Bởi nếu dừng lại, rà soát, yêu cầu làm lại từ đầu thì DN thiệt hại rất lớn, có nguy cơ "vỡ trận". Các bước thủ tục liên quan đến dự án đã được tỉnh cũ phê duyệt rồi thì tỉnh mới cần kế thừa để triển khai tiếp dự án.
Ông Phạm Thanh Hưng (phó chủ tịch Cen Group):
Kỳ vọng công khai những hướng dẫn cụ thể
Trong giai đoạn chuyển đổi hiện nay có sự thay đổi lớn về đầu mối, cá nhân giải quyết công việc, thẩm quyền giải quyết. Không chỉ lĩnh vực bất động sản mà nhiều lĩnh vực khác trong thời gian qua các cơ quan quản lý bận sắp xếp lại tổ chức nên chưa giải quyết thủ tục cho DN.
Thực tế này đã diễn ra vài tháng qua khi sáp nhập các bộ, ngành, giờ là sáp nhập các tỉnh, xã. Điều này dễ hiểu vì tinh gọn bộ máy là cuộc cách mạng lớn. Tôi chỉ mong các cơ quan quản lý sớm ổn định để hỗ trợ DN, người dân trên nguyên tắc xử lý chuyển tiếp, không hồi tố những gì đã phê duyệt từ trước.
Để thuận tiện cho DN, người dân đến làm thủ tục về đầu tư kinh doanh, kiến nghị các cơ quan cũ trước khi đóng cửa nên công bố công khai các thủ tục tiếp theo sẽ do cơ quan mới nào giải quyết, các cơ quan mới thành lập sau khi sáp nhập các tỉnh, các xã cũng cần công khai thông tin về việc nơi đây sẽ tiếp nhận giải quyết các thủ tục gì để dễ thực hiện.