Doanh nghiệp ‘chạy’ xong 14 thủ tục, sau đó ‘dự án chưa có trong quy hoạch’

Vòng địa phương Diễn đàn kinh tế tư nhân khu vực miền núi phía Đông Bắc Bộ ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp của doanh nghiệp trẻ. Điều nổi cộm khiến doanh nghiệp nhỏ miền núi hụt hơi vì phải chạy theo quy hoạch.
Đây là chia sẻ của nhiều đại biểu tại Diễn đàn kinh tế tư nhân cụm các tỉnh miền núi Đông Bắc Bộ được tổ chức ngày 13-7 tại Lạng Sơn.
Không thực hiện được dự án vì "chưa có trong quy hoạch"
Anh Đàm Văn Tiến - phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh Cao Bằng - chia sẻ, khi triển khai một dự án đầu tư mỏ đá, doạnh nghiệp phải thực hiện 14 thủ tục hành chính.
"Trong đó thì chúng tôi nhận thấy rằng có đến 7-8 thủ tục hành chính là trùng nhau, nhưng chung quy lại thì khi họp bàn tháo gỡ mọi cơ chế chính sách, họp đi bàn lại và cuối cùng là dự án chưa phù hợp, chưa có trong quy hoạch nên là không phù hợp" - anh Tiến nói.
Theo anh Tiến, đánh giá của cơ quan quản lý như vậy không phù hợp với tinh thần của Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân. Anh đề nghị để tháo gỡ cho doanh nghiệp, thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế tư nhân theo tinh thần nghị quyết thì trước hết phải thay đổi các quy định về quy hoạch.
Tương tự, anh Trần Văn Minh, phó chủ tịch, tổng thư ký Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội, cho hay thực tế doanh nghiệp của anh còn phải "chạy" đến 28, 30 chữ ký, lấy ý kiến của các ban, bộ, ngành, các sở, ban ngành... cực kỳ phức tạp.
"Không hiểu sao mà 5 năm 10 năm nay, thủ tục cắt giảm mà vẫn nhiều thế? Chúng ta cũng không khỏi đặt câu hỏi là tại sao cứ cắt suốt mà thủ tục và các điều kiện nó cứ dài ra như vậy?" - anh Tiến thắc mắc.
Thủ tục hành chính cắt mãi nhưng không giảm
Anh Minh chia sẻ thêm, Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội có nhiều diễn đàn, nhiều phiên đối thoại nhưng doanh nghiệp ngày càng e dè, ngại chia sẻ. Nguyên nhân là các ý kiến, phản ánh, đóng góp của doanh nghiệp khi gửi lên UBND thành phố, cơ quan cấp trên lại chuyển ý kiến đó về cơ quan quản lý có liên quan trực tiếp.
Sau đó, nhiều ý kiến, kiến nghị được cán bộ quản lý trực tiếp gọi lại cho doanh nghiệp "nhắc nhở": Họ là cơ quan quản lý trực tiếp, nếu có băn khoăn, đề xuất gì, đề nghị phản ánh qua cán bộ quản lý trước. Anh Tiến cho rằng về hình thức là lắng nghe doanh nghiệp nhưng ý phía sau đó là "nhắc nhở mềm". Doanh nghiệp ngày càng ngại kiến nghị vì không được giải quyết lại mất lòng cơ quan quản lý.
Làm tổ cho "đại bàng" cũng phải làm tổ cho "chim sẻ"
Về vấn đề này, ông Hoàng Bình Quân - nguyên ủy viên Trung ương Đảng, nguyên trưởng Ban Đối ngoại Trung ương, chủ tịch danh dự Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam - cho hay trong thời gian làm bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang, ông cũng mất nửa nhiệm kỳ để chỉ đạo về công tác quy hoạch.
"Tôi phải làm mất khoảng hơn 2 năm rưỡi là xong toàn bộ 27 quy hoạch của tỉnh. Toàn bộ, từ quy hoạch đất đai, quy hoạch ba loại rừng, quy hoạch đô thị cho đến quy hoạch thủy lợi, quy hoạch giao thông... Không một doanh nghiệp nào có tầm mà lại đầu tư vào một nơi mà quy hoạch còn lờ mờ hoặc không có quy hoạch cả. Bởi vì nó cực kỳ nguy hiểm, nguy hiểm đối với việc đầu tư của người ta" - ông Hoàng Bình Quân chia sẻ.
Nguyên trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng cho hay Diễn đàn kinh tế tư nhân sẽ tổng hợp các ý kiến để gửi đến Chính phủ, các bộ, ban ngành liên quan. Trong đó, ông nhấn mạnh vai trò về xây dựng chính sách đặc thù để phát triển kinh tế tư nhân miền núi.
Nếu không có biệt đãi, các doanh nghiệp lớn sẽ không đầu tư vào miền núi. "Những tỉnh rất thuận lợi như Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Bắc Ninh... có trải đinh họ vẫn đầu tư. Nhưng các tỉnh khó khăn như Lạng Sơn, Tuyên Quang hay Cao Bằng có trải chiếu hoa, trải thảm đỏ, xịt nước hoa họ cũng không lên (đầu tư - PV)" - ông Hoàng Bình Quân nói.
Chủ tịch danh dự Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam cho rằng doanh nghiệp cần có lợi nhuận, nếu không có ưu đãi đặc biệt về vốn vay, nhân lực hay đất đai thì rất khó thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.
Doanh nghiệp khu vực miền núi Đông Bắc Bộ phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhiều doanh nghiệp siêu nhỏ, không tiếp cận được với chính sách ưu đãi. Ông Hoàng Bình Quân cho rằng cơ quan chức năng cần tháo gỡ để tạo môi trường kinh doanh bình đẳng.
Theo ông, ưu đãi chính sách không chỉ thu hút doanh nghiệp lớn mà cần ưu đãi cho các doanh nghiệp nhỏ phát triển. Đây cũng là tinh thần của Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị.
"Làm tổ cho "đại bàng" rồi thì "chim ri" với "chào mào" cũng cần có tổ chứ? Chẳng lẽ cứ "làm tổ cho đại bàng" còn mấy "ông" "chim sẻ" lấy tổ đâu mà ở?" - ông Quân nói. Theo ông, địa phương tạo môi trường cho doanh nghiệp sinh ra thì cũng cần môi trường cho doanh nghiệp tồn tại và phát triển.