Ấn Độ thúc đẩy đàm phán sau khi TT Trump đạt thỏa thuận với Việt Nam

Hãng tin Reuters dẫn nguồn thạo tin cho biết rằng, mặc dù hạn đàm phán ngày 9/7 của Tổng thống Trump đang đến gần, nhưng những bất đồng trong đàm phán giữa Mỹ và Ấn Độ vẫn chưa được thực sự được giải quyết.
![]() |
Tàu chở hàng tại cảng Los Angeles, bang California (Mỹ). Ảnh minh họa: THX/TTXVN |
Tuy nhiên, việc Tổng thống Trump công bố đã được thỏa thuận thương mại với Việt Nam trong một bài viết trên mạng xã hội Truth Social vào ngày 2/7 dường như đang là động lực để Ấn Độ và Mỹ nỗ lực thúc đẩy hơn nữa các cuộc đàm phán hiện nay.
Tổng thống Trump nói rõ: “Tôi vô cùng vinh dự thông báo rằng tôi vừa đạt được một Thỏa thuận Thương mại với Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, sau khi trao đổi với ông Tô Lâm, Tổng Bí thư đáng kính của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây sẽ là một thỏa thuận hợp tác tuyệt vời giữa hai quốc gia chúng ta. Theo các điều khoản của thỏa thuận, Việt Nam sẽ chịu mức thuế 20% cho mọi hàng hóa đưa vào lãnh thổ Mỹ và chịu mức thuế 40% đối với hàng hóa trung chuyển”.
Với Ấn Độ, ông Trump từng đe dọa áp thuế tới 26% đối với hàng hóa nước này như một phần trong chính sách "Ngày Giải phóng" 2/4, nhưng mức thuế này tạm thời được hạ xuống 10% để tạo điều kiện cho quá trình đàm phán.
Nguồn tin từ Bộ Thương mại Ấn Độ cho biết một phái đoàn thương của New Delhi vẫn đang ở Washington sau khi đến Mỹ để bắt đầu đàm phán từ tuần trước. Tính đến ngày 2/7, các cuộc đàm phán thương mại giữa Ấn Độ và Mỹ đã bước sang ngày thứ 6 tại thủ đô Washington.
Theo nguồn tin của giới truyền thông địa phương Ấn Độ, trong các cuộc trao đổi, New Delhi tập trung thúc đẩy mở rộng quyền tiếp cận thị trường Mỹ cho các ngành hàng như dệt may, da giày, đá quý - đồ trang sức, nông sản và thủy sản. Theo một quan chức cấp cao, nếu không đạt được thỏa thuận, mức thuế bổ sung 26% đã được Mỹ tạm hoãn sẽ khôi phục trở lại, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến xuất khẩu của Ấn Độ.
Trong khi đó, phía Mỹ yêu cầu Ấn Độ nhượng bộ thuế trong các lĩnh vực “nhạy cảm” như nông nghiệp, sữa, xe điện, rượu vang và hóa dầu. Tuy nhiên, đây là những lĩnh vực có tính chính trị cao và liên quan đến sinh kế của hàng triệu nông dân Ấn Độ. Ấn Độ cũng chưa từng mở cửa ngành sữa cho bất kỳ đối tác nào trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) trước đây.
Nguồn tin cũng tiết lộ rằng phái đoàn Ấn Độ có thể sẽ ở lại lâu hơn để hoàn tất thỏa thuận nhưng sẽ không nhượng bộ các vấn đề cốt lõi liên quan đến nông nghiệp và sữa, đồng thời khẳng định không thể chấp nhận việc hạ thuế đối với ngô, đậu nành, gạo và lúa mì biến đổi gen trồng tại Mỹ.
Trong khi đó, một nguồn tin khác nói rằng chính phủ Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi "không muốn bị coi là từ bỏ lợi ích của nông dân - một nhóm chính trị có ảnh hưởng lớn ở trong nước".
Tuy nhiên, Ấn Độ được cho là có thể sẵn sàng hạ thuế đối với các loại quả như óc chó, nam việt quất cùng một số loại trái cây khác, cũng như thiết bị y tế, ô tô và các sản phẩm năng lượng từ Mỹ - nguồn tin cho biết thêm.
Một nguồn thạo tin từ phía Mỹ cho biết, "có dấu hiệu cho thấy hai bên đã gần đạt được thỏa thuận" và các nhà đàm phán đã được yêu cầu chuẩn bị cho khả năng công bố thỏa thuận.
Nguồn tin này nói thêm rằng hai bên “đã có những nỗ lực mạnh mẽ và mang tính xây dựng để hoàn tất thỏa thuận. Tôi nghĩ cả hai đều hiểu tầm quan trọng về mặt chiến lược, vượt lên ra ngoài cả tầm quan trọng về mặt kinh tế, của việc đạt được một thỏa thuận".
Tổng thống Trump cũng nhấn mạnh quan điểm này vào hôm 1/7 khi nói với các phóng viên trên chuyên cơ Không lực Một rằng ông có thể đạt được một thỏa thuận với Ấn Độ, qua đó cắt giảm thuế quan cho cả hai nước và giúp các công ty Mỹ cạnh tranh tại thị trường 1,4 tỷ dân của Ấn Độ.
Cùng lúc đó, ông Trump lại bày tỏ sự nghi ngờ về khả năng đạt được thỏa thuận với Nhật Bản, nói rằng ông có thể áp mức thuế 30% hoặc 35% đối với hàng hóa từ Tokyo - cao hơn mức thuế 24% mà ông từng công bố vào ngày 2/4. Nhật Bản được cho là đang đàm phán để tìm cách hạ mức thuế 25% đối với ô tô và thép mà ông Trump đã tuyên bố áp dụng trước đó.
Tuy nhiên, người phát ngôn của Văn phòng Đại diện Thương mại cũng như Bộ Thương mại và Bộ Tài chính Mỹ đã không đưa ra bình luận về tiến trình đàm phán thương mại với Ấn Độ và các quốc gia khác. Người phát ngôn của Đại sứ quán Ấn Độ tại Washington cũng chưa phản hồi ngay lập tức các câu hỏi liên quan.
Lý giải vận mệnh của các nền kinh tế
Mục Thế giới giới thiệu cuốn “Quốc gia thăng trầm: Lý giải vận mệnh của các nền kinh tế” được NXB Thế giới cho ra mắt vào năm 2018. Tác phẩm làm rõ sự phát triển và đi xuống của nền kinh tế thế giới từ cuối thập niên 1990 đến đầu những năm 2000. Cuốn sách vạch ra 10 quy luật để nhận diện về chu kỳ kinh tế dẫn đến vận mệnh tăng trưởng hay suy thoái của một quốc gia.
> Độc giả có thể xem thêm tại đây.