Nhảy đến nội dung
 

Dở khóc dở cười với 'thiên biến vạn hoá' tên khách sạn tại TP.HCM khi đặt phòng dịp lễ

Đặt phòng khách sạn tại TP.HCM dịp lễ 30-4, nhiều du khách 'dở khóc dở cười' vì sự 'thiên biến vạn hoá' của tên khách sạn. Sự thật về chất lượng dịch vụ và độ tin cậy của nền tảng đặt phòng trực tuyến là vấn đề du khách cần cân nhắc.

Mới đây, nhiều bạn đọc phản ánh đến đường dây nóng Tuổi Trẻ về những bức xúc khi "nhận phòng" ở TP.HCM dù đã đặt phòng gần cả tháng trước trong dịp đại lễ 30-4 và 1-5. 

Điều đáng nói tên các khách sạn khi bán trên app hay trên fanpage với tên thực tế, tên thông tin xuất hoá đơn... là nhiều tên khác nhau, khiến khách du lịch "quáng gà" và hoài nghi về chất lượng phòng. 

Theo phòng Quản lý cơ sở lưu trú du lịch Sở Du lịch TP.HCM, một địa chỉ khách sạn có nhiều tên vì được bán nhiều lần với nhiều chủ khác nhau, và rất khó liên lạc vì đa phần chủ doanh nghiệp không sống ở TP.HCM. 

Một địa chỉ khách sạn, nhiều "giấy khai sinh"

Chuyện của bạn đọc Phạm Mậu Thu Hương (27 tuổi, Hà Nội) gặp "trái đắng" khi đặt phòng khách sạn qua app Booking.com, thuộc một khách sạn tại số 260 Lý Tự Trọng, quận 1. Tại địa chỉ này,  chị Hương đặt phòng trên app có tên là Saigon Premium Hotel, hiển thị 3 sao; nhưng tên thực tế là KAS - Premium Hotel.

Tương tự, với trường hợp ông Ngô Ngọc Luyến (50 tuổi, huyện Bình Chánh, TP.HCM) khi đại gia đình gặp "trái đắng" đặt phòng trực tiếp tại khách sạn có tên Alpina Hotel Saigon (ở số 5 Trương Định, quận 1). 

Tuy nhiên khi đưa hoá đơn cọc tiền cho khách, ông Luyến "không hiểu sao" tên khách sạn "biến" thành... Eliot Boutique!?

Ngày 1-5, Tuổi Trẻ Online ghi nhận về tình hình kinh doanh khách sạn tại một số nhóm trên mạng xã hội. 

Việc bán buôn sang nhượng các khách sạn ở trung tâm TP.HCM rất nhộn nhịp. Với hơn 40.000 thành viên, nhóm "Nhà nghỉ- Khách sạn Sài Gòn" cứ bình quân một ngày có chục thông tin rao bán/cho thuê khách sạn.

Theo ghi nhận, cũng là cơ sở có tên gắn "Premium Saigon", cũng trên đường Lý Tự Trọng (quận 1) được giới thiệu là khách sạn 5 sao với 100 phòng nghỉ, cùng các phòng họp, nhà hàng… được rao bán với giá 1.500 tỉ đồng.

Hay trong group "Sang nhượng - Cho thuê khách sạn - Hotel TP.HCM) với hơn 10,000 thành viên, có rất nhiều khách sạn được rao bán. 

Có những khách sạn giới thiệu 3 sao ngay trung tâm quận 1 với 45 phòng, rao mức bán là 370 tỉ đồng; còn mức giá thuê là 700 triệu đồng/tháng thu về, không chịu thuế, hợp đồng còn 5 năm…

Tương tự, ở phố Tây Bùi Viện, những khách sạn ở vị trí sôi động cũng được rao bán, có khách sạn 36 phòng với 7 tầng rao bán với giá 130 tỉ đồng.

Lưu ý gì khi đặt phòng khách sạn đã "thay tên, đổi họ"?

Ông Từ Quý Thành, giám đốc Công ty du lịch Liên Bang, nhìn nhận việc một địa chỉ lưu trú  có nhiều tên khác nhau, xuất phát từ việc sang tên qua lại từ sở hữu mới, sở hữu khác…

Cũng theo ông Thành, việc khách du lịch đặt phòng khách sạn trên một nền tảng cung cấp dịch vụ đặt phòng trực tuyến, nền tảng đó không có chức năng giám sát tên mới, tên cũ, tên thực tế với tên đăng ký.

"Vì các nền tảng đặt phòng trực tuyến giống như sàn kết nối, ký hợp đồng với tất cả khách sạn tạo nên "chợ… phòng khách sạn", khách du lịch tự lựa chọn. Tôi thừa nhận có tình trạng một nơi lưu trú mang đến vài cái tên khác nhau. 

Mỗi tên sẽ gắn với chất lượng phòng thực tế khác nhau vì tuỳ thuộc vào chiến lược kinh doanh của từng chủ. 

Vì thế, rất khó để biết chất lượng phòng thực tế nếu như gặp trường hợp một địa chỉ lưu trú "thay tên, đổi họ" nhiều lần. Khách du lịch phải kiểm tra kỹ thông tin", ông Thành nói. 

Nhiều trường hợp xảy ra khi đặt phòng trên mạng, hay trên các nền tảng trực tuyến; theo một chuyên gia du lịch tại TP.HCM, đây là những cảnh báo người tiêu dùng cần thay đổi cách thức đặt phòng, mua tour và cần kiểm tra kỹ trước khi giao dịch qua online.

"Nếu đặt phòng trực tiếp, khách du lịch nên đề nghị cung cấp các giấy phép hoạt động kinh doanh, giấy phép đảm bảo tiêu chuẩn hoạt động trong lĩnh vực du lịch. 

Nếu đặt phòng qua trung gian, yêu cầu người bán xuất trình hợp đồng đại lý, hợp đồng mua voucher… trong đó có hiển thị rõ bên A và bên B, gồm khách sạn và các cá nhân hoặc đại lý bán phòng. 

Nếu có xuất hoá đơn, yêu cầu đúng tên như trên giấy phép đã cấp. Khách sạn có nhiều tên, khách hàng phải đặt sự hoài nghi, dừng đặt cọc vì "biến hoá" tên, có thể liên quan đến chất lượng phòng cũng như khó khăn khi giải quyết rủi ro với người đứng đầu cơ sở lưu trú", vị này khuyến cao.