Ấn Độ điều tra cáo buộc về hàng trăm vụ chôn xác ở ngôi đền thiêng

Sau nhiều năm dằn vặt bởi cảm giác tội lỗi, mất ngủ vì sợ hãi và phải thường xuyên đổi chỗ ở, một người đàn ông 48 tuổi thuộc giai cấp Dalit (nhóm người có địa vị thấp nhất trong xã hội có hệ thống đẳng cấp phức tạp ở Ấn Độ), từng làm nhân viên vệ sinh tại ngôi đền linh thiêng Dharmasthala ở bang Karnataka, ngày 3/7 ra trình báo cảnh sát. Ông cho hay bị "những người có thế lực" ép buộc chôn cất hàng trăm người, trong đó có trẻ em, từ năm 1995 đến 2014.
"Tôi không chịu nổi ám ảnh về những vụ giết người mà mình đã chứng kiến, cũng như những lời đe dọa giết người để buộc tôi chôn cất thi thể", ông nói, nhắc đến "nỗi đau thể xác bởi đòn roi và nếu không chôn những thi thể đó, tôi sẽ bị chôn cùng họ".
Người tố giác nói rằng nhiều thi thể là phụ nữ và thiếu nữ, bị sát hại sau khi bị tấn công tình dục, nhưng cũng có cả những người đàn ông nghèo khổ mà ông tận mắt chứng kiến cảnh họ bị giết.
Người đàn ông cho biết sẵn sàng nêu tên những kẻ thủ ác, nhưng chỉ khi nhận được biện pháp bảo vệ nhân chứng.
Người tố giác mặc trang phục trùm kín màu đen, chỉ để hở mắt, ngày 11/7 xuất hiện tại một tòa án địa phương ở Belthangady. Ông làm nhân viên vệ sinh trong đền từ năm 1995. Thời gian đầu, ông phát hiện nhiều thi thể gần bờ sông.
"Nhiều thi thể phụ nữ được tìm thấy trong tình trạng không mặc quần áo hoặc đồ lót. Một số có dấu hiệu rõ ràng bị tấn công tình dục và đánh đập bởi vết thương hoặc dấu vết siết cổ", ông nói, nhấn mạnh một số thi thể thiếu nữ có dấu hiệu bị xâm phạm và bỏng do axit.
Tuy nhiên, thay vì báo cáo sự việc cho chính quyền vào thời điểm đó, người đàn ông cho biết ông bị buộc phải "xử lý các thi thể này" sau khi bị cấp trên đánh đập. Họ đe dọa: "Chúng tao sẽ chặt mày ra từng mảnh; sẽ giết hết cả gia đình mày để tế thần".
Trong gần 20 năm làm việc ở đền, ông đã "chôn cất các thi thể ở nhiều nơi tại khu vực Dharmasthala, thậm chí dùng dầu diesel đốt xác để "xóa sạch dấu vết".
Đến năm 2014, người đàn ông cho hay "tôi không thể nào chịu đựng nổi sự tra tấn tinh thần đó nữa". Một thiếu nữ trong gia đình ông bị chính những người giám sát trong đền thờ quấy rối tình dục, khiến ông nhận ra "gia đình tôi cần trốn khỏi đó ngay lập tức".
Tháng 12/2014, ông cùng gia đình bỏ trốn khỏi Dharmasthala, không dám nói với ai và lẩn trốn ở bang lân cận, liên tục thay đổi chỗ ở. "Tuy nhiên, tôi vẫn đang sống dưới gánh nặng tội lỗi không thể nguôi ngoai", ông nói. "Lương tâm không còn cho phép tôi tiếp tục im lặng nữa".
Ông tuyên bố sẵn sàng đối mặt các cuộc kiểm tra nói dối và sẽ dẫn người tới các địa điểm chôn xác.
Sau nhiều ngày các nhà hoạt động và công chúng gây sức ép, chính quyền bang Karnataka cuối tuần qua đã thành lập một Đội Điều tra Đặc biệt (SIT). Một số địa điểm có thể được khai quật trong những ngày tới.
S Balan, luật sư tại Tòa Thượng thẩm Karnataka kiêm nhà hoạt động nhân quyền, cho biết các vụ giết người và mất tích bí ẩn ở Dharmasthala đã có từ năm 1979.
"Linh hồn của những cô gái trẻ đang gào khóc đòi công lý; hàng trăm cô gái đã biến mất, bị bắt cóc, cưỡng hiếp và sát hại", Balan nói. "Ấn Độ chưa bao giờ chứng kiến một tội ác nghiêm trọng đến mức này trong lịch sử nước cộng hòa từ khi độc lập".
Balan đã gặp Thủ hiến bang Karnataka Siddaramaiah vào 15/7 cùng một phái đoàn luật sư. "Thủ hiến rất coi trọng vấn đề này. Ông ấy nói sẽ trao đổi với cảnh sát và làm việc cần thiết", Balan nói.
Đền Dharmasthala do gia tộc Heggade kiểm soát. Hiện nay, trưởng tộc là ông Veerendra Heggade giữ vai trò Dharmadhikari thứ 21, tức người đứng đầu đền, từ năm 1968.
Ông Heggade, người được trao tặng Padma Vibhushan, giải thưởng dân sự cao quý thứ hai của Ấn Độ, là thành viên của thượng viện quốc hội. Ông được đảng cầm quyền Bharatiya Janata (BJP) đề cử năm 2022. Gia đình ông có tầm ảnh hưởng đáng kể trong khu vực, giám sát một mạng lưới rộng lớn các cơ sở thờ cúng.
Năm 2012, gia đình này bị công chúng giám sát chặt chẽ sau vụ Sowjanya, 17 tuổi, một cư dân của Dharmasthala, bị cưỡng hiếp và sát hại. Thi thể cô được phát hiện trong một khu rừng, trên người có nhiều dấu vết bị bạo lực và tấn công tình dục. Gia đình Sowjanya cáo buộc thủ phạm có liên quan đến ban lãnh đạo ngôi đền.
K Parshwanath Jain, phát ngôn viên của đền Dharmasthala, ngày 20/7 cho biết đơn khiếu nại của người tố giác đã "gây xôn xao và hoang mang trong dư luận cả nước"; đồng thời tuyên bố ủng hộ điều tra "công bằng và minh bạch" với hy vọng sự thật sẽ được làm sáng tỏ.
Bà Sujatha Bhat, 60 tuổi, mẹ của Ananya Bhat, người mất tích năm 2003, cho biết đã sống trong sợ hãi hơn 20 năm nhưng nhờ có người tố giác, bà đã có can đảm nộp đơn khiếu nại lên cảnh sát tuần trước. Bà cho rằng con gái có thể là một trong số hàng trăm nạn nhân.
"Làm ơn hãy tìm hài cốt của con gái tôi và cho phép tôi được làm lễ tang cho con một cách trang trọng", bà nói. "Tôi muốn linh hồn của Ananya được thanh thản, bản thân tôi được sống những ngày cuối đời bình yên".
Hồng Hạnh (Theo Aljazeera, The Print)