Nhảy đến nội dung

Điều xảy ra với các ngân hàng khi lãi suất tiền gửi đang thấp nhất lịch sử

Trong quý I năm nay, tiền gửi tại VPBank tăng mạnh, trong khi Vietcombank ghi nhận đà giảm nhẹ. Nhiều ngân hàng tìm cách huy động vốn khác trong bối cảnh tín dụng tăng cao.

Tăng - giảm tiền gửi

Theo khảo sát từ 27 ngân hàng niêm yết (ngoại trừ Agribank), có nhiều ngân hàng ghi nhận số tiền gửi trái ngược nhau.

Dẫn đầu về quy mô tiền gửi vẫn là nhóm ngân hàng quốc doanh , trong đó BIDV tiếp tục là nhà băng có lượng tiền gửi lớn nhất hệ thống, đạt gần 1,98 triệu tỷ đồng vào cuối quý I, tăng hơn 23.000 tỷ đồng so với cuối năm 2024. VietinBank giữ vị trí thứ hai với hơn 1,62 triệu tỷ đồng, trong khi Vietcombank đứng thứ ba với 1,5 triệu tỷ đồng. Tuy nhiên, Vietcombank là một trong số ít ngân hàng có sự sụt giảm tiền gửi trong quý đầu năm, giảm nhẹ khoảng 5.500 tỷ đồng so với cuối năm trước.

Vị trí thứ 4 trong bảng xếp hạng top 10 ngân hàng có tiền gửi nhiều nhất quý đầu năm nay là MB.

Ngân hàng có màn tăng tốc ấn tượng nhất trong quý I năm nay là VPBank. Chỉ trong vòng 3 tháng đầu năm, ngân hàng này đã huy động thêm hơn 66.000 tỷ đồng tiền gửi khách hàng , nâng tổng quy mô lên hơn 552.000 tỷ đồng...

Trái với đà tăng trưởng tại nhiều ngân hàng, một số nhà băng lại ghi nhận sự sụt giảm tiền gửi. Ngoài Vietcombank giảm nhẹ, Techcombank - vốn luôn thuộc top đầu nhóm ngân hàng tư nhân cũng giảm gần 1.800 tỷ đồng. Các ngân hàng như TPBank, SeABank và ABBank ghi nhận mức giảm mạnh hơn, lần lượt ở mức 4% đến gần 5%.

Trao đổi với PV Tiền Phong , ông Nguyễn Quang Huy - Chuyên gia Khoa tài chính ngân hàng đại học Nguyễn Trãi -,phân tích, việc tín dụng tăng cao, đặc biệt trong các tháng đầu năm cho thấy niềm tin phục hồi trong nền kinh tế, doanh nghiệp đang quay trở lại hoạt động sản xuất - đầu tư sau giai đoạn “co mình”.

Tuy nhiên, huy động vốn từ khu vực dân cư và tổ chức kinh tế lại tăng thấp hoặc trì trệ, dẫn đến chênh lệch ngày càng lớn giữa tăng trưởng tín dụng và huy động.

Theo ông Huy, người dân không chọn gửi tiền ngân hàng bởi hiện nay lãi suất tiền gửi đang ở mức thấp lịch sử, trong khi lạm phát kỳ vọng tăng khiến người gửi cảm thấy lãi suất sinh lời thực bị âm, không hấp dẫn. Xu hướng dịch chuyển tài sản sang bất động sản, vàng, chứng khoán hoặc các kênh đầu tư sinh lời cao hơn là điều dễ hiểu, đặc biệt khi thị trường kỳ vọng lãi suất vẫn duy trì ở mặt bằng thấp thêm một thời gian…

“Việc chênh lệch bảng xếp hạng trong cuộc đua hút tiền gửi của ngân hàng cho thấy các ngân hàng không xem lãi suất là vũ khí cạnh tranh mà thay vào đó là chuyển trọng tâm cạnh tranh từ “giá vốn” sang “giá trị gia tăng". Cụ thể, các ngân hàng nâng cao chất lượng trải nghiệm khách hàng trở thành tâm điểm: Hệ sinh thái dịch vụ tài chính - bảo hiểm - đầu tư cá nhân được tích hợp nhằm giữ chân dòng vốn nội tại…”, ông Huy nói.

Vị chuyên gia cho rằng, ngân hàng lớn và có nền tảng công nghệ mạnh tận dụng hệ sinh thái số để tạo giá trị cộng thêm, thu hút dòng tiền dài hạn và trung thành. Ngân hàng quy mô nhỏ hơn buộc phải cạnh tranh bằng lãi suất cao hơn, nhưng điều này có giới hạn do ảnh hưởng đến biên lợi nhuận và rủi ro tái đầu tư vốn.

Ngân hàng tìm vốn từ các kênh khác

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, quý I năm nay, tăng trưởng tín dụng cao gấp đôi huy động vốn khiến chênh lệch càng lớn. Chênh lệch giữa huy động và cho vay của hệ thống ngân hàng đã lên tới 1,1 triệu tỷ đồng.

Tiền gửi vào ngân hàng thấp hơn so với tín dụng cho thấy huy động tăng chậm hơn cho vay. Điều này gây áp lực cho hệ thống ngân hàng trong nhiệm vụ đáp ứng mục tiêu tăng trưởng kinh tế nhanh.

Mặt bằng lãi suất đã giảm xuống mức thấp nên các ngân hàng cũng phải đối mặt nhiều thách thức từ huy động vốn. Việc cạnh tranh thu hút tiền gửi của các nhà băng với kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản, vàng... càng trở nên khó khăn hơn. Để đủ nguồn lực phục vụ nền kinh tế, nhiều ngân hàng đã và đang tìm cách thu hút vốn bằng chính sách lãi suất hợp lý, như phát hành trái phiếu, vay vốn từ tổ chức quốc tế.

Đơn cử như mới đây VPBank công bố thực hiện thành công thương vụ vay hợp vốn quốc tế với giá trị ban đầu 1 tỷ USD, có kèm tùy chọn mở rộng giá trị khoản vay tùy thuộc theo nhu cầu sử dụng vốn của ngân hàng này.

Theo Chứng khoán VNDirect, việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với kỳ hạn dài, như đã triển khai trong năm 2024, không chỉ giúp các ngân hàng tăng cường huy động vốn mà còn hỗ trợ nâng cao tỷ lệ vốn trung và dài hạn.

Trong năm nay, nhóm ngân hàng sẽ vẫn tích cực phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ nhằm củng cố nguồn vốn trung và dài hạn, từ đó góp phần thúc đẩy sự phục hồi của thị trường phát hành trái phiếu doanh nghiệp.