Nhảy đến nội dung
 

Diễu binh, lịch sử hùng tráng từ Quốc khánh 2.9.1945 đến lễ 30.4.2025

Mỗi dịp diễu binh, tình quân dân càng thêm bền chặt. Người dân tự hào vỗ tay chào đón những đoàn quân tinh nhuệ. Các chiến sĩ cũng hãnh diện sải bước giữa vòng tay thân thương của đồng bào mình.

Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, chúng ta đã nhiều lần chứng kiến những cuộc diễu binh, diễu hành trong các dịp lễ trọng đại.

Những lễ diễu binh long trọng

Như vào ngày 2.9.1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở đầu truyền thống mít tinh, diễu hành nhân ngày Quốc khánh.

Vào những năm tròn kỷ niệm, Nhà nước thường tổ chức lễ diễu binh trang trọng. Điển hình như lễ kỷ niệm 70 năm Quốc khánh (ngày 2.9.2015), có khoảng 30.000 người thuộc các lực lượng vũ trang và các đoàn thể đã tham gia diễu binh, diễu hành tại Quảng trường Ba Đình.

Mở đầu buổi lễ, có 21 phát đại bác vang lên chào mừng. Trong khi đó, hàng vạn người dân đồng thanh hát Quốc ca dưới lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới.

Đó còn là Chiến thắng Điện Biên Phủ (ngày 7.5.1954). Ngay sau thắng lợi, khắp các vùng mới giải phóng đã tưng bừng tổ chức mít tinh chào mừng. Hình ảnh lá cờ Quyết chiến quyết thắng tung bay trên nóc hầm tướng Đờ Cát tại tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ vào ngày 7.5.1954 đã trở thành biểu tượng lịch sử.

Nhiều thập niên sau, Chiến thắng Điện Biên Phủ luôn được kỷ niệm trọng thể. Đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm 70 năm (7.5.2024), lần đầu tiên một lễ diễu binh, diễu hành quy mô lớn được tổ chức ngay tại “chiến trường xưa” Điện Biên Phủ. Buổi lễ quy tụ hơn 12.000 người tham gia diễu binh, diễu hành, thu hút hàng vạn đồng bào các dân tộc và du khách cả nước đến cổ vũ, hòa chung trong không khí tưng bừng của ngày hội lớn.

Một dấu mốc đặc biệt khác là dịp đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội (ngày 10.10.2010). Sự kiện đánh dấu một thiên niên kỷ lịch sử, thế nên lễ diễu binh, diễu hành năm 2010 đã được chuẩn bị công phu trong nhiều năm, với quy mô kỷ lục.

Vào sáng 10.10.2010, tại Quảng trường Ba Đình, có khoảng 10.000 người thuộc các lực lượng quân đội và quần chúng đã tham gia cuộc diễu binh hùng tráng mừng Thăng Long tròn nghìn tuổi.

Và đặc biệt là 30.4.1975 - ngày đất nước thống nhất. Sự kiện lịch sử khi trưa 30.4.1975, lá cờ giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, báo hiệu rằng chiến tranh kết thúc, non sông thu về một mối.

Hai tuần sau, chính quyền cách mạng đã tổ chức lễ mừng chiến thắng trọng thể tại Sài Gòn. Đây cũng là một trong những cuộc diễu binh đặc biệt nhất trong lịch sử. Bởi lẽ, sự kiện diễn ra ngay giữa hoàn cảnh vừa qua chiến tranh, mọi thứ còn ngổn ngang, nhưng tinh thần quân dân lại ngập tràn khí thế chiến thắng.

Sáng 15.5.1975, hàng triệu người dân Sài Gòn - Gia Định đã đổ về khu vực trước trụ sở Ủy ban Quân quản thành phố để dự lễ mít tinh và diễu binh mừng đại thắng. Nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã có mặt trên lễ đài, chứng kiến thời khắc lịch sử trọng đại ấy.

Đoàn quân giải phóng tiến qua tuyến phố, trong tiếng hoan hô vang dội và rừng cờ hoa, ghi dấu một ngày hội lớn của dân tộc, ngày Bắc Nam sum họp một nhà sau 21 năm trường kỳ kháng chiến.

Kể từ đó, ngày 30.4 hằng năm trở thành ngày kỷ niệm đất nước thống nhất. Vào nhiều dịp năm tròn đều có lễ diễu binh, diễu hành trang trọng để ôn lại lịch sử. Tiêu biểu như vào sáng 30.4.2015, lễ diễu binh kỷ niệm 40 năm đất nước thống nhất đã diễn ra trên đường Lê Duẩn, trước Hội trường Thống Nhất (Dinh Độc Lập, Q.1), với sự tham gia của khoảng 6.000 người thuộc các lực lượng quân đội, công an và quần chúng nhân dân.

Lễ diễu binh, diễu hành 30.4 ở TP.HCM đúng dịp 50 năm đất nước thống nhất

Năm 2025, đúng dịp kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất (30.4.1975 - 30.4.2025), tại TP.HCM diễn ra lễ diễu binh, diễu hành cấp quốc gia, ngay tại địa điểm lịch sử - trước Dinh Độc Lập vào sáng nay 30.4.

Buổi lễ diễu binh, diễu hành có quy mô rất lớn, với nghi thức bắn 21 phát đại bác, máy bay quân sự bay chào mừng và hàng vạn người tham gia trong đội ngũ các khối quân - dân.

Mỗi lễ diễu binh trọng đại không chỉ là một nghi lễ nhà nước, mà đã thực sự trở thành những khoảnh khắc lịch sử, để lại xúc cảm mạnh mẽ và dấu ấn sâu đậm trong lòng người dân.

Dịp kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất càng đặc biệt hơn. Khi ngay từ những buổi luyện tập, sơ duyệt và tổng duyệt, không khí diễu binh đã sớm rộn ràng.

Hàng ngàn người dân đứng kín hai bên đường phố TP.HCM, phất cao cờ đỏ sao vàng chào đón đoàn quân diễu hành. Nhiều người đã đến từ rất sớm, kiên nhẫn chờ đợi nhiều giờ liền để chọn được vị trí đẹp, háo hức chờ khoảnh khắc các khối diễu binh đi qua.

Người dân mọi lứa tuổi, từ các em nhỏ đến cụ già tóc bạc, khi chứng kiến đoàn diễu binh tiến qua, đều trào dâng niềm tự hào. Tự hào về một dân tộc đã trải qua muôn vàn gian khó mà vẫn hiên ngang, tự hào vì được sống trong hòa bình, tự do, tự hào về truyền thống anh hùng của dân tộc, và tự hào khi hiện diện, đồng âm, dưới lá cờ vinh quang của Tổ quốc.

Trong ký ức nhiều người, hình ảnh các anh Bộ đội Cụ Hồ luôn gắn liền với nhân dân, từ những năm tháng kháng chiến "bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng" cho đến thời bình khi thiên tai, dịch Covid-19, người lính lại xả thân cứu dân, giúp dân không điều kiện.

Bởi vậy, mỗi dịp diễu binh, tình quân dân càng thêm bền chặt. Người dân tự hào vỗ tay chào đoàn quân tinh nhuệ. Ngược lại, các chiến sĩ cũng hãnh diện sải bước giữa vòng tay thân thương của đồng bào mình.

Diễu binh còn là lời tri ân sâu sắc đối với các thế hệ cha anh đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, đồng thời khẳng định sức mạnh quốc gia và niềm tin vững chắc vào tương lai.

Nếu như ngay sau ngày lập nước năm 1945, quân đội ta còn sơ khai, "tay không cứu quốc", thì ngày nay, Việt Nam đã sở hữu nhiều khí tài hiện đại. Vì thế, mỗi cuộc diễu binh còn mang theo thông điệp cổ vũ người dân hãy vững tin vào con đường phát triển của đất nước.

Mỗi giai đoạn lịch sử có những lời hiệu triệu, những biểu tượng riêng, nhưng tựu trung đều toát lên tinh thần dân tộc và khát vọng hòa bình thống nhất.

Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm ngày đất nước thống nhất tại TP.HCM vào sáng 30.4.2025 không chỉ tái hiện dấu ấn lịch sử, mà còn thể hiện tầm vóc của một Việt Nam đang tiến vào kỷ nguyên mới, hùng cường, hiện đại và tràn đầy khát vọng vươn lên.