Diện mạo đô thị Hưng Yên trước khi về chung một nhà với Thái Bình

Từ năm 2021 đến nay, TP Hưng Yên (tỉnh Hưng Yên) đã có bước tiến vượt bậc, đưa tỷ lệ đô thị hóa từ 48% lên hơn 55%.
TP Hưng Yên là trung tâm hành chính, chính trị và kinh tế của tỉnh Hưng Yên, nằm ở phía nam của tỉnh, bên bờ trái sông Hồng, cách trung tâm Hà Nội khoảng 54km. Thành phố có diện tích 73,89km² và dân số khoảng 118.646 người (năm 2020).
Trong ảnh là một góc phía nam TP Hưng Yên những ngày tháng 5/2025, nơi có sân vận động Hưng Yên, Công viên Nam Hòa và hồ An Vũ.
Công viên Nam Hòa tọa lạc tại phường Lê Lợi, là điểm đến độc đáo kết hợp giữa thiên nhiên hoang dã và không gian đô thị hiện đại. Điểm nổi bật nhất của công viên là Đảo Cò, một khu vực sinh thái đặc biệt giữa lòng thành phố.
Đảo rộng gần 4.000m², bao quanh là hồ nước rộng khoảng 12ha. Đây là nơi cư trú của hàng vạn con cò.
Đặt chân tới Hưng Yên, du khách dễ dàng nhận biết khu vực nội đô nhờ các mô hình vòng xoay tại một số cửa ngõ mang dòng chữ “Phố Hiến”.
Những biểu tượng này mang ý nghĩa nhắc nhở về một thời kỳ hưng thịnh của Phố Hiến, góp phần gìn giữ và phát huy giá trị lịch sử của địa phương; tạo điểm nhấn cảnh quan đô thị, đồng thời giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống văn hóa quê hương, khơi dậy niềm tự hào dân tộc.
Ngày 17/7/2007, thị xã Hưng Yên (nay là TP Hưng Yên) được công nhận là đô thị loại 3. Từ đó đến nay thành phố vẫn nỗ lực để đạt mục tiêu trở thành đô thị loại 2.
Hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh nói chung và TP Hưng Yên nói riêng hiện nay đã hình thành mạng lưới tương đối đồng bộ, kết nối với các tỉnh, thành phố, vùng kinh tế của khu vực.
Trong ảnh là đường Nguyễn Văn Linh, tuyến đường khang trang và hiện đại nhất thành phố, đồng thời là trục huyết mạch nối với quốc lộ 39A hướng về các huyện, xã ở phía bắc.
Phía cuối tuyến đường Nguyễn Văn Linh là quảng trường Hưng Yên và trung tâm hành chính. Trụ sở các cơ quan thuộc tỉnh Hưng Yên tọa lạc tại đây.
Lần lượt từ trái sang phải và từ trên xuống dưới là trụ sở Trung tâm Hội nghị tỉnh, Văn phòng Tỉnh ủy, trụ sở HĐND, Tượng đài Nguyễn Văn Linh và Đài Tưởng niệm Liệt sỹ Hưng Yên. Ngoài ra, xung quanh còn có trụ sở của một số sở, ngành.
Từ năm 2021 đến nay, TP Hưng Yên đã có bước tiến vượt bậc, đưa tỷ lệ đô thị hóa từ 48% lên hơn 55%.
Để hướng tới mục tiêu trở thành đô thị loại 2 vào năm 2025, Đảng bộ TP Hưng Yên đã đề ra nhiều giải pháp nhằm phát triển mạnh mẽ, cải thiện diện mạo đô thị theo hướng hiện đại, thông minh.
Giáp phía tây nam thành phố là hồ Bán Nguyệt, một danh thắng nổi bật, được ví như "trái tim vàng" của vùng đất Phố Hiến. Sát hồ có trụ sở các cơ quan của quân đội.
Nổi bật giữa hồ là tháp ngọc Nguyệt Hồ - một biểu tượng văn hóa mới gắn liền với truyền thống hiếu học và lịch sử Phố Hiến.
Công trình này được thiết kế dựa trên tinh thần và đặc điểm kiến trúc của cổng tam quan Văn Miếu Xích Đằng - một trong những văn miếu lâu đời nhất Việt Nam, chỉ sau Văn Miếu - Quốc Tử Giám của Hà Nội.
Văn Miếu Xích Đằng là niềm tự hào của người dân Hưng Yên, phản ánh truyền thống hiếu học và khoa bảng của vùng đất này.
Nội đô TP Hưng Yên đang dần được mở rộng hơn. Trong ảnh là Trường Đại học Chu Văn An - một cơ sở giáo dục tư thục được xây dựng trên diện tích hơn 62.000m², đáp ứng nhu cầu học tập và nghiên cứu cho khoảng 6.000 sinh viên.
Theo Nghị quyết số 60 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13, dự kiến hợp nhất tỉnh Hưng Yên và tỉnh Thái Bình, lấy tên là tỉnh Hưng Yên, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Hưng Yên hiện nay.
Sau sáp nhập tỉnh Hưng Yên mới sẽ có diện tích khoảng 2.514km2 với gần 3,2 triệu người.
Hưng Yên là tỉnh nằm ở vị trí trung tâm vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, có lợi thế về giao thông, kết nối thuận lợi với Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh lân cận. Tỉnh này đang nổi lên như một trung tâm công nghiệp với nhiều khu công nghiệp lớn thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước.
Trong khi đó, tỉnh Thái Bình với bờ biển dài và nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, có tiềm năng phát triển kinh tế biển, nông nghiệp và du lịch.
Xem thêm: VẺ ĐẸP CÁC TỈNH, THÀNH VIỆT NAM