Diễn đàn Đổi mới sáng tạo khu vực Tây nguyên: Đối thoại, hợp tác và kết nối

Thông qua Diễn đàn Đổi mới sáng tạo khu vực Tây nguyên, ngành nông nghiệp và chế biến nông sản tại 5 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum và Lâm Đồng hướng đến sự phát triển bền vững và cân bằng cho cả khu vực.
Giới thiệu với đoàn nhà báo đến từ Hà Nội và TP.HCM tham gia Media Tour năm 2025 do Tổng lãnh sự quán Úc tổ chức, TS Tống Thị Lan Chi, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo tỉnh Đắk Lắk Trường ĐH Tây Nguyên, cho biết Diễn đàn Đổi mới sáng tạo khu vực Tây nguyên (CHIC) là sáng kiến được UBND 5 tỉnh Tây nguyên và Tổ chức Nghiên cứu khoa học và Công nghệ quốc gia Úc (CSIRO) thống nhất thành lập từ năm 2022.
CHIC là một hoạt động nằm trong khuôn khổ của chương trình Aus4Innovation với mục tiêu tăng cường hệ thống đổi mới sáng tạo của Việt Nam, do Chính phủ Úc tài trợ và được thực hiện bởi CSIRO và đối tác chiến lược là Bộ Khoa học và Công nghệ.
Mục tiêu thành lập là nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo để hỗ trợ sự phát triển bền vững và cân bằng của ngành nông nghiệp và chế biến nông sản tại 5 tỉnh Tây nguyên là Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum và Lâm Đồng.
Sau 3 năm hoạt động, CHIC đã xây dựng và vận hành nền tảng đối thoại, hợp tác và kết nối giữa các chủ thể trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, cụ thể là giữa các nhà hoạch định chính sách (các sở, ban, ngành), nhà khoa học (viện, trường), nhà nông (hợp tác xã, nông dân) và doanh nghiệp.
Nền tảng đối thoại được xây dựng theo dạng cộng đồng trên Zalo, và đến nay đã có hơn 830 thành viên tham gia. Thông qua kênh này, những vấn đề mới phát sinh được phía nhà nông lập tức đưa lên thảo luận và cho phép phía nhà khoa học đưa ra những phương án xử lý kỹ thuật.
Trong quá trình trao đổi, các bên nắm bắt được những vấn đề mới và đưa ra giải pháp hiệu quả nhất. Trước những vấn đề có nhiều nhà nông quan tâm, các viện, trường cũng tổ chức talkshow, seminar và mời chuyên gia trong ngành trao đổi để giải pháp thắc mắc trực tiếp của bà con nông dân.
PGS-TS Lê Đức Niêm, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tây Nguyên, bên xúc tác liên quan đến mặt hàng cà phê, cho biết trường đại học là một trong những đối tượng được hưởng lợi khi tham gia CHIC.
Điều này do đội ngũ của trường tham gia dự án luôn phải làm việc trong môi trường của sự thay đổi, của sự sáng tạo, và vì thế có cơ hội nâng cao năng lực để phục vụ trở lại cộng đồng.
Ông Niêm đưa ra một ví dụ cần đến diễn đàn để tìm ra hướng giải quyết và đồng thời xác định những cơ hội mới: đó là quy định chống phá rừng đối với các nông sản xuất khẩu cho thị trường Liên minh châu Âu (EUDR).
Theo EUDR, các mặt hàng xuất khẩu vào EU phải truy xuất nguồn gốc, và xác nhận không liên quan đến phá rừng sau ngày 31.12.2020. EU hiện gia hạn thực thi EUDR, mốc áp dụng với doanh nghiệp lớn từ ngày 30.12.2025 và doanh nghiệp nhỏ từ ngày 30.6.2026. Các doanh nghiệp không đáp ứng sẽ bị loại khỏi thị trường EU.
Ông Brent Stewart, Phó tổng lãnh sự Úc tại TP. HCM, nhận xét CHIC là dự án tham vọng và đang mang lại ảnh hưởng lớn trong việc cải thiện đời sống của cộng đồng ở Tây nguyên. "Tôi vui mừng vì sự đóng góp của chính phủ Úc trong dự án này", theo ông Stewart.
Trong thời gian tới, CHIC được phát triển theo hướng trao quyền cho đối tác địa phương, với Trường ĐH Tây Nguyên và Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây nguyên (WASI) đóng vai trò điều phối chính các hoạt động của diễn đàn.
Một trong những hướng đi kế tiếp là thúc đẩy và phổ biến các mô hình nông nghiệp tiêu biểu, ứng dụng đổi mới sáng tạo để thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải carbon và những vấn đề mới.