Di tích triều Nguyễn liên tiếp bị xâm hại: Làm sao bịt 'lỗ hổng'?

Thời gian gần đây, các di tích thuộc triều Nguyễn tại TP.Huế thường xuyên đối mặt với tình trạng xâm hại, từ những hành vi phá hoại nhỏ lẻ đến những vụ việc nghiêm trọng, ảnh hưởng nặng nề đến hình ảnh di sản văn hóa quốc gia. Điều này đặt ra câu hỏi về công tác bảo vệ di tích, cổ vật...
Những hình ảnh khiến nhiều người xót xa
Tháng 5.2023, con đường đi bộ Thượng thành trên kỳ đài Huế (cột cờ kinh thành) xuất hiện chi chít những dòng chữ, hình ảnh viết vẽ bậy, khiến người dân và du khách bức xúc, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến vẻ cổ kính của di tích. Tình trạng vẽ bậy đa phần diễn ra vào ban đêm, nguyên nhân được cho là do lực lượng bảo vệ mỏng nên rất khó khăn trong việc quản lý.
Đầu tháng 1.2025, lăng mộ chúa Nguyễn Phúc Khoát, một di tích cấp quốc gia được công nhận từ năm 1998, bị kẻ xấu xâm hại và đào trộm. Hiện trường cho thấy khả năng kẻ gian đào bới để tìm kiếm vàng bạc và các đồ tùy táng. Mặc dù khu lăng mộ này có một vài nhân viên bảo vệ của Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế trông giữ, phía trước lăng cũng được khóa bằng cổng sắt kiên cố nhưng vẫn không ngăn chặn được kẻ gian xâm hại.
Thời điểm trên, ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, cho biết hành vi đào bới mồ mả ở Huế đã xuất hiện từ 40 - 50 năm trước, là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, không chỉ xâm phạm mồ mả mà còn phá hoại di tích. Sau vụ việc, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã chỉ đạo phòng bảo vệ phối hợp cơ quan công an vào cuộc điều tra.
Vụ việc gây chấn động nhất là mới đây, lúc 11 giờ 55 ngày 24.5, một người đàn ông có biểu hiện không bình thường đã vào khu vực trưng bày ngai vua triều Nguyễn tại điện Thái Hòa, la hét và bẻ gãy phần tựa phía trước tay trái của ngai. Thời điểm xảy ra vụ việc, có 2 nhân viên bảo vệ tại điện Thái Hòa nhưng họ phải tiếp cận từ xa, nhắc nhở để tránh người này tiếp tục phá hoại các hiện vật khác và yêu cầu tăng cường lực lượng. Đến 12 giờ 10 cùng ngày, các lực lượng chức năng mới khống chế được kẻ phá hoại. Tại thời điểm lấy lời khai, kẻ phá hoại có biểu hiện loạn thần, la hét, nói nhảm…
Nhiều người theo dõi vụ việc bức xúc cho rằng để bảo vệ các bảo vật khỏi tác động bên ngoài, cần làm khung kính cường lực bao bọc xung quanh và phía trên. Trường hợp khách dễ dàng tiếp cận như vậy thì chỉ nên trưng bày bản sao, còn bảo vật quốc gia phải được bảo vệ nghiêm ngặt. Có ý kiến đề nghị kỷ luật toàn bộ những người có trách nhiệm…
Sau vụ việc ngai vua bị xâm hại, Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế đã đưa bảo vật về kho lưu giữ, đưa hiện vật phục chế đến trưng bày tại điện Thái Hòa phục vụ du khách. Trung tâm khẳng định đây là "sự cố hết sức hy hữu" và đã có nhiều giải pháp đảm bảo an ninh trong khu di sản, như tăng cường lắp đặt camera giám sát, xây dựng quy chế phân công trực bảo vệ, có bộ phận cơ động thường xuyên kiểm tra các địa bàn di tích. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Huế cũng đã tạm giữ hình sự kẻ phá hoại để điều tra hành vi cố ý làm hư hỏng bảo vật quốc gia.
"Lập phương án bảo vệ tốt hơn"
Những sự cố liên tiếp xảy ra đối với di tích triều Nguyễn cho thấy, mặc dù đã có những nỗ lực, lực lượng bảo vệ cho quần thể di tích cố đô Huế lên đến hơn 400 người, nhưng công tác bảo vệ vẫn còn nhiều "lỗ hổng" cần được khắc phục quyết liệt, kiểm soát các khu vực nhạy cảm và tăng cường lực lượng ứng trực, giám sát.
Ngày 26.5, kiểm tra công tác bảo vệ di tích và các hiện vật, bảo vật quốc gia tại quần thể di tích cố đô Huế, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó chủ tịch thường trực UBND TP.Huế, nhìn nhận sự cố phá hoại ngai vàng là "đáng tiếc và gây hậu quả rất nghiêm trọng". "Chúng tôi sẽ tổ chức đánh giá lại tình hình, yêu cầu rà soát, kiểm điểm trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức. Đặc biệt, đưa ra bài học kinh nghiệm và xây dựng các phương án bảo vệ tốt hơn các bảo vật quốc gia, hiện vật cũng như tổng thể các di tích", ông Bình nói.
Theo ông Bình, UBND TP.Huế đã báo cáo vụ việc lên Chính phủ và Bộ VH-TT-DL, đồng thời giao trách nhiệm cho Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế phối hợp Sở VH-TT xây dựng các phương án bảo vệ di tích, bảo vật quốc gia...
Ông Hoàng Việt Trung cho biết để phòng tránh sự việc tương tự, trung tâm sẽ xây dựng phương án đảm bảo chặt chẽ an ninh an toàn. Trong đó, tăng cường trang thiết bị an ninh, công cụ hỗ trợ và công tác bảo vệ, tập huấn xử lý các tình huống an ninh, phát hiện ngăn chặn từ sớm các hiện tượng nghi vấn.