Đem hơn 1 tỷ đồng gửi tiết kiệm, 3 năm sau đi rút, ông lão rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan

Nhiều người cao tuổi do không chú ý đã vô tình khiến khoản tiền tiết kiệm của mình bị thiệt hại.
Nội dung chính |
Sự tiện lợi lại thường đi kèm với lợi nhuận thấp
Trang tin Sohu đưa tin, ông Trương (ở Hồ Nam, Trung Quốc) là một giáo viên về hưu, dành dụm được 300.000 NDT (hơn 1 tỷ đồng) tiền dưỡng già. Khi ông đến ngân hàng gửi tiết kiệm có kỳ hạn, nhân viên ở đây đã giới thiệu cho ông dịch vụ tự động tái gửi, nói rằng như vậy vừa tiện lợi vừa an tâm. Ông Trương không suy nghĩ nhiều đã đồng ý.
Ba năm sau, ông Trương được biết lãi suất ngân hàng đã tăng lên đáng kể, hơn nữa còn có một sản phẩm tài chính có lợi nhuận cao hơn. Ông muốn đến ngân hàng rút tiền ra và gửi lại để được lãi suất mới, nhưng được thông báo tiền đã tự động tái gửi, nếu rút trước hạn sẽ bị mất lãi rất nhiều. Ông Trương chỉ biết thở dài ngậm ngùi.
Có thể nhiều người cao tuổi giống như ông Trương, không biết rằng khi điền vào phiếu gửi tiền, nếu chọn giải pháp "tự động tái gửi" hoặc "tự động tái tục", thì đôi khi sẽ đi kèm với việc lãi suất không cao như kỳ vọng.
Việc này tất nhiên là rất tiện lợi, đỡ phải đi lại nhiều. Cụ thể, chỉ cần ký vào lựa chọn dịch vụ này, người cao tuổi không cần phải đến ngân hàng mà vẫn có thể tự động gia hạn khoản tiền gửi theo một trong các hình thức sau:
• Tái tục cả gốc và lãi: Toàn bộ số tiền gốc và lãi được cộng dồn và gửi tiếp vào kỳ hạn mới.
• Tái tục gốc, rút lãi: Chỉ số tiền gốc được gửi tiếp vào kỳ hạn mới, phần lãi được chuyển vào tài khoản thanh toán của người gửi.
• Không tái tục: Toàn bộ số tiền gốc và lãi được chuyển vào tài khoản thanh toán của người gửi.
Nhưng thực tế, lãi suất ngân hàng không phải là cố định, mà sẽ thay đổi tùy thuộc vào tình hình thị trường và chính sách tiền tệ. Giả sử người cao tuổi gửi một khoản tiền tiết kiệm kỳ hạn 3 năm khi lãi suất cao, và chọn tự động tái tục. Sau 3 năm, lãi suất thị trường có thể giảm mạnh. Lúc này, tiền gửi lại tự động gia hạn, nhưng lãi suất áp dụng cho kỳ hạn mới sẽ là lãi suất thấp vào ngày tái tục. Điều này có nghĩa là, người gửi đó còn được hưởng mức lãi suất cao như trước, và thu nhập từ tiền lãi sẽ giảm.
Hoặc, nếu trong 3 năm đó, ngân hàng tung ra các sản phẩm tiền gửi có lãi suất cao hơn, hoặc có các kênh đầu tư sinh lời tốt hơn, thì người cao tuổi vì đã chọn tự động tái gửi sẽ không thể kịp thời điều chỉnh phân bổ vốn, chỉ có thể chịu cảnh tiền của mình ngày càng mất giá trị.
Hơn nữa, tự động tái gửi còn có thể ảnh hưởng đến tính thanh khoản của tiền của người cao tuổi. Một số người cao tuổi có thể đột ngột gặp trường hợp khẩn cấp cần dùng tiền, nhưng do tiền gửi được tự động tái gửi, nếu rút trước hạn trong thời gian này thì lãi suất chỉ được tính theo lãi suất không kỳ hạn, gây thiệt hại đáng kể.
Vì thế, dịch vụ "tự động tái gửi" một mặt đem lại sự tiện lợi nhất định, một mặt có thể làm giảm cơ hội tham gia sản phẩm tiền gửi có lãi suất tốt hơn.
Mất trắng tiền dưỡng già vì con!
Trường hợp của bà Lý (Chiết Giang, Trung Quốc) lại là một câu chuyện đáng tiếc khác. Bà sức khỏe yếu, đi lại khó khăn nên nhờ con trai ra ngân hàng gửi tiền giúp. Sau này, do bản thân làm ăn cần tiền xoay sở, người con trai đã tự ý rút 200.000 NDT (khoảng 700 triệu đồng) tiền gửi của bà Lý.
Bà Lý vẫn luôn nghĩ rằng tiền vẫn còn trong ngân hàng, cho đến khi ốm đau cần dùng tiền mới phát hiện tiền gửi đã bị con trai dùng hết. Hai mẹ con vì chuyện này mà cãi nhau một trận lớn, tình cảm gia đình trở nên căng thẳng, còn tiền dưỡng già của bà Lý cũng mất trắng.
Một số người cao tuổi do đi lại khó khăn hoặc không am hiểu nghiệp vụ ngân hàng nên chọn nhờ con cái, họ hàng, thậm chí cả những người được gọi là "nhiệt tình" giúp đỡ đi gửi tiền ở ngân hàng và ghi chữ "ủy quyền" trên phiếu gửi tiền. Cách làm này thực chất lại tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Xét về mối quan hệ nội bộ gia đình, tuy đa số con cái đều xuất phát từ lòng hiếu thảo, nhưng có những trường hợp như con trai bà Lý nêu trên, đã tự ý sử dụng tiền gửi của cha mẹ mà không được sự đồng ý. Đến khi cha mẹ cần dùng mới phát hiện tiền gửi đã "không cánh mà bay", lúc này muốn đòi lại có thể gây ra mâu thuẫn gia đình, khiến người cao tuổi rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan giữa tình thân và tiền bạc.
Trường hợp ủy quyền cho những người không phải trong gia đình thì rủi ro càng lớn. Những người này có thể nảy sinh lòng tham, làm những việc gây tổn hại đến lợi ích của người cao tuổi. Chẳng hạn, trong quá trình gửi tiền, họ cố tình che giấu thông tin thực tế của khoản tiền gửi, gửi tiền của người cao tuổi vào tài khoản của mình, hoặc bịa ra một số dự án đầu tư sinh lời cao, dụ dỗ người cao tuổi rút tiền gửi để thực hiện cái gọi là "đầu tư", cuối cùng dẫn đến việc người cao tuổi mất trắng.
Hơn nữa, về mặt pháp lý, nếu trên phiếu gửi tiền ghi rõ là do "ủy quyền" thì một khi xảy ra tranh chấp, người cao tuổi muốn chứng minh ý định và quyền lợi thực sự của mình đối với khoản tiền gửi sẽ gặp rất nhiều bất lợi. Ngân hàng khi xử lý các nghiệp vụ này thường chú trọng đến tính hợp lệ của thủ tục. Nếu người được ủy quyền có một số thao tác không đúng quy định hoặc cố tình che giấu một số thông tin quan trọng, người cao tuổi rất có thể không bảo vệ được quyền lợi hợp pháp của mình do khó khăn trong việc chứng minh.
Làm gì để người cao tuổi tránh mất tiền khi gửi tiết kiệm?
Để tránh những rủi ro không đáng có khi gửi tiết kiệm, người gửi tiền cần chủ động tìm hiểu kỹ các điều khoản trước khi quyết định. Ngân hàng có trách nhiệm cung cấp thông tin đầy đủ về các dịch vụ, nhưng khách hàng, đặc biệt là người cao tuổi, cũng cần yêu cầu thêm giải thích nếu không rõ về các tùy chọn gửi tiền.
Ngoài ra, dù ngân hàng đã tư vấn, quyền quyết định cuối cùng vẫn thuộc về khách hàng và họ cần theo dõi các thay đổi lãi suất để không bị thiệt hại. Tự động tái tục là một lựa chọn tiện lợi, nhưng nếu không được giải thích rõ về các rủi ro, người gửi có thể bỏ qua các cơ hội lãi suất cao hơn hoặc các sản phẩm tài chính sinh lời tốt hơn.
Còn về những rủi ro khi ủy quyền, cách an toàn nhất vẫn nên là trực tiếp đi gửi để tránh mọi thất thoát hay mất mát có thể xảy ra.
(Theo Sohu, Sina)