Đề xuất xây dựng khẩn cấp mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành

Đề xuất mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành theo hình thức xây dựng khẩn cấp đang được Thủ tướng xem xét. Nếu được thông qua, dự án có thể về đích sớm 2,5-3 tháng.
![]() |
Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đang đối mặt với tình trạng quá tải nghiêm trọng. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Văn phòng Chính phủ đã ban hành Công văn số 4279 thông báo ý kiến của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan xem xét kiến nghị của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) về đề xuất triển khai dự án mở rộng đoạn cao tốc TP.HCM - Long Thành theo công trình xây dựng khẩn cấp, và báo cáo Thủ tướng trước ngày 21/5.
Trước đó, VEC đã có văn bản gửi Thủ tướng, đề xuất chấp thuận cho phép triển khai dự án theo hình thức xây dựng khẩn cấp.
Nguyên nhân VEC có đề xuất này vì dự án mở rộng gần 22 km đoạn cao tốc TP.HCM - Long Thành, từ nút giao Vành đai 2 TP.HCM đến nút giao với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có quy mô lớn, điều kiện thi công phức tạp.
Cụ thể, trong phạm vi dự án có 10 km cần xử lý đất yếu với thời gian thi công tối thiểu 8 tháng; chưa kể còn 12 km cầu gồm 2 cầu lớn là Long Thành và Sông Tắc. Bên cạnh đó, tổ chức thi công gặp khó khăn do phải vừa thi công vừa đảm bảo giao thông tuyến cao tốc đang khai thác; mặt bằng hai bên hẹp, không có mặt bằng làm đường công vụ chạy dọc tuyến để thi công đồng loạt.
Nếu thực hiện dự án theo quy định và quy hoạch ban đầu, dự án chỉ có thể khởi công vào đầu tháng 11 năm nay và hoàn thành vào tháng 12/2026. Đối với cầu Long Thành phải kéo dài thời gian đưa vào sử dụng đến tháng 6/2027.
Theo lãnh đạo VEC, nếu Thủ tướng chấp nhuận quyết định áp dụng hình thức công trình xây dựng khẩn cấp và áp dụng một số cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ thì dự án có thể về đích sớm 2,5-3 tháng. Theo đó, dự án sẽ khởi công vào ngày 19/8 và cơ bản hoàn thành trong năm 2026.
Cụ thể, đoạn từ nút giao Vành đai 2 đến nút giao Vành đai 3 TP.HCM sẽ hoàn thành trong tháng 9/2026; đoạn từ nút giao Vành đai 3 đến nút giao với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dự kiến hoàn thành vào tháng 10/2026. Đối với cầu Long Thành sẽ hợp long cầu chính vào tháng 12/2026 và hoàn thành vào tháng 3/2027.
Để thực hiện mục tiêu khởi công dự án mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành vào ngày 19/8, VEC đề xuất được áp dụng quy trình chỉ định thầu rút gọn để lựa chọn nhà thầu; đồng thời cho phép VEC thực hiện song song các thủ tục như khảo sát, lập dự án, lập thiết kế bản vẽ thi công, dự toán, lựa chọn nhà thầu, thi công xây dựng...
Ngoài ra, VEC cũng kiến nghị Thủ tướng tách công tác giải phóng mặt bằng thành các dự án thành phần và giao cho TP.HCM và tỉnh Đồng Nai thực hiện, VEC sẽ bố trí vốn để chi trả.
Theo quy hoạch, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây dài 55 km, do VEC làm chủ đầu tư, được đưa vào khai thác với quy mô 4 làn xe. Đây là tuyến đường huyết mạch giữ vai trò kết nối giao thông, kinh tế liên vùng giữa TP.HCM với Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.
Trong đó, đoạn cao tốc TP.HCM - Long Thành là trục đường chính kết nối TP.HCM với sân bay Long Thành. Nhưng hiện, tuyến cao tốc này đã quá tải, đặc biệt vào các dịp lễ, Tết và cuối tuần. Do đó, khi sân bay Long Thành đưa vào khai thác từ năm 2026, tuyến cao tốc hiện hữu có thể trở thành "điểm nghẽn của điểm nghẽn".
Vì vậy, trước đó, VEC đã đề xuất mở rộng đoạn TP.HCM - Long Thành. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 15.337 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước chiếm khoảng 40%, còn lại là vốn do VEC huy động. Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.
Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.