Để mùa hè không thành nỗi ám ảnh vì tai nạn đuối nước thương tâm

Mỗi khi hè về, tai nạn đuối nước của các em nhỏ lại trở thành nỗi ám ảnh với các gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Làm thế nào để bảo vệ các em tốt nhất, giảm thiểu những câu chuyện thương tâm?
Cách đây ít ngày, vào chiều 14/5, 3 em nhỏ rủ nhau ra hồ Dộc Xăm (xã Tân Dân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) tắm. Một em không may bị đuối nước và tử vong, để lại nỗi đau xé lòng cho gia đình, bạn bè.
Hơn 1 năm trước, ngày 29/4/2024, một nhóm 5 học sinh lớp 11 rủ nhau ra tắm sông Hồng, đoạn dưới chân cầu Vĩnh Tuy. Không may, 2 em bị cuốn trôi và thiệt mạng.
Thiếu tá Lê Tiến Thành, cán bộ Tổ địa bàn, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH) quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội xúc động nhắc lại những trường hợp đuối nước thương tâm của các em học sinh xảy ra ngay tại Thủ đô.
Thiếu tá Thành cũng cho biết, từ đầu năm 2025 đến nay, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH TP Hà Nội đã tiếp nhận 7 tin báo về tai nạn đuối nước. Trong số đó, lực lượng cứu hộ chỉ cứu sống được 1 nạn nhân, 6 người còn lại không qua khỏi.
Tính riêng trong kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5/2024, trên địa bàn thành phố xảy ra liên tiếp 8 vụ đuối nước, khiến 9 người tử vong. Các nạn nhân đều trong độ tuổi thanh, thiếu niên.
Học sinh cả nước đang sắp bước vào kỳ nghỉ hè, cũng là khoảng thời gian nắng nóng kéo dài. Các hoạt động ngoài trời và bơi lội sẽ là lựa chọn yêu thích các em. Nhưng niềm vui ấy có thể nhanh chóng biến thành bi kịch nếu thiếu sự giám sát và kiến thức an toàn cần thiết.
Với nhiều năm kinh nghiệm trong công tác cứu hộ, Thiếu tá Thành nhấn mạnh tầm quan trọng của "thời gian vàng" trong cứu người đuối nước: Khoảng 4-6 phút đầu tiên sau khi tim hoặc phổi ngừng hoạt động là thời điểm then chốt.
Nếu não không được cung cấp oxy trong thời gian này, các tế bào sẽ bị tổn thương nghiêm trọng và không thể phục hồi. Đặc biệt, nếu tim ngừng đập quá 6 phút, ngay cả khi cứu được thì nạn nhân cũng có nguy cơ bị di chứng nặng nề. Tuy nhiên, thực tế cho thấy trong nhiều trường hợp, khi lực lượng cứu hộ tiếp cận hiện trường thì “thời gian vàng” ấy đã trôi qua.
Thiếu tá Lê Tiến Thành cho biết, nhằm đảm bảo một mùa hè an toàn, ý nghĩa và không nước mắt, Tổ địa bàn PCCC và CNCH quận Bắc Từ Liêm đưa ra khuyến cáo:
Không để trẻ tắm sông, hồ, ao, bể bơi nếu không có người lớn giám sát; không nô đùa, xô đẩy nhau gần khu vực nước sâu. Khuyến khích trẻ tham gia các lớp học bơi và kỹ năng an toàn dưới nước; luôn mặc áo phao khi tham gia các hoạt động dưới nước hoặc đi thuyền. Phụ huynh cần giám sát sát sao trẻ, đặc biệt tại các khu vực gần ao hồ, sông suối.
Tổ địa bàn cũng khuyến cáo chính quyền các cấp cần lắp đặt biển cảnh báo tại những điểm có nguy cơ cao; tổ chức tuyên truyền, phổ biến kỹ năng cứu hộ và sơ cứu cơ bản cho cộng đồng.
Đồng thời, khuyến khích các trường học lồng ghép kỹ năng an toàn trong môi trường nước vào chương trình ngoại khóa.
Đối với người dân, khi gặp người bị đuối nước cần hô hoán và gọi ngay cấp cứu 115, không tự ý nhảy xuống cứu nếu không có kỹ năng và dụng cụ hỗ trợ. Dùng sào, dây, áo phao hoặc vật nổi để kéo nạn nhân lên bờ, sau đó kiểm tra nhịp thở và tim. Nếu ngừng thở, thực hiện hô hấp nhân tạo (CPR) đúng kỹ thuật cho đến khi có nhân viên y tế đến.