Đầu tư vốn nhà nước phải trọng tâm, trọng điểm

Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc việc cho phép các doanh nghiệp nhà nước đầu tư kinh doanh bất động sản ngoài ngành
Sáng 13-5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN).
Giao cụ thể lĩnh vực kinh doanh, phạm vi đầu tư
Theo Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng, thay đổi căn bản của luật sửa đổi lần này là nhà nước thực hiện các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm tương ứng với tỉ lệ sở hữu vốn góp tại DN nhà nước, bình đẳng như các nhà đầu tư khác, không can thiệp trực tiếp vào hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN.
Về phạm vi đầu tư vốn nhà nước tại DN, nhiều ý kiến đề nghị chỉ nên tập trung đầu tư vốn vào một số DN hoạt động trong lĩnh vực then chốt, thiết yếu hoặc lĩnh vực mà các DN khác không đầu tư. Theo đại biểu (ĐB) Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp), việc đầu tư vốn của nhà nước phải trọng tâm, trọng điểm; việc nào tư nhân làm được thì để tư nhân làm; việc nào tư nhân không làm nhưng để phục vụ quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội thì nhà nước phải làm.
Về hoạt động đầu tư, dự luật không hạn chế DN nhà nước đầu tư - kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản. Theo ĐB Hòa, cần cân nhắc quy định này bởi thời gian qua, một số tập đoàn, công ty lớn của nhà nước đầu tư ngoài ngành gặp khó khăn, có trường hợp vướng vòng lao lý. "Phải xem xét tùy lúc, tùy nơi, DN nào được làm, không được làm. Không nên cho phép tất cả DN nhà nước đều được đầu tư bất động sản" - ông Hòa nói.
Không đồng tình quan điểm việc gì DN tư nhân làm được thì DN nhà nước không được làm, ĐB Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, cho rằng cần giao cho DN nhà nước tham gia những những lĩnh vực kinh tế trọng điểm, liên quan quốc phòng - an ninh như than, điện, dầu khí... "DN nhà nước phải gánh trách nhiệm an sinh xã hội. Có những lĩnh vực mà DN tư nhân không làm thì DN nhà nước vẫn phải làm, còn DN tư nhân thì dứt khoát cứ có lời mới làm" - ĐB Thân nêu quan điểm. Dù vậy, lãnh đạo Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam cũng đồng tình với ý kiến về việc nên giao cụ thể các lĩnh vực kinh doanh, phạm vi đầu tư của DN nhà nước, để tránh "đang làm nhiệm vụ chính nhưng thấy bất động sản "nóng", thế là nhảy vào!".
ĐB Trần Hoàng Ngân (đoàn TP HCM) đánh giá việc sửa đổi lần này đã tạo điều kiện cho DN nhà nước có thêm quyền tự chủ, tự quyết. Đối với quy định khi đầu tư vốn nhà nước để bổ sung vốn góp của nhà nước tại công ty cổ phần, công ty TNHH hai thành viên trở lên có vốn nhà nước, ĐB Ngân cho rằng không nên khuyến khích. Lý do là vì thời gian qua, chúng ta đẩy mạnh cổ phần hóa và thoái vốn, nếu nhà nước tham gia thêm thì dễ dẫn đến thất thoát.
"Nếu có đầu tư thì nên đầu tư vào phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia" - ĐB Trần Hoàng Ngân đề nghị.
Lo lạm dụng quy định "chấp nhận rủi ro"
Chiều cùng ngày, thảo luận về dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) bày tỏ ủng hộ việc luật hóa tinh thần "chấp nhận rủi ro" trong khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, bà Nga cho rằng nếu không có cơ chế minh bạch thì dễ bị lạm dụng, do đó cần làm rõ ranh giới giữa rủi ro chấp nhận được (sai số mô hình, thất bại thử nghiệm...) và sai phạm không thể miễn trừ (gian lận, đạo đức nghiên cứu yếu kém...). Cùng với đó, thành lập hội đồng đánh giá rủi ro có chuyên môn sâu và độc lập. Thiết lập quỹ riêng cho nghiên cứu mạo hiểm, vận hành theo cơ chế "đầu tư rủi ro công", đánh giá dựa trên tiềm năng sáng tạo chứ không chỉ là đầu ra hữu hình.
ĐB Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình) đánh giá các nội dung về cơ chế "chấp nhận rủi ro" còn chung chung. Bên cạnh đó, dự thảo luật giao Chính phủ quy định chi tiết điều này nhưng chỉ nhấn mạnh Chính phủ sẽ quy định về tiêu chí xác định rủi ro, đánh giá việc tuân thủ mà không nói quy trình, quy định là gì...
Cũng theo ĐB Thu, các dự án nghiên cứu mới, các ý tưởng đổi mới sáng tạo có thể diễn ra ngay trong quá trình sản xuất. "Cần bổ sung nguyên tắc tối thiểu về các tiêu chí đánh giá rủi ro khoa học và cần có quy trình thẩm định và phê duyệt rủi ro. Đơn vị có thẩm quyền cũng cần xác định rủi ro rõ ràng trong văn bản hướng dẫn thi hành luật" - ĐB Thu đề nghị.