Đầu tư vào Việt Nam, vươn ra thị trường châu Á gần 5 tỉ dân

Dù có các biến động về thuế quan buộc phải tính toán lại chuỗi cung ứng, song Việt Nam vẫn được xem là “cánh cửa” quan trọng để doanh nghiệp nước ngoài thâm nhập vào thị trường hơn 4,8 tỉ người dân châu Á.
Trong nửa đầu năm 2025, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đạt hơn 21,5 tỉ USD, cũng là mức cao nhất kể từ năm 2009, trong khi vốn thực hiện tăng hơn 8% lên hơn 11,7 tỉ USD.
Việt Nam - đối tác đáng tin cậy
Chiều 2-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có buổi tiếp lãnh đạo Tập đoàn Makara Capital - một trong những tập đoàn quản lý quỹ và đầu tư lớn của Singapore.
Tại cuộc gặp, Makara Capital bày tỏ quan tâm đến việc đầu tư vào các lĩnh vực như dược - sinh học, năng lượng, hạ tầng và tài chính, cũng như mong muốn tham gia tái cơ cấu ngân hàng Việt Nam, tham gia xây dựng trung tâm tài chính quốc tế... với khả năng huy động khoảng 5-7 tỉ USD.
Trước đó, trong chuyến thăm Malaysia, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã có cuộc làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Gamuda Land.
Tập đoàn này vừa đề xuất điều chỉnh chủ trương và bổ sung hơn 1,1 tỉ USD vào dự án công viên Yên Sở.
Chính khoản đầu tư này đã góp phần giúp Hà Nội dẫn đầu cả nước về thu hút FDI trong nửa đầu năm nay.
Ông Dato' Chow Chee Wah, chủ tịch Gamuda Land, cho biết ngoài tổng vốn đầu tư hiện tại đã vượt 5 tỉ USD, tập đoàn còn mong muốn rót thêm hàng tỉ USD vào các dự án hạ tầng và đô thị xanh, đồng thời đề xuất nghiên cứu các tuyến metro kết nối TP.HCM với sân bay Long Thành và các tuyến đường sắt đô thị khác.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Kunihiko Hirabayashi, tổng thư ký Trung tâm ASEAN - Nhật Bản (AJC), cho rằng Việt Nam ngày nay đã nổi lên như một nền tảng cốt lõi của mạng lưới chuỗi cung ứng ASEAN khi đang chủ động củng cố chuỗi giá trị toàn cầu thay vì chỉ đơn thuần là một mắt xích.
Ông tin rằng Việt Nam sẽ tiếp tục củng cố vai trò lãnh đạo của mình, từ việc tiên phong trong các chuỗi cung ứng xanh đến thúc đẩy đổi mới sáng tạo toàn diện và cùng với các quốc gia khác tạo ra sự tăng trưởng bền vững cho khu vực.
Theo ông, Việt Nam có một loạt lợi thế quan trọng để trở thành điểm đến chiến lược cho đầu tư trong khu vực. Trước hết là nền tảng vững chắc với lực lượng lao động trẻ, chi phí cạnh tranh và vị trí địa lý đắc địa ngay tại trung tâm ASEAN.
Những yếu tố này thu hút đầu tư và biến Việt Nam thành một trung tâm sản xuất, logistics lý tưởng; thúc đẩy hiệu quả việc tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA).
Thứ hai là uy tín đã được tạo dựng. Ông Kunihiko Hirabayashi cho biết Nhật Bản hiện có hơn 5.500 dự án đầu tư tại Việt Nam, với hơn một nửa số doanh nghiệp được khảo sát cho biết có kế hoạch mở rộng hoạt động (tỉ lệ cao nhất trong ASEAN).
Sự tự tin này bắt nguồn từ môi trường chính sách ổn định và khả năng bổ trợ lẫn nhau giữa các ngành công nghiệp Việt Nam và Nhật Bản.
"Các ngành công nghiệp của Việt Nam thường lấp đầy các khoảng trống thay vì cạnh tranh trực tiếp, từ đó tạo ra các quan hệ đối tác cùng có lợi nhằm tăng cường kết nối thương mại trên khắp ASEAN", ông Kunihiko Hirabayashi nói.
Cửa ngõ chiến lược
Dòng vốn FDI được dự báo sẽ tiếp tục đổ mạnh vào Việt Nam bởi nhà đầu tư không chỉ nhắm đến thị trường 100 triệu dân, mà còn xem Việt Nam là cửa ngõ chiến lược để tiếp cận Đông Nam Á và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đang gia tăng tại châu Á.
Theo khảo sát giữa năm 2025 do AmCham Việt Nam tại TP.HCM vừa công bố, khoảng 18% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết hiệu suất kinh doanh nửa đầu năm vượt kỳ vọng, chủ yếu trong lĩnh vực logistics, một số phân khúc sản xuất và F&B quy mô lớn.
Có khoảng 37% doanh nghiệp đánh giá môi trường kinh doanh tại Việt Nam "tương đối tích cực".
Nhìn chung, cộng đồng doanh nghiệp Mỹ nhận định bức tranh nửa đầu năm nay phản ánh một môi trường kinh doanh có khả năng thích ứng cao, đang trong giai đoạn điều chỉnh và chuyển dịch.
Dù duy trì tâm thế thận trọng trước những thách thức còn tồn tại, các doanh nghiệp vẫn tích cực đầu tư, tuyển dụng, đổi mới.
Xét về tổng vốn đầu tư, Singapore tiếp tục dẫn đầu dòng FDI vào Việt Nam, theo sau là Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản.
Ông Seck Yee Chung - phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam (SingCham) - cho biết tâm lý chung của doanh nghiệp Singapore hiện nay là "lạc quan và có khả năng phục hồi liên tục".
Một số lĩnh vực đang thu hút sự quan tâm gồm công nghệ, chuyển đổi số, sản xuất và logistics, nhờ vai trò trong nền kinh tế và tiềm năng tăng trưởng lớn. Ngoài ra, chăm sóc sức khỏe cũng nổi lên do nhu cầu đầu tư và dịch vụ y tế ngày càng tăng ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.
Dù có các biến động về thuế quan buộc phải tính toán lại chuỗi cung ứng, song Việt Nam vẫn được xem là "cánh cửa" quan trọng để doanh nghiệp nước ngoài thâm nhập vào thị trường hơn 4,8 tỉ người dân châu Á.