Nhảy đến nội dung

Đau thượng vị tưởng bệnh dạ dày, không ngờ là nhồi máu cơ tim cấp

Cơn đau vùng thượng vị khiến anh T. lầm tưởng là bệnh dạ dày, thực chất lại là dấu hiệu của cơn nhồi máu cơ tim cấp do tắc mạch tại thân chung động mạch vành trái - vị trí cấp máu nuôi cho toàn bộ tim trái.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Dương Duy Trang, Trưởng khoa Nội tim mạch - Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Gia An 115, cho biết, mới đây các bác sĩ vừa tiếp nhận và điều trị thành công một trường hợp nhồi máu cơ tim nguy kịch. 

Bệnh nhân là anh T.H.T (40 tuổi, ngụ quận Bình Tân, TP.HCM) được đưa vào cấp cứu trong tình trạng đau thượng vị kèm nặng tức ngực trái lan ra tay trái, nặng mỏi tay trái, vã mồ hôi, khó thở. Người bệnh khởi phát triệu chứng vào chiều tối cùng ngày, đã đến trung tâm y tế địa phương và được cho thuốc uống nhưng không giảm. Khi khó thở xuất hiện, anh được chuyển đến Bệnh viện Gia An 115.

Vừa tắc vị trí hiểm, vừa nhập viện muộn

Tại phòng Cấp cứu, kết quả điện tâm đồ và siêu âm tim tại giường cho thấy bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp có ST chênh lên thành trước, phân suất tống máu thất trái (EF) giảm còn 49%. Đây là dạng nhồi máu cơ tim nguy hiểm nhất, do tình trạng tắc nghẽn hoàn toàn một hay nhiều nhánh động mạch vành có nhiệm vụ cung cấp máu cho tim hoạt động. Các bác sĩ ngay lập tức “chạy đua với thời gian” để bảo vệ tính mạng và giảm thiểu tổn thương tim cho người bệnh.

Đáng chú ý, kết quả chụp mạch tại phòng DSA ghi nhận bệnh nhân bị tắc cấp đoạn cuối thân chung động mạch vành trái - một trong những vị trí hẹp nguy hiểm nhất. Trường hợp người bệnh T.H.T còn phức tạp hơn do vị trí tắc nằm ở đoạn cuối thân chung, sát chỗ phân nhánh, đòi hỏi quá trình đưa dây dẫn, bóng nong và stent phải được tính toán kỹ lưỡng. Nếu thao tác không chính xác, nguy cơ bóc tách thành mạch hoặc làm tắc thêm các nhánh khác là rất cao.

“Đây là một trường hợp nguy kịch, vừa tắc vị trí hiểm, vừa nhập viện muộn. Bệnh nhân được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Gia An 115 sau khoảng 4-5 giờ kể từ khi khởi phát triệu chứng. Nếu không can thiệp kịp thời và hiệu quả, nguy cơ tử vong rất cao”, bác sĩ Dương Duy Trang cho biết.

Bác sĩ Dương Duy Trang cùng ê kíp đã nhanh chóng tiến hành đặt stent phủ thuốc vào đoạn cuối thân chung. Sau khi đưa dây dẫn vượt qua vị trí tắc, bác sĩ thực hiện nong bóng và đặt stent chính xác, giúp khôi phục dòng chảy đến cả hai nhánh LAD và LCx.

Sau can thiệp, bệnh nhân hết đau ngực, huyết động dần ổn định với thuốc vận mạch và ngưng sau đó, men tim dần trở về ngưỡng bình thường. Hiện bệnh nhân đã được xuất viện và tiếp tục điều trị ngoại trú theo phác đồ sau nhồi máu cơ tim.

Không phải lúc nào nhồi máu cơ tim cũng biểu hiện bằng cơn đau thắt ngực, khó thở

Qua trường hợp bệnh nhân T., bác sĩ Dương Duy Trang cảnh báo, không phải lúc nào nhồi máu cơ tim cũng biểu hiện điển hình bằng cơn đau thắt ngực và khó thở. Ngoài 2 dấu hiệu này, người bệnh có thể xuất hiện cảm giác tức nặng ngực; đau vùng ngực, lưng, hàm, cánh tay hoặc vùng thượng vị; mệt mỏi bất thường; đổ mồ hôi lạnh; buồn nôn, nôn; choáng váng hay chóng mặt đột ngột, nhịp tim nhanh... Các triệu chứng có thể thoáng qua, mơ hồ nên người bệnh cần cảnh giác. Nếu xuất hiện bất kỳ biểu hiện bất thường nào như trên, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế có khả năng can thiệp tim mạch để được chẩn đoán và xử trí kịp thời. “Giờ vàng” trong điều trị nhồi máu cơ tim là 1-2 giờ đầu kể từ khi khởi phát triệu chứng.

Bác sĩ Duy Trang cho biết, việc kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ đóng vai trò then chốt trong phòng tránh nhồi máu cơ tim. Những yếu tố nguy cơ gồm: Hút thuốc lá, lối sống ít vận động, chế độ ăn uống không hợp lý, tăng huyết áp, đái tháo đường, gout, rối loạn lipid máu… Ngoài ra, nguy cơ cũng tăng ở nam giới, người trung niên, người có tiền sử gia đình mắc bệnh tim mạch. Nếu thuộc nhóm có nguy cơ cao, cần chú ý khám sức khỏe định kỳ, điều chỉnh lối sống và kiểm soát tốt bệnh lý nền để giảm thiểu rủi ro nhồi máu cơ tim cũng như các bệnh lý tim mạch khác.