Đấu thầu xe buýt để nâng chất lượng phục vụ hành khách

TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2030, 100% xe buýt sử dụng năng lượng xanh, năng lượng điện. Thời gian qua, Sở Xây dựng TP.HCM đã triển khai nhiều giải pháp để nỗ lực hiện thực hóa điều này.
Trong đó, công tác đấu thầu được đánh giá là "chìa khóa" xanh hóa giao thông, nâng cao chất lượng phục vụ, thu hút hành khách đi xe công cộng.
Nhiều bạn đọc Tuổi Trẻ Online mong rằng ngành buýt TP.HCM cần đẩy mạnh hơn nữa công tác đấu thầu, sớm đồng bộ chất lượng xe buýt trên địa bàn.
Chất lượng phục vụ của xe buýt cải thiện
Chị Huỳnh Thi Mẫn, người dân TP.HCM cho biết, khoảng 2 năm gần đây, chị thường sử dụng xe buýt để đi lại. Chị chia sẻ thật sự ấn tượng với những tuyến buýt điện TP.HCM đã khai thác như tuyến D4; 17 tuyến buýt điện kết nối metro số 1 đem lại ấn tượng rất tốt về xe buýt trong lòng hành khách.
Xe buýt điện không chỉ xanh sạch bảo vệ môi trường mà còn có wifi, thanh toán nhanh phục vụ hành khách.
"Từ khi tuyến metro số 1 vận hành đến nay, tôi hay kết hợp đi tuyến xe buýt 163 (Cao đẳng Công Thương - THCS Phước Bình) để đến ga metro Bình Thái.
Yếu tố quan trọng khiến tôi tiếp tục chọn xe buýt chính là cách hành xử của tài xế, nhân viên. Họ thân thiện, nhiệt tình, điều đó đáng quý lắm," chị Mẫn chia sẻ thêm.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại diện Trung tâm Quản lý giao thông công cộng (thuộc Sở Xây dựng TP.HCM) cho biết từ năm 2022 đến nay, đơn vị được giao tổ chức đấu thầu, hoàn tất việc mời thầu và lựa chọn nhà thầu cho 45/108 tuyến xe buýt có trợ giá.
Đợt đấu thầu mới nhất vào tháng 5-2025 có tới 17 gói thầu được mở, bao gồm 37 tuyến xe buýt có trợ giá với quy mô lên đến 600 xe.
Sau thời gian đấu thầu, TP.HCM đã chọn được nhà thầu cho 37 tuyến xe buýt có trợ giá. Cụ thể như các tuyến số 85, 23, 145, 58, 87, 100, 107, 126, 71...
Dự kiến từ ngày 1-8, 37 tuyến buýt mới này sẽ chính thức lăn bánh phục vụ người dân đi lại với hàng trăm xe năng lượng xanh (tổng cộng 600 xe gồm 256 xe điện, 43 xe CNG và 301 xe diesel).
Thông qua đấu thầu, chất lượng dịch vụ xe buýt được kỳ vọng cải thiện và công cuộc xanh hóa ngành buýt cũng từng bước được triển khai.
Tiếp tục "lột xác" xe buýt để hút khách
Ông Lê Hoàn - phó giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng - cũng cho biết TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ có 100% xe buýt điện, sử dụng năng lượng xanh.
Trên cơ sở đó, các đơn vị thực hiện nhiều kế hoạch để thay phương tiện phù hợp lộ trình trên. Song song đó là cải thiện dịch vụ thân thiện, thông minh, an toàn thu hút hành khách đi xe buýt.
Có thể thấy, hàng trăm xe buýt thuộc 37 tuyến vừa đấu thầu được sử dụng xe buýt điện, năng lượng xanh theo đúng lộ trình chuyển đổi.
Thời gian tới, TP.HCM tiếp tục triển khai đấu thầu thêm 19 tuyến xe buýt (khoảng 300 xe) trong quý 3-2025. Ngoài ra, các tuyến còn lại sẽ được hoàn tất đấu thầu trong năm 2026.
Cùng với công tác đấu thầu, trung tâm còn tiếp tục nghiên cứu để đề xuất những chính sách, ưu đãi khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xe xanh, mạng lưới trạm sạc điện...
Bên cạnh đó, TP.HCM cũng đang từng bước hoàn thiện hệ thống thanh toán mở trên toàn mạng lưới, cho phép hành khách sử dụng thẻ ngân hàng, ví điện tử hoặc thẻ liên thông MultiPass để tiếp cận dịch vụ nhanh chóng, an toàn và tiện lợi. Vừa qua, ứng dụng MultiGo ra mắt góp phần giúp khách tìm tuyến buýt, tra cứu đường... nhanh chóng hơn.
Đây không chỉ là cải tiến công nghệ, mà còn là sự thay đổi trong tư duy phục vụ, khi đội ngũ tài xế, tiếp viên được khuyến khích chủ động đổi mới tác phong, hỗ trợ hành khách.