Nhảy đến nội dung

Dấu hiệu nào ung thư đại tràng? - Báo VnExpress

Trả lời:

Ung thư đại tràng gồm có 5 giai đoạn (từ 0 đến 4). Triệu chứng ung thư đại tràng giai đoạn sau như giai đoạn ba dễ nhận biết hơn so với giai đoạn một và hai. Ung thư đại tràng giai đoạn ba là giai đoạn tế bào ác tính ở đại tràng đã di căn đến các hạch bạch huyết cạnh đó nhưng chưa lây lan đến cơ quan xa như gan, phổi...

Người bệnh có thể bị tắc một phần ruột hoặc tắc ruột hoàn toàn do khối u trong đại tràng phát triển ngăn cản sự di chuyển của chất thải, chất lỏng, khí. Các triệu chứng như buồn nôn hoặc nôn, ăn mất ngon, chướng bụng, đau bụng, mệt mỏi, sút cân, thiếu máu... cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo ung thư đại tràng. Người bệnh có thể thấy máu đỏ tươi trong phân hoặc phân có màu nâu sẫm hoặc đen. Đau quặn bụng, táo bón, tiêu chảy, thay đổi thói quen đi tiêu như lắt nhắt hoặc cảm giác đi chưa hết phân.

Bạn có dấu hiệu đi ngoài bất thường nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa kiểm tra. Nếu nghi ngờ ung thư đại tràng, bác sĩ chỉ định nội soi, sinh thiết, chụp CT, MRI... để có kết luận chính xác.

Tỷ lệ sống của người bệnh ung thư đại trực tràng giai đoạn ba được cải thiện đáng kể nếu được phát hiện và điều trị kịp thời. Phương pháp điều trị chính cho bệnh nhân ở giai đoạn này là phẫu thuật kết hợp hóa trị hỗ trợ.

Mỗi người nên khám sức khỏe thường xuyên, tầm soát ung thư định kỳ. Người từ 45 đến 75 tuổi được khuyến cáo tầm soát ung thư đại tràng. Người thuộc nhóm nguy cơ cao như từng mắc ung thư đại tràng, trong gia đình có người bị hội chứng u tuyến, đa polyp đại tràng, nhiều người mắc ung thư đại tràng, viêm loét đại tràng, rối loạn di truyền gây tăng tiết chất nhầy trong phổi và đường tiêu hóa... nên tầm soát ung thư đại tràng định kỳ 1-2 lần mỗi năm.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Tiến Sỹ
Khoa Ung Bướu
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM

Độc giả gửi câu hỏi về bệnh ung thư tại đây để bác sĩ giải đáp