Nhảy đến nội dung
 

Đạo diễn Trịnh Lâm Tùng: Văn hóa dân gian Việt mở cánh cửa sáng tạo trong tôi

Ngày càng có nhiều ca khúc nhạc trẻ Việt chọn khai thác ca từ, nội dung từ các tác phẩm văn học nổi tiếng, các chuyện xưa, tích cũ hay chất liệu văn hóa dân gian.

Anh có thể chia sẻ về những kỷ niệm đầu tiên khi bắt đầu hành trình làm phim hoạt hình ? Điều gì đã thôi thúc anh chọn con đường này?

Tôi mê vẽ từ khi còn rất nhỏ, bắt đầu vẽ bằng những mẩu phấn trắng thừa của mẹ lên nền xi măng, rồi khi hết phấn tôi nhặt các mẩu gạch non, hay cây que mà vẽ lên đất dù ở bất cứ nơi đâu. Chính niềm tin rằng hình vẽ có thể kể chuyện, có thể lay động, dù nhỏ bé đã đưa tôi theo con đường này suốt tuổi thơ. Cho đến khi được tham gia học tập và làm việc vào đoàn phim Cuộc phiêu lưu của ong vàng - series phim hoạt hình vi tính đầu tiên của VN (do người thầy đầu tiên của tôi là NSND, đạo diễn Phạm Minh Trí thực hiện) thì tôi mới thực sự bước chân vào thế giới làm phim hoạt hình chuyên nghiệp.

Những ngày đầu học tập khó khăn vô cùng, ai cũng cần sắm cho mình một chiếc bàn vẽ chuyên dụng, đặc thù của họa sĩ hoạt hình. Chiếc bàn đó có mặt kính và đèn chiếu để nhìn xuyên thấu các lớp nét vẽ chuyển động. Khi đó tôi mới ra trường, ở trong một căn nhà trọ nhỏ, thiếu thốn đủ thứ. Trên đường đi làm về, tôi xin được một mảnh kính thừa của cửa hàng nhôm kính đầu ngõ, cùng với chiếc chậu nhựa rửa mặt và một bóng đèn tự chế, vậy là tôi đã có chiếc bàn vẽ đầu đời của mình. Tối hôm đó tôi đã say mê vẽ đến gần sáng. Chiếc "bàn chậu" là người bạn thân thiết bên tôi nhiều đêm trắng, giúp tôi hoàn thành các cảnh phim và kiếm được những đồng lương đầu đời. Thô sơ là vậy nhưng chứa đựng cả một ước mơ lớn trở thành họa sĩ vẽ phim hoạt hình chuyên nghiệp.

Từ một cậu bé thích vẽ bằng phấn và gạch non như vừa chia sẻ đến khi trở thành đạo diễn hoạt hình, anh đã trải qua những bước ngoặt nào đáng nhớ?

Tôi làm nhiều nghề để kiếm sống như chép tranh thuê, làm quảng cáo, thậm chí khắc bia mộ, bưng bê trong quán phở…, nhưng với tôi niềm đam mê dành cho hoạt hình là một điều thiêng liêng ăn sâu vào tiềm thức. Khi còn là bạn, vợ tôi luôn động viên tôi theo đuổi niềm đam mê này.

Được trở thành họa sĩ của Hãng phim hoạt hình VN là điều vô cùng hạnh phúc của tôi. Ở đó tôi được làm việc và học tập với những người thầy giỏi nhất trong nghề, với nhiều đạo diễn, họa sĩ tài năng để tìm kiếm kinh nghiệm.

Tuy vậy cuộc sống không dễ dàng. Khi chúng tôi lấy nhau, rồi con trai nhỏ chào đời năm 2007, có những lúc chúng tôi trả tiền thuê nhà trọ xong chỉ còn đủ tiền mua một hộp sữa cho con. Tôi thường xuyên phải nhịn đói đi làm, nhìn vợ con như vậy tôi buồn và lo lắng vô cùng. Tôi làm thêm nhiều việc như dạy thêm, vẽ minh họa sách báo, vẽ tranh tường…, làm thâu đêm để có tiền lo cho gia đình nhỏ. Cũng đôi lần tôi từng suýt bỏ nghề vì cuộc sống quá khó khăn, niềm tin có thể sống được bằng nghề hoạt hình ngày càng mong manh. Tuy nhiên với sự kiên trì, nỗ lực, các tác phẩm của tôi dần được công nhận, Tôi có thêm nhiều hợp đồng với thù lao tương xứng hơn. Đặc biệt khi đã tìm hiểu và nghiên cứu qua nhiều dòng phim, ngôn ngữ biểu đạt khác nhau, tôi cố gắng tìm cho mình một con đường riêng. Bước ngoặt lớn nhất có lẽ là khi tôi chọn quay về với văn hóa dân gian. Chính văn hóa dân gian Việt, với sự phong phú và đa nghĩa, đã mở cánh cửa sáng tạo trong tôi.

Hơn 20 năm làm nghề, anh đã đối mặt với những khó khăn và thách thức nào lớn nhất trong lĩnh vực hoạt hình tại VN?

Thách thức nhất là niềm tin vào giá trị nội tại của hoạt hình Việt, của văn hóa Việt liệu có chỗ đứng trong thị trường cạnh tranh gắt gao với các sản phẩm ngoại nhập. Nhiều khi tôi phải cố gắng tìm mọi cách để thuyết phục đối tác rằng, truyện cổ Việt, hoạt hình Việt nếu được đặt đúng tầm cũng đủ sức hấp dẫn và chạm vào trái tim khán giả toàn cầu. Tôi tin mỗi khung hình mình vẽ lên đều có thể lưu giữ được một phần văn hóa dân gian Việt.

Điều gì ở văn hóa dân gian VN hấp dẫn anh để anh chọn làm chất liệu chính cho những sản phẩm hoạt hình của mình?

Văn hóa dân gian là nơi tôi được gặp lại chính mình, mộc mạc, đầy ẩn dụ và sống động. Tôi không khai thác các chất liệu trong kho tàng văn hóa dân gian để phục dựng hay cố gắng miêu tả một cách thụ động nhàm chán, mà "làm mới" một cách cẩn trọng, bởi vốn văn hóa luôn có đặc tính giao thoa và tiếp biến. Tôi cảm nhận, sống trong nó để ngấm vào từng hơi thở, qua nhiều tác phẩm và quan trọng tôi tìm được trong đó sự mộc mạc, dung dị như vốn có của một dân tộc kiên cường, yêu hòa bình nhưng không kém phần hấp dẫn, hiện đại để bắt kịp với xu hướng điện ảnh trên thế giới.

Theo anh, sự phát triển của hoạt hình VN tới đây sẽ ra sao?

Sự xuất hiện của các phim chiếu rạp, các studio nội địa mạnh tay đầu tư nội dung tốt dựa trên các giá trị cốt lõi, khai thác văn hóa Việt là dấu hiệu rất đáng mừng. Khán giả bắt đầu có lại niềm tin với hoạt hình Việt, các nhà đầu tư cũng đã quan tâm hơn, các cấp lãnh đạo ngành cũng đã ít nhiều đồng hành và hỗ trợ. Quan trọng nhất là đã quá nhiều năm chúng ta mới có được những sản phẩm tốt để chinh phục khán giả, dù còn nhiều hạn chế. Nhưng tôi mong đừng để sự phát triển này bị "bẻ lái" bởi chạy theo thị hiếu ngắn hạn. Sự lan tỏa mạnh mẽ hơn của khán giả với tinh thần trách nhiệm của mỗi người sẽ giúp bảo tồn và phát huy những giá trị trường tồn của dân tộc.

Thời gian qua, nhiều sản phẩm giải trí - văn hóa Việt cũng khai thác chất liệu dân gian, văn hóa truyền thống; nhưng nếu không tạo được chất riêng thì không dễ ăn. Vậy trong quá trình sáng tạo, anh làm thế nào để cân bằng giữa việc giữ gìn tinh thần nguyên bản của văn hóa dân gian và việc làm mới để phù hợp với khán giả hiện đại?

Đó là một việc không hề dễ dàng. Chúng tôi phải lật đi lật lại nhiều lần những trang kịch bản với khối lượng kiến thức khổng lồ, nếu không khéo rất dễ rơi vào mê cung. Việc kết hợp giữa các tích truyện mang nhiều màu sắc khác nhau nhưng vẫn cần đảm bảo tính nhất quán của một kịch bản phim hoạt hình điện ảnh dài là một việc khó khăn, nhưng chúng tôi đã vượt qua để kể một câu chuyện tròn đầy trong Trạng Quỳnh nhí: Truyền thuyết Kim Ngưu. Tôi không cố gắng kể lại y nguyên vì điều đó là vô nghĩa và rất nhiều ấn phẩm thể loại khác đã làm rồi. Tôi chắt lọc, giữ tinh thần cốt lõi nhất, mang tính biểu tượng nhất, rồi tìm ra lối tiếp cận hiện đại, cách kể dung dị, gần gũi với cảm nhận ngày nay của khán giả hơn. Việc này giống như vẽ một bức tranh với những họa tiết mới trên nền giấy cổ.

Anh có thể nói rõ hơn về quá trình nghiên cứu và khai thác các yếu tố văn hóa dân gian trong phim Trạng Quỳnh nhí: Truyền thuyết Kim Ngưu?

Chúng tôi nghiên cứu và kết hợp nhiều câu chuyện từ văn hóa truyền miệng, điển tích, thần tích, lịch sử, dã sử hay huyền sử… Đó thực sự là một quá trình làm việc mất rất nhiều công sức và phải chắt lọc thật cẩn thận. Theo đó phải nhào nặn làm sao để đảm bảo các yếu tố kỹ thuật khắt khe của việc tạo nên một kịch bản điện ảnh, đẩy mạnh nhất các yếu tố mang tính đặc thù riêng biệt của thể loại phim hoạt hình 3D cùng sự nghiên cứu về thị trường, nhân khẩu học... Các yếu tố văn hóa dân gian đưa vào đều được lựa chọn kỹ càng ở trên nhiều phương diện: âm nhạc, câu chuyện, cảnh quan, kiến trúc, phục trang, ẩm thực, các câu thoại, phương ngữ... Tất cả nguyên liệu đó đan cài vào nhau một cách tự nhiên nhất để tạo ra không khí cho bộ phim nhưng không quên các vấn đề về tiếp nhận của khán giả ngày nay.

Hoạt hình Việt là một lĩnh vực "khó ăn" xét về yếu tố thương mại. Nhưng anh vẫn kiên trì với sân chơi chưa thể hái ra tiền trong hơn 20 năm. Nếu nói làm chỉ vì đam mê thì hơi phi thực tế, có phải vậy?

Tôi nghĩ nghề nào cũng vậy, đam mê thôi chưa đủ, đó là cả một quá trình nỗ lực học tập và làm việc không ngừng nghỉ. Với hoạt hình, có lẽ sự bền bỉ và thử lòng người lại càng cần hơn, bởi sự trưởng thành nghề cần một khoảng thời gian khá dài. Cũng không có nghề nào hái ra tiền cả, tất cả đều phải đánh đổi và trả giá bằng thời gian, công sức hay tiền bạc; hoạt hình cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên qua phân tích thị trường gần đây với sự bùng nổ của công nghệ thì việc sản xuất phim hoạt hình đã đem lại sự thành công không hề nhỏ, thậm chí tạo nguồn thu nhập "khủng" trong các ngành nghề mà các bạn trẻ yêu thích.

Có vẻ như hoạt hình Việt đang thu hút rất nhiều người trẻ?

Bản chất phim hoạt hình là sản phẩm mà khi sáng tác, sản xuất cần sử dụng vốn kiến thức đa dạng, phức hợp, phối trộn của nhiều loại hình nghệ thuật khác như hội hoạ, âm nhạc, nhiếp ảnh, đồ hoạ, điện ảnh... Chính vì thế môi trường làm việc cũng như sự sáng tạo luôn được kích thích mạnh mẽ và thu hút các bạn trẻ.

Các bạn trẻ rất giỏi, khả năng học các phần mềm mới rất nhanh và thích ứng tốt hơn thế hệ chúng tôi ngày trước rất nhiều. Các bạn được thừa hưởng một nền văn minh của công nghệ số, thế giới phẳng nên tiếp cận kiến thức mới dễ dàng, đầy đủ, nhanh chóng.

 Tác giả: Thu Thủy

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn