Đạo diễn Thụy Điển làm phim 30/4/1975: 'Tình yêu Việt Nam luôn trong tim' - Báo VnExpress

Đại sứ quán Thụy Điển ngày 25/4 trao tặng Việt Nam phim chưa từng công bố về ngày 30/4/1975 của đạo diễn Bo Öhlén. Dịp này, ông trò chuyện về quá trình thực hiện thước phim tài liệu.
- Ông thực hiện "Victory Việt Nam" như thế nào?
- Khi biết tin Việt Nam thắng trận cuối tháng 4/1975, chúng tôi lao ngay xuống đường để ghi lại khoảnh khắc người Thụy Điển ăn mừng. Lúc ấy, tôi và một số cộng sự, trong đó có Maria Merske - người sau này là vợ tôi - mới ngoài 20 tuổi, không giàu có và cũng chẳng đủ máy móc để tác nghiệp. May mắn, chúng tôi được bạn bè hỗ trợ, cho mượn một chiếc máy cũ.
Chúng tôi dùng phim 16 mm, ghi âm bằng băng 1/4 inch, kết nối cáp và bảng clap để đồng bộ âm thanh, hình ảnh. Máy quay rất nặng nên việc di chuyển khó khăn. Phim được biên tập trong phòng tối, trộn âm thanh rồi gửi đến phòng thí nghiệm làm bản sao quang học.
Quay video thời đó là khoản đầu tư lớn, bởi một cuộn phim 16 mm chỉ sử dụng được 10 phút và rất đắt. Chúng tôi làm việc với tinh thần tự nguyện, không cần ai trả công. Dù vất vả, tất cả đều thấy lâng lâng vui sướng. Nhiều tổ chức phi chính phủ sau đó cũng góp sức cho nhóm. Chúng tôi kêu gọi được một khoản quyên góp để gửi bản sao về Việt Nam. Nhưng bộ phim bị thất lạc.
Sau nửa thế kỷ, năm ngoái, chúng tôi tìm thấy một tệp dữ liệu ở Thư viện Hoàng gia, không có tiêu đề hay thông tin nhà sản xuất nhưng tôi nhận ngay ra đó chính là bộ phim năm xưa. Thật tuyệt vời khi xem lại, gợi nhắc lại trong tôi bao hình ảnh một thời. Tôi rất vui khi được gửi phim sang Việt Nam một lần nữa.
* Xem phim tài liệu "Victory Vietnam"

- Ông tâm đắc những chi tiết nào trong phim?
- Đó là hình ảnh hàng nghìn người Thụy Điển tự hào cầm cờ xuống đường. Lá cờ xanh đỏ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nhiều nóc nhà. Mọi người hát những bài ca hòa bình, giương cao biểu ngữ ủng hộ nhân dân Việt Nam. Không khí tràn ngập niềm vui, sự tự hào.
Chúng tôi cũng quay nhiều cảnh ở Kungsträdgården, công viên lớn ở Stockholm, nơi 15.000 người tụ họp để nghe bài phát biểu của Đại sứ Nguyễn Việt, ngày 1/5. Và ở một buổi kỷ niệm sau đó, nhà văn Thụy Điển Sara Lidman có phần chia sẻ ấn tượng về nỗi đau của người dân trong chiến tranh.
Thật đáng tiếc, tác phẩm chỉ được chia sẻ trong giới làm phim, chưa từng chiếu rộng rãi. Năm nay, một số đoạn phim dài khoảng một, hai phút xuất hiện trên truyền hình của đất nước chúng tôi. Nhiều người thuộc thế hệ của tôi vẫn luôn dành tình cảm sâu đậm cho Việt Nam.
- Ông từng tham gia phong trào phản chiến hướng về nhân dân Việt Nam như thế nào?
- Tôi tham gia tổ chức hỗ trợ Việt Nam của Thụy Điển có tên là United FNL Groups (De förenade FNL - grupperna), thành lập năm 1967. Ở tuổi đôi mươi, tôi cùng nhiều người trẻ có mặt trong các cuộc biểu tình, ngày ngày theo dõi tin tức về cuộc chiến. Đây là phong trào quần chúng lớn nhất của Thụy Điển đầu những năm 1970. Nhiều lớp học nâng cao nhận thức phản đối chiến tranh. Cựu Thủ tướng Thụy Điển Olof Palme khi đó cùng Đại sứ Việt Nam tại Stockholm cũng tham gia. Ông Palme là một người tuyệt vời và dám thể hiện cảm xúc.
Các tờ báo và Đài truyền hình Thụy Điển liên tục cập nhật và chính những bản tin này đã tạo động lực cho chúng tôi đứng lên phản chiến. Bức ảnh nổi tiếng nhất được đăng tải là cảnh "Em bé Napalm" Kim Phúc, hoảng loạn bỏ chạy khỏi bom. Vụ thảm sát ở Sơn Mỹ (Quảng Ngãi) và trận rải B52 trong đêm Noel năm 1972 ở Bắc Kạn khiến chúng tôi vô cùng đau buồn.
Chúng tôi cũng thấy hình ảnh những người nông dân đấu tranh mạnh mẽ. Thanh niên Thụy Điển cũng được truyền cảm hứng từ Chủ tịch Hồ Chí Minh về tinh thần bình đẳng, tự do. Nhiều tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh được dịch ra tiếng Thụy Điển.
- Những ký ức về mùa xuân chiến thắng của Việt Nam để lại dấu ấn trong ông như thế nào?
- Không chỉ với tôi mà với thanh niên Thụy Điển ngày ấy, chiến thắng của quân dân Việt Nam là sự kiện quan trọng, một nguồn cảm hứng lớn lao. Hai đất nước cách xa nhau, nhưng chúng tôi cảm nhận mọi người đều khao khát tự do.
Qua bộ phim, tôi chỉ muốn góp một chút công sức, để chứng minh các bạn không cô đơn. Tôi cho rằng trong bối cảnh ngày nay, phim là lời nhắc nhở về tinh thần hòa bình và độc lập.
Tôi từng đến Việt Nam năm 1979, khi quay một bản tin truyền hình về cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc. Tôi đã thăm Lạng Sơn và Hà Nội. Tiếc là sau này tôi vẫn chưa có cơ hội quay lại để ngắm nhìn Việt Nam trong hòa bình.
Bo Öhlén 77 tuổi, từng tốt nghiệp thạc sĩ Nghệ thuật tại Đại học Umeå. Ông từng đi làm giáo viên nhưng sớm nhận ra không phù hợp công việc giảng dạy. Năm 23 tuổi, ông bắt đầu làm việc tại Đài truyền hình Thụy Điển (Sveriges Television), gắn bó hơn 50 năm. Ông hiện có công ty chuyên sản xuất các bộ phim ngắn hướng đến xã hội, tập trung vào nhóm người khuyết tật.
Thu Hoài - Hà Thu - Minh Hoàng - Lộc Chung