Dân tộc đồng hành cùng tôn giáo: Kỳ vọng từ một nhiệm kỳ đổi mới!

Trong không khí chuyển mình của bộ máy quản lý Nhà nước trên khắp đất nước, sự ra đời của Bộ Dân tộc và Tôn giáo và Đại hội Đảng bộ lần thứ nhất đánh dấu một mốc đặc biệt quan trọng.
Lần đầu tiên, hai lĩnh vực từng được quản lý tách biệt nay được đặt trong một chỉnh thể thống nhất, mở ra cơ hội để dân tộc và tôn giáo là những nguồn lực đan cài, góp phần đưa đất nước phát triển mạnh mẽ và bền vững.
Hai bờ của một dòng chảy, giữ gìn niềm tin, củng cố cộng đồng
Thực tế từ lâu đã cho thấy, tôn giáo hiện diện một cách tự nhiên trong đời sống của nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số (DTTS). Từ phong tục, lễ hội, nếp sinh hoạt đến cách ứng xử… nhiều giá trị tôn giáo đã ăn sâu trong tâm thức người dân, trở thành một phần không thể tách rời của bản sắc văn hóa.
Và ngược lại, chính những đặc trưng văn hóa dân tộc lại là chiếc nôi để các tôn giáo lan tỏa trong đời sống thường nhật. Vì vậy, tôn giáo và dân tộc chưa bao giờ đứng tách biệt. Cả hai song hành như hai bờ của một dòng chảy, giữ gìn niềm tin, củng cố cộng đồng, nâng đỡ con người vượt qua gian khó và hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn.
Chính vì lẽ đó, trong nhiệm kỳ Đại hội lần thứ nhất của Đảng bộ Bộ Dân tộc và Tôn giáo, khi đặt trọng tâm vào đổi mới cách tiếp cận, chính sách tín ngưỡng, tôn giáo cần được nhìn nhận không chỉ như công cụ quản lý, mà là một nhân tố tích cực góp phần xây dựng niềm tin xã hội, tăng cường sự gắn kết trong cộng đồng và tạo nền tảng cho sự phát triển ổn định tại các vùng đồng bào DTTS và rộng hơn là cả đất nước.
Nhìn lại trong những năm qua, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với vùng đồng bào DTTS đã không ngừng được hoàn thiện. Các chương trình mục tiêu quốc gia, các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, giáo dục, y tế, cơ sở hạ tầng… đã góp phần từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa vùng đồng bào DTTS và vùng đồng bằng.
Tuy nhiên, đi cùng với những chuyển biến tích cực là những thách thức mới ngày càng rõ nét. Khoảng cách vùng miền vẫn có nguy cơ gia tăng trở lại, quá trình giảm nghèo diễn ra nhanh nhưng chưa thật sự bền vững. Không ít nơi còn phụ thuộc vào trợ cấp, thiếu động lực nội sinh để phát triển lâu dài. Đặc biệt, ở một số khu vực, các thế lực xấu đã và đang lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để kích động, gieo rắc nghi ngờ, chia rẽ lòng người, đe dọa sự ổn định của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Vì thế, cùng với các chính sách dân tộc, ở vùng sâu, vùng xa, nơi đời sống của bà con các dân tộc còn nhiều khó khăn, vai trò của tôn giáo càng trở nên rõ nét.
Các vị chức sắc tôn giáo không chỉ làm nhiệm vụ thiêng liêng trong đức tin, mà còn là người truyền dẫn đạo lý, cổ vũ lối sống tốt đẹp, giữ gìn phong tục, hòa giải xích mích, chăm lo cho người nghèo, gắn bó mật thiết với đời sống cộng đồng. Họ được tin tưởng không chỉ bởi vai trò tôn giáo, mà còn vì sự gần gũi, thấu hiểu và tận tụy với dân.
Khi tiếng nói từ cơ sở được lắng nghe
Ở Sốp Cộp, tỉnh Sơn La, trong những năm gần đây, nhiều hộ dân người Mông từng chịu ảnh hưởng bởi các luồng tư tưởng tôn giáo cực đoan đã dần thay đổi nhận thức nhờ sự kiên trì vận động của các già làng, trưởng bản và Người có uy tín theo đạo. Những cuộc trò chuyện nơi bếp lửa, những buổi sinh hoạt cộng đồng gắn liền với nghi lễ đạo Tin Lành, được lồng ghép khéo léo với việc tuyên truyền chính sách của Nhà nước, đã mang lại hiệu quả rõ rệt: bà con giữ được niềm tin tôn giáo, mà vẫn gắn bó với bản làng, với chính quyền và luật pháp.
Hay tại Tây Giang, Quảng Nam (nay là Đà Nẵng), nơi có đông đồng bào Cơ Tu sinh sống, nhiều năm qua, những già làng, Người có uy tín trong cộng đồng là những người được kính trọng, đã cùng chính quyền địa phương khôi phục nhiều lễ hội truyền thống gắn với đạo lý tổ tiên. Nhờ đó, lớp trẻ không chỉ hiểu hơn về cội nguồn dân tộc mình, mà còn tự hào giữ gìn bản sắc, tránh xa những lời dụ dỗ của các tổ chức tà đạo lợi dụng lòng tin của người dân.
Chính từ những thực tiễn ấy, chính sách tôn giáo trong nhiệm kỳ tới cần được đặt đúng vị trí: là “điểm tựa” tâm linh, có khả năng củng cố lòng tin, giữ gìn ổn định xã hội và khơi dậy nội lực trong cộng đồng. Không chỉ tập trung vào khía cạnh quản lý, chính sách hướng tới hỗ trợ và đồng hành, làm sao để tôn giáo thực sự là nguồn lực tinh thần tích cực, là “cầu nối” giữa người dân và chính quyền, là yếu tố thúc đẩy đoàn kết.
Vậy nên, một nhiệm kỳ đổi mới sẽ lắng nghe nhiều hơn từ cơ sở, từ chính những người đang sống trong vùng đồng bào DTTS, đang gắn bó với hoạt động tôn giáo thường ngày. Chính họ hiểu rõ điều gì đang vận hành tốt, điều gì còn bất cập, điều gì cần được điều chỉnh. Khi tiếng nói từ cơ sở được lắng nghe, chính sách sẽ đi vào đời sống một cách nhẹ nhàng và hiệu quả hơn rất nhiều.
Từ góc độ này, tôn giáo có thể đóng vai trò là “kênh kết nối mềm” giữa Nhà nước và người dân. Thông qua tôn giáo, các chủ trương, chính sách đến được với người dân một cách tự nhiên hơn, gần gũi hơn, bằng chính ngôn ngữ và niềm tin của họ. Những giá trị đạo đức mà các tôn giáo truyền tải, như sống thiện lương, biết chia sẻ, giữ gìn đoàn kết, kính trên nhường dưới… chính là những nền tảng đạo lý mà xã hội nào cũng cần.
Khi tôn giáo đồng hành cùng phát triển, những giá trị ấy không chỉ nâng đỡ tâm hồn con người, mà còn trở thành động lực tạo nên cộng đồng vững bền, ổn định, không dễ bị chia rẽ hay kích động bởi các luồng thông tin xấu độc từ bên ngoài.
Hơn thế, trong nhiệm kỳ mới, điều được chờ đợi là những bước chuyển thực chất, từ cách xây dựng chính sách đến cách tổ chức triển khai. Bởi tôn giáo là nguồn lực quan trọng góp phần xây dựng đất nước. Các chức sắc, tín đồ là những người cùng chung mục tiêu, hướng tới sự ổn định, phát triển và bình yên cho vùng đồng bào DTTS.
Và một khi tôn giáo được đặt đúng vị trí, các chính sách được xây dựng trên tinh thần đồng thuận, vùng đồng bào DTTS sẽ có thêm một nền tảng vững chắc để phát triển. Theo đó, “Dân tộc đồng hành cùng tôn giáo” không phải là một khẩu hiệu mà là một định hướng hành động, cùng hội tụ về một điểm, vì con người, vì cộng đồng.
Một nhiệm kỳ mới đang mở ra. Và trong đó, chính sách tôn giáo nếu được vận hành bằng sự thấu cảm và tinh tế, hoàn toàn có thể trở thành nhân tố góp phần xóa nhòa những khoảng cách, củng cố niềm tin xã hội và mở ra một giai đoạn phát triển thực chất tại vùng đồng bào DTTS. Bởi niềm tin, một khi được đặt đúng chỗ, luôn là khởi đầu vững chắc cho mọi sự đổi thay, phát triển bền vững.