Dân biên giới Thái Lan choáng váng khi xung đột leo thang

Trong gần hai tháng qua, Maneerat Kote-Bandit luôn trong trạng thái lo lắng, sợ rằng căng thẳng âm ỉ ở biên giới Thái Lan - Campuchia sớm muộn cũng sẽ leo thang. Người dân trong làng của Maneerat, thuộc tỉnh Ubon Ratchathani, gần khu vực tranh chấp giữa hai nước, đã được yêu cầu chuẩn bị sẵn túi đồ khẩn cấp phòng trường hợp giao tranh nổ ra.
"Chúng tôi liên tục theo dõi tin tức, luôn cảnh giác và tự hỏi: liệu hôm nay có phải ngày giao tranh xảy ra hay không", cô kể lại với Guardian.
Dù vậy, khi tiếng súng vọng đến làng vào sáng sớm 23/7, Maneerat vẫn cảm thấy choáng váng vì điều mình lo sợ đã trở thành sự thật.
Những tiếng nổ lớn xuất hiện đầu tiên từ khoảng 8-9h, loa phát thanh trong làng lập tức phát thông báo người dân sẵn sàng sơ tán. Hai cháu trai của Maneerat, 8 và 9 tuổi, được cho nghỉ học. Cả gia đình nhanh chóng lên xe bán tải. Khắp nơi trong làng, mọi người vừa chạy vừa hô hào "nhanh lên, nhanh lên" để sơ tán khỏi vùng giao tranh.
"Chúng tôi đều bất ngờ và sợ hãi, nhưng lựa chọn duy nhất vào lúc đó là phải bình tĩnh", Maneerat kể lại.
Họ được đưa đến khu lánh nạn gần một trung tâm hành chính tỉnh. Hơn 100 người được xếp chung một lán trại có mái che bằng kim loại, được phát các tấm chiếu tre để nghỉ ngơi tạm thời.
Gia đình Maneerat nằm trong số hơn 130.000 người đã được sơ tán ở 4 tỉnh biên giới Thái Lan gồm Ubon Ratchathani, Si Sa Ket, Surin và Buri Ram sau khi xung đột bùng phát.
Bộ Nội vụ Thái Lan thông báo người sơ tán đang được đưa đến 295 địa điểm an toàn, cách xa vùng giao tranh. Riêng tại tỉnh Si Sa Ket, chính quyền địa phương đã thiết lập 149 điểm lánh nạn với sức chứa tổng cộng 93.500 người.
Kế hoạch sơ tán được thực hiện bởi các trưởng làng và tình nguyện viên an ninh, sử dụng phương tiện do chính phủ cung cấp. Quân đội Thái Lan cấm toàn bộ người sơ tán quay về nhà cho đến khi có thông báo mới, do lo ngại nguy cơ an ninh vẫn còn. Lực lượng an ninh và cảnh sát đã được triển khai để bảo vệ tài sản mà người dân bỏ lại.
"Chúng tôi đã quen với khó khăn, nhưng thật sự chưa bao giờ phải trải qua tình cảnh thế này", In Chanthathep, 72 tuổi, đang lánh nạn cùng trung tâm với Maneerat, chia sẻ.
Cả đời bà sống ở huyện Nam Yuen, tỉnh Ubon Ratchathani, nhưng chưa từng nghe thấy tiếng súng nổ gần nhà đến vậy. "Tôi hoảng loạn ngay khi nghe tiếng nổ lớn", bà kể.
Bà không kịp thu dọn đồ đạc gì vì mọi chuyện xảy ra quá đột ngột. Người con trai đã phải bế bà lên xe và chở đến nơi trú ẩn. Dù điều kiện tại cơ sở lánh nạn còn nhiều hạn chế, Chanthathep nói rằng chỉ cần an toàn đã là quá đủ. Bà đã nhận được quần áo từ thiện, một chiếc gối và đăng ký chờ phát chăn ấm.
"Ở đây còn tốt hơn ở nhà. Tôi đi đâu cũng được, miễn không phải nghe tiếng bom rơi đạn nổ. Ở đây tôi thấy yên tâm hơn", bà chia sẻ, khi đang chờ các tình nguyện viên gọi tên những người sắp được phát đồ dùng cá nhân và nhu yếu phẩm.
Theo thiếu tướng Noratip Poynok, phó tư lệnh Quân khu 2, Quốc vương Thái Lan Vajiralongkorn đã chỉ thị "bảo trợ hoàng gia" cho tất cả dân thường bị ảnh hưởng bởi xung đột ở khu vực biên giới. Người bị thương sẽ được chăm sóc dưới sự bảo trợ của hoàng gia. Mọi ngôi nhà bị hư hại sẽ được sửa chữa bằng tiền của nhà vua.
Giới chức Thái Lan cho biết xung đột đã khiến 20 người thiệt mạng, bao gồm 14 dân thường và 6 quân nhân, hàng chục người bị thương. Bộ Quốc phòng Campuchia cho biết 13 người thiệt mạng, ít nhất 71 người bị thương. Cả hai nước đều đổ lỗi cho nhau khơi mào giao tranh và tiếp tục leo thang xung đột.
Đại sứ Campuchia tại Liên Hợp Quốc Chhea Keo ngày 25/7 đã đề xuất lệnh ngừng bắn ngay lập tức và vô điều kiện ở biên giới Thái Lan - Campuchia, đồng thời kêu gọi giải quyết bất đồng bằng biện pháp hòa bình.
Tuy nhiên, giao tranh trên thực địa chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi chính phủ Thái Lan tuyên bố thiết quân luật ở 8 huyện thuộc hai tỉnh phía nam đường biên giới gồm Chanthaburi và Trat, sau đó cáo buộc phía Campuchia mở thêm mũi tấn công mới.
Tại huyện Det Udom thuộc tỉnh Ubon Ratchathani, nơi bà In và Maneerat đang lánh nạn, hơn 60 điểm cứu trợ đã được thiết lập gần trung tâm hành chính, trường học và nhà chùa.
Hai công chức đang điều hành khu trú ẩn là Phusita Boottarat, 36 tuổi, và Kamonwan Homsub, 27 tuổi, đều sốc trước tốc độ leo thang quá nhanh của xung đột lần này. Khi còn là học sinh, họ từng đi tham quan các di tích lịch sử ở biên giới. Họ chưa từng nghĩ những điểm du lịch đó giờ lại trở thành chiến trường.
Maneerat cầu mong tình hình sớm trở lại bình thường. Cô làm việc trong một nhà máy sản xuất bột cùng các chị em gái, nhưng cơ sở này đã phải tạm đóng cửa vì giao tranh. Họ chưa nhận được tin tức nào về chế độ tiền lương.
Cô nói rằng ngay cả khi xung đột lắng xuống, sinh kế và đời sống của người dân vùng biên chắc chắn sẽ thay đổi. Người Campuchia và Thái Lan trước đây thường xuyên qua lại biên giới để làm ăn, buôn bán, đến mức nhiều người Campuchia ở vùng biên nói thông thạo tiếng Thái.
"Nếu hai bên có thể đàm phán, thỏa hiệp ngay từ đầu, tình hình đã chẳng leo thang đến mức này. Điều duy nhất tôi có thể làm lúc này là hy vọng", Maneerat nói.
Thanh Danh (Theo Bangkok Post, Guardian, Khaosod)