Nhảy đến nội dung
 

Đại lễ Vesak 2025: Nhiều ngôi chùa dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè rực rỡ mừng Phật đản

Những ngày tháng 4 âm lịch, nhiều ngôi chùa dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (TP.HCM) trang trí rực rỡ cờ hoa mừng đại lễ Phật đản.

Đại lễ Phật đản ở Việt Nam được tổ chức từ mùng 8.4 đến rằm tháng tư âm lịch hằng năm. Năm nay, TP.HCM lần đầu vinh dự đăng cai tổ chức đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc từ ngày 6 - 8.5 nên không khí mừng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đản sinh rộn ràng khắp nơi.

Trước đó, từ ngày 3.5, đông đảo tăng ni, phật tử, người dân từ các nơi đã đến chùa Thanh Tâm (H.Bình Chánh) chiêm bái xá lợi Phật lần đầu được tôn trí tại Việt Nam.

Những ngày này, nhiều ngôi chùa ở TP.HCM cũng rực rỡ cờ Phật giáo, hoa sen trang trí mừng Đức Phật đản sinh. Dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, kéo dài từ Q.Tân Bình, qua Q.3, Phú Nhuận đến Q.Bình Thạnh... những ngôi chùa nằm hai bên bờ kênh trang trí tôn tượng Đức Phật đản sinh, đèn lồng, hoa sen, cờ... rực rỡ.

Thượng tọa Thích Trí Chơn, Phó trưởng ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Văn hóa Phật giáo TP.HCM cho biết, đại lễ Phật đản là kỷ niệm ngày ra đời của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni vào năm 623 trước Công nguyên. Năm 80 tuổi, Ngài viên tịch, được bắt đầu tính là năm Phật lịch.

Truyền thống của Việt Nam kỷ niệm ngày ra đời của Đức Phật Thích Ca là mùng 8.4 âm lịch. Năm 1950, Đại hội Liên hữu Phật giáo thế giới họp 26 quốc gia và vùng lãnh thổ (trong đó có Việt Nam) để thành lập Hội Liên hữu Phật giáo thế giới, công nhận ngày trăng tròn tháng 4 là ngày Đức Phật ra đời. Từ đó, Phật giáo Việt Nam lấy ngày trăng tròn tức là ngày rằm tháng 4 là ngày quyết định cho sự kiện này.

Tuy nhiên để kết hợp với truyền thống và Phật giáo toàn cầu, Việt Nam đưa ra mùa Phật đản, không còn là một ngày nữa mà bắt đầu từ mùng 8.4 đến rằm tháng tư.