Đại hội Đảng bộ Bộ Dân tộc và Tôn giáo lần 1: Đích đến là để phục vụ đồng bào tốt hơn
Đại hội Đảng bộ Bộ Dân tộc và Tôn giáo lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2025 - 2030 được kỳ vọng sẽ định hình phương thức lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo phù hợp với điều kiện mới, với đích đến là để phục vụ đồng bào tốt hơn.
Trong bối cảnh chính quyền địa phương hai cấp chính thức đi vào hoạt động, việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh đã được triển khai, Đại hội Đảng bộ Bộ Dân tộc và Tôn giáo lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2025 - 2030 được kỳ vọng sẽ định hình phương thức lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo phù hợp với điều kiện mới, với đích đến là để phục vụ đồng bào tốt hơn.
Nhân sự kiện trọng đại này, Báo VietNamNet đã ghi nhận những ý kiến tâm huyết của lãnh đạo các Sở Dân tộc và Tôn giáo hướng về Đại hội.
Ông Lâm Hoàng Mẫu, Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo TP. Cần Thơ: Đại hội Đảng bộ Bộ Dân tộc và Tôn giáo lần thứ nhất có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc định hình phương thức lãnh đạo, chỉ đạo phù hợp với điều kiện mới. Đại hội sẽ giúp thống nhất nhận thức và hành động trong toàn Đảng bộ, đảm bảo sự kế thừa, ổn định nhưng cũng năng động, sáng tạo để thích ứng với tổ chức bộ máy mới sau sáp nhập.
Tôi tin tưởng rằng, Đại hội sẽ lựa chọn được Ban Chấp hành Đảng bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có năng lực, trách nhiệm và dám nghĩ, dám làm để lãnh đạo ngành Dân tộc và Tôn giáo hoàn thành tốt nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Đại hội sẽ là nơi khơi nguồn cho những đổi mới mạnh mẽ về tư duy, phương pháp tiếp cận trong công tác tham mưu chính sách, đặc biệt là về phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS, đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo hợp pháp của người dân, đồng thời tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong điều kiện địa bàn hành chính có sự điều chỉnh.
Thành công của Đại hội sẽ góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng công tác dân tộc, tôn giáo, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và ổn định chính trị - xã hội của địa phương trong những năm tới; góp phần củng cố niềm tin của đồng bào các dân tộc, tôn giáo vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, vào tương lai phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới.
Ông Cầm Bá Tường, Phó Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Thanh Hóa: Đại hội Đảng bộ Bộ Dân tộc và Tôn giáo lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2025 - 2030 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mở ra một trang sử mới quan trọng, một chặng đường mới cho sự nghiệp vì sự phát triển các DTTS và đồng bào có đạo trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Chúng tôi kỳ vọng vào Ban Chấp hành Đảng bộ - những người thực sự gương mẫu, tiêu biểu về bản lĩnh chính trị vững vàng, trí tuệ cao, có tầm nhìn và tư duy đổi mới, có năng lực, có uy tín nổi trội; thực sự là trung tâm đoàn kết, trong sạch, vững mạnh, thống nhất ý chí và hành động; thật sự tận tụy với nhiệm vụ được giao, không đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm hoặc không dám làm.
Tôi cũng mong chờ bộ máy mới sẽ không có biểu hiện cơ hội chính trị, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “lợi ích nhóm”; không vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tất cả vì sự phát triển của Đảng bộ, cơ quan Bộ, vì sự phát triển của các DTTS Việt Nam mà phục vụ.
Trong bối cảnh chính quyền hai cấp đi vào hoạt động, bước đầu, chắc chắn sẽ không thể tránh khỏi sự bỡ ngỡ, lúng túng. Vì vậy, cùng với việc tiếp tục làm tốt công tác tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng để trình Quốc hội ban hành các chính sách dân tộc, chính sách tín ngưỡng, tôn giáo thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ thì trước mắt, Bộ Dân tộc và Tôn giáo cần tập trung khẩn trương rà soát, điều chỉnh, bổ sung hoặc ban hành mới các hướng dẫn nghiệp vụ về thực hiện các chính sách dân tộc và các chính sách liên quan về tôn giáo, tín ngưỡng.
Trong đó, cần quan tâm đến các công trình, dự án đã hoàn thành đang chờ quyết toán và các chính sách, công trình, dự án đang thực hiện dở dang bảo đảm đúng pháp luật, thống nhất, đồng bộ và phù hợp với thực tiễn.
Ông Vũ Văn Công, Phó Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo Điện Biên: Chính quyền hai cấp khi vận hành từ ngày 1/7 đã mở ra những cơ hội rất lớn trong việc thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo, nhất là về sự gần dân, linh hoạt, hiệu quả. Song song, chúng ta phải thận trọng trước những thách thức để không phụ lòng tin của đồng bào, bảo vệ bản sắc văn hóa thiêng liêng đã được tổ tiên gìn giữ.
Trong bối cảnh đó, Đại hội Đảng bộ Bộ Dân tộc và Tôn giáo có ý nghĩa then chốt nhằm củng cố tổ chức, thống nhất nhận thức, hành động và phát huy sức mạnh tập thể trong thực hiện nhiệm vụ chính trị đặc thù, mà còn khẳng định sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng đối với lĩnh vực này, tạo tiền đề vững chắc cho việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy các giá trị văn hóa, tôn giáo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đại hội lần này có vai trò định hướng, dẫn dắt và truyền cảm hứng để toàn thể cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ phát huy tinh thần đoàn kết, nâng cao năng lực công tác, chủ động tham mưu, đề xuất các giải pháp phù hợp, bảo đảm công tác dân tộc, tôn giáo tiếp tục được quan tâm, triển khai hiệu quả, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước.
Bà Chu Thị Ngọc Diệp, Giám đốc của Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Tuyên Quang: Đại hội Đảng bộ Bộ Dân tộc và Tôn giáo lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2025 - 2030 có ý nghĩa rất quan trọng, đánh dấu bước phát triển mới của công tác dân tộc, tôn giáo trong tình hình mới. Đây không chỉ là sự kiện chính trị đặc biệt, mà còn là dấu mốc lịch sử phát triển của ngành.
Từ đó khẳng định quyết tâm đổi mới tư duy phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức bộ máy, giúp công tác dân tộc, tôn giáo ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Trong bối cảnh chính quyền hai cấp đi vào hoạt động, Đại hội càng có ý nghĩa then chốt. Một mặt, việc tổ chức thành công Đại hội tiếp tục củng cố hoàn thiện bộ máy chính quyền cấp tỉnh, tạo đồng thuận trong xây dựng khối đoàn kết các dân tộc, tôn giáo.
Mặt khác, đặt ra những mục tiêu, phương hướng mới để thích ứng với quy mô địa bàn mở rộng, đặc thù lĩnh vực dân tộc và tôn giáo đa dạng, vĩ mô hơn. Góp phần bảo đảm ổn định chính trị - xã hội, phát triển kinh tế - văn hóa - quốc phòng - an ninh ở vùng đồng bào DTTS và các vùng có đông tín đồ tôn giáo sinh sống.