Nhảy đến nội dung
 

Dai dẳng ăn xin, múa lửa ở đô thị: Thu nhập người cho có khi thua cả người xin

Tình trạng ăn xin có dấu hiệu bị chăn dắt không phải chuyện lạ với nhiều người dân các TP lớn. Nhiều kẻ chăn dắt ăn xin đã lợi dụng lòng tốt của mọi người nhằm trục lợi bất chính. Vì sao dẹp mãi chưa xong thực trạng này?

Những đứa trẻ bị bắt đội nắng đi xin tiền ở mấy ngã ba, ngã tư; những người khuyết tật phải ngồi lề đường bán tăm bông, lê lết ngoài phố để kiếm tiền. Nay họ đến cả những quán ăn, các chợ, hẻm nhỏ...

Hảo tâm nhưng tỉnh táo 

Nhiều đứa trẻ trai đang tuổi học hành lại chọn cách ra đường phun lửa để xin tiền. Nhiều kẻ còn tự giả dạng thành người khiếm khuyết hay đang gặp hoàn cảnh éo le (bệnh hiểm nghèo, bị mất tiền...) để xin hỗ trợ, xin tiền xăng xe.

Đã có nhiều người vô tình gặp lại người mình đã từng cho tiền trên đường, thật không biết nói gì thêm khi thấy họ đi ăn món đắt tiền hoặc đếm bộn tiền ở góc nào đó. Lòng tin đã bị trấn lột.

Nhiều khi đọc thấy một bài báo phanh phui chuyện chăn dắt trẻ em, người khuyết tật, nhiều người mới thấy giận. Trong khi đó bao người hảo tâm vẫn dừng xe bên đường cho người xin tiền 5.000-10.000 đồng, công nhân có, học sinh sinh viên cũng có.

Tôi nghĩ tiền lương hằng ngày của người cho tiền có khi còn ít hơn thu nhập của người được cho tiền. Và nhiều người chăn dắt họ hưởng lợi.

Với truyền thống "lá lành đùm lá rách", "tương thân tương ái" của người Việt, thì việc làm từ thiện, cho tiền ăn xin là điều dễ hiểu. Tuy nhiên thiện không đúng chỗ là ác, ác đúng chỗ lại là thiện.

Việc cho tiền những đối tượng ăn xin trên đường phố đã vô tình tiếp tay cho nạn chăn dắt ăn xin tồn tại. Nhiều người nghĩ cho vài ba đồng cũng chẳng đáng là bao, thà cho lầm còn hơn bỏ sót một hoàn cảnh đáng thương.

Tuy nhiên khi việc cho tiền vẫn còn tiếp diễn, những kẻ chăn dắt vẫn tiếp tục trục lợi từ những người yếu thế. Chỉ cần còn kiếm được tiền, chúng sẽ không từ bỏ việc xấu xa. Chúng chẳng phải tốn mấy công sức mà cũng có nguồn thu nhập không nhỏ.

Theo tôi, mỗi người dân cần chung tay dẹp nạn chăn dắt ăn xin, từ hành động nhỏ nhất chính là không cho tiền, không hỗ trợ các đối tượng thường xuyên ngồi ở các ngã ba, ngã tư với những chiêu bài lừa đảo đã từng đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Xử nặng những kẻ chăn dắt

Tôi thấy an lòng hơn khi tình trạng xin tiền ở giao lộ TP.HCM (có vẻ) giảm khi nhiều bảng điện tử trên đường phố TP chạy dòng chữ nhắc cộng đồng không cho tiền người ăn xin, hỗ trợ đúng nơi đúng người.

Không cho tiền người ăn xin và phản ảnh ngay với cơ quan chính quyền nếu thấy có những hiện tượng chăn dắt ăn xin, đó là việc cần làm. Đây cũng là cách để cơ quan chức năng điều tra, hỗ trợ những hoàn cảnh thật sự cần giúp đỡ, tránh việc người yếu thế bị lạm dụng sức khỏe, tinh thần.

Việc nâng cao chính sách phúc lợi, lập các quỹ bảo trợ xã hội kết hợp với ủy ban trật tự đô thị, thường xuyên tuần tra, đưa các đối tượng cần giúp đỡ, vô gia cư, người yếu thế vào các trung tâm bảo trợ để chăm sóc, nuôi dưỡng cũng là việc quan trọng.

Người dân sẽ giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn thông qua những tổ chức bảo trợ uy tín của chính quyền thay vì tiếp tục cho tiền ngoài phố.

Việc chăn dắt ăn xin mới chỉ bị xử phạt hành chính trong nghị định 130/2021/NĐ-CP đối với việc người bị chăn dắt là trẻ em.

Nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với các tội danh như cố ý gây thương tích, gây tổn hại sức khỏe, hành hạ người khác, làm nhục người khác, vi phạm quy định về sử dụng lao động dưới 16 tuổi...

Hiện chưa có quy định mức xử lý đối với hành vi chăn dắt ăn xin, cũng như không có quy định xử phạt hành chính nào nếu đối tượng bị chăn dắt không phải là trẻ em. Nhà nước cần xử lý mạnh tay hơn các trường hợp này khi đưa thêm những quy định pháp luật nhằm xử phạt, răn đe đối tượng thực hiện việc chăn dắt ăn xin.

Nếu chỉ xử phạt hành chính trong trường hợp đối tượng bị chăn dắt là trẻ em, với số tiền không lớn sẽ không đủ sức răn đe bởi số tiền kẻ chăn dắt nhận được có thể lớn hơn rất nhiều.

Dẹp nạn chăn dắt ăn xin cần một kế hoạch chi tiết dài hạn, liên tục, triệt để của cả xã hội. Việc phối hợp, đồng lòng giữa người dân và chính quyền trong vấn đề này sẽ giúp nâng cao hiệu quả, hạn chế tình trạng "bắt cóc bỏ đĩa" như lâu nay.

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn