Đại biểu Trần Khánh Thu: 'Dạy thêm, học thêm là nhu cầu'

Trong phiên thảo luận về dự thảo Luật Nhà giáo tại Quốc hội sáng 6/5, đại biểu Trần Khánh Thu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình) nêu thực trạng nhiều học sinh tự nguyện tham gia các lớp học ngoài giờ như tiếng Anh, văn hóa, nhạc, mỹ thuật. Vì vậy, việc dạy thêm, học thêm "nên được xem là nhu cầu chính đáng của học sinh và gia đình".
Theo nữ đại biểu, giáo viên có nhu cầu tăng thu nhập và việc dạy thêm là một cách hợp lý để họ làm điều đó. Sau giờ dạy ở trường, họ có thể dạy thêm để tăng thu nhập. Điều này "không có gì sai trái".
Tuy nhiên, bà nhấn mạnh rằng phải ngăn chặn tình trạng lợi dụng việc dạy thêm để ép buộc học sinh tham gia vì có thể dẫn đến những hệ lụy tiêu cực. "Tôi không chấp nhận việc giáo viên ép buộc học sinh hoặc trục lợi từ việc dạy thêm", đại biểu tỉnh Thái Bình nói.
Để giải quyết vấn đề này, bà Thu đề xuất cần có quy định để tổ chức dạy thêm, học thêm giống như các loại hình dịch vụ khác. Việc này sẽ giúp đưa hoạt động dạy thêm vào nề nếp và giảm thiểu các tiêu cực. Dự thảo Luật Nhà giáo cần có điều khoản quy định "cấm giáo viên tham gia dạy thêm trái quy định" thay vì chỉ cấm "ép buộc học sinh học thêm dưới mọi hình thức", vì quy định hiện tại chưa mang lại hiệu quả như mong muốn.
Bà đề nghị Chính phủ hoặc Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng bộ tiêu chí về dạy thêm, học thêm và các quy chế đặc thù để hạn chế tình trạng dạy thêm tự phát, lãng phí, không cần thiết.
Đại biểu Tô Văn Tám (Ủy ban Pháp luật và Tư pháp) cho rằng nên nhìn nhận dạy thêm, học thêm từ góc độ khối lượng chương trình học. Nếu chương trình và phương pháp dạy ở trường hiệu quả, giúp học sinh nắm vững kiến thức tại lớp, các em sẽ không có nhu cầu học thêm.
"Chúng ta cần xem chương trình dạy và học hiện tại có quá tải hay không? Có cần thiết phải giảm tải chương trình và lượng kiến thức cho học sinh hay không?", ông đặt vấn đề.
Theo báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Luật Nhà giáo, có đại biểu đề nghị bổ sung quy định về quyền dạy thêm của nhà giáo và làm rõ hơn quy định "cấm ép buộc học sinh học thêm dưới mọi hình thức". Một số đại biểu cũng đề xuất quy định giáo viên không được dạy thêm cho học sinh mình trực tiếp giảng dạy.
Dù vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định việc dạy thêm, học thêm xuất phát từ nhu cầu của cả người học lẫn người dạy. Dự thảo luật đã quy định cấm ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức. Việc tổ chức, quản lý hoạt động này cần được quy định cụ thể trong các văn bản hướng dẫn thi hành để tạo hành lang pháp lý quản lý chặt chẽ.
Đầu tháng 1, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành thông tư cấm giáo viên dạy thêm có thu tiền cho học sinh lớp mình ở bên ngoài. Thông tư cũ quy định giáo viên được dạy thêm cho học sinh chính khóa bên ngoài trường nếu có sự đồng ý của hiệu trưởng.
Vũ Tuân