Đại biểu: Người từ 16 tuổi góp vốn thành lập doanh nghiệp, mở quán trà sữa tại sao không?

Sáng 20-5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp.
Theo quy định cá nhân được góp vốn thành lập doanh nghiệp là từ 18 tuổi trở lên, nhưng Đại biểu Phan Đức Hiếu (đoàn Thái Bình) đề nghị hạ mức xuống 16 tuổi được tham gia góp vốn, thành lập doanh nghiệp.
Giảm độ tuổi góp vốn thành lập doanh nghiệp
Lý do là trong hệ thống luật pháp hiện nay, quy định trẻ em từ dưới 16 tuổi, 16 tuổi trở lên không còn là trẻ em. Về quy định độ tuổi lao động là từ 15 tuổi trở lên có quyền lao động. Về năng lực hành vi dân sự, người chưa đủ 18 tuổi chưa có đủ năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
Tuy nhiên cũng có quy định người từ đủ 15 tuổi trở lên có thể tự xác lập được hành vi, giao dịch dân sự, trừ quyền sử dụng đất, bất động sản. Vì vậy, ông Hiếu cho rằng người từ 15 tuổi trở lên nếu có tiền, hoàn toàn có thể có quyền tự thực hiện hành vi dân sự, có quyền góp vốn và tham gia doanh nghiệp.
“Ví dụ như một học sinh cấp hai có định hướng nghề nghiệp, học trường cao đẳng nghề, mở một cửa hàng bán trà sữa, tại sao không cho họ có quyền này? Vì vậy tôi đề nghị người tham gia góp vốn thành lập doanh nghiệp là với người từ đủ 16 tuổi trở lên được tham gia góp vốn thành lập doanh nghiệp” - ông Hiếu nói.
Tuy nhiên đề xuất mở rộng góp vốn lập doanh nghiệp với người 16 tuổi trên được ông Đồng Ngọc Ba - ủy viên Ủy ban Pháp luật và Tư pháp - bày tỏ quan điểm "cần rất cân nhắc". Bởi hơn chục năm qua đã quy định rõ các quyền lập, điều hành doanh nghiệp.
Quyền thành lập, quản trị doanh nghiệp theo ông, cần đòi hỏi năng lực quản trị. Thực tế, điều 17 khoản 2 đã phân biệt rõ quyền thành lập, quản lý được phân tách rõ.
“Chúng ta không cấm, từ lâu đã thừa nhận quyền góp vốn của người chưa thành viên. Nhìn chung cá nhân nào có tài sản đều có quyền góp vốn lập doanh nghiệp. Chỉ cấm một số nhóm nhất định theo quy định như cán bộ công chức, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân… tránh xung đột lợi ích” - ông Ba nói.
Điều này theo đại biểu, người được góp vốn rất rộng, chứ không phải chỉ những người 16 tuổi trở lên để huy động nguồn lực xã hội.
Nhắc lại quan điểm của đại biểu Hiếu về “quyền tham gia góp vốn thành lập, người từ 16 - 18 tuổi có thể tham gia thành lập doanh nghiệp”, ông Ba cho rằng người thành lập doanh nghiệp là sáng lập viên.
Song nếu các sáng lập viên chưa thành niên thì việc quản lý, điều hành sẽ khó khăn, tác động lớn đến xã hội. Vì vậy phải đánh giá kỹ lưỡng, khi một doanh nghiệp tham gia vào nhiều quan hệ kinh tế mà sáng lập doanh nghiệp chưa thành niên thì cần cân nhắc.
Bắt buộc giảm vốn điều lệ khi mua cổ phần từ cổ đông là thủ tục hình thức
Về quy định bắt buộc công ty cổ phần giảm vốn điều lệ khi mua lại cổ phần từ cổ đông, đại biểu Đỗ Đức Hiển (đoàn TP.HCM) cho rằng đang bộc lộ bất cập. Cũng bởi việc mua lại cổ phần để sử dụng cho mục đích giảm vốn điều lệ chỉ là một trong số các trường hợp doanh nghiệp mua lại cổ phần từ cổ đông.
Việc buộc giảm vốn điều lệ sau mua lại cổ phần khiến công ty không thể duy trì cổ phiếu quỹ, trong khi đây là công cụ cần thiết trong hoạt động quản lý, điều hành doanh nghiệp, thường được sử dụng để thưởng cho nhân viên hoặc cải thiện một số chỉ tiêu tài chính như tỉ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu và tỉ suất thu nhập trên cổ phần.
Mặt khác, việc mua lại cổ phẩn cũng là một trong các giải pháp tài chính quan trọng của công ty cổ phần, nhất là trong trường hợp giá trị cổ phiếu của công ty bị sụt giảm trên thị trường giao dịch so với giá trị thực tế do tác động của một số yếu tố bất thường.
Đại biểu Hiển dẫn chứng vừa qua đợt lao dốc của thị trường chứng khoán trước tác động của việc Mỹ áp dụng chính sách thuế quan mới, nhiều công ty muốn mua lại cổ phiếu của chính mình nhằm bảo toàn giá trị tài sản và có thể bán ra khi thị trường đi vào ổn định nhưng không thể thực hiện được.
Trong khi việc quy định phải đăng ký giảm vốn điều lệ là thủ tục rất hình thức, không cần thiết và cách quy định này không còn phù hợp với chủ trương đổi mới tư duy xây dựng và tổ chức thực thi pháp luật.
Vì vậy cần giảm thiểu sự can thiệp và xóa bỏ các rào cản hành chính, chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát.