Nhảy đến nội dung
 

Đã có hacker “nằm vùng” trong hệ thống của doanh nghiệp suốt 9 tháng

Nhận định tấn công có chủ đích đang không ngừng gia tăng, đại diện Trung tâm An ninh mạng quốc gia thuộc A05 (Bộ Công an) cũng chia sẻ thực tế đã có hacker “nằm vùng” trong hệ thống của doanh nghiệp suốt 9 tháng trước khi tấn công.

Đứng sau nhiều cuộc tấn công mạng là các tổ chức tiềm lực lớn

Chia sẻ tại tọa đàm “Mức độ trưởng thành của doanh nghiệp, tổ chức Việt Nam trong việc sẵn sàng ứng phó các sự cố” do Hiệp hội An ninh mạng quốc gia - NCA tổ chức ngày 21/5, thiếu tá Trần Trung Hiếu, Phó Giám đốc Trung tâm An ninh mạng quốc gia, đơn vị nghiệp vụ thuộc Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao – A05 (Bộ Công an), cho biết vài năm trở lại đây, các thách thức trong đảm bảo an toàn, an ninh mạng ngày càng gia tăng.

Các mối đe dọa an ninh mạng không ngừng gia tăng. Các cuộc tấn công mạng có chủ đích ngày càng nhiều và gia tăng mức độ tinh vi, phức tạp. “Không những thế, đứng sau các cuộc tấn công mạng có chủ đích là những tổ chức có tiềm lực kinh tế lớn, lực lượng nhân sự lớn, được trang bị nhiều vũ khí mạng bài bản, chứ không phải là cá nhân đơn lẻ như trước đây”, thiếu tá Trần Trung Hiếu cho hay.

Trong khi đó, công tác đảm bảo an toàn, an ninh mạng cũng đang đối mặt với thách thức lớn là nhân lực làm an ninh mạng tại Việt Nam hiện thiếu cả về số lượng và chất lượng. Ngay cả các tổ chức, doanh nghiệp lớn tại Việt Nam cũng rất thiếu nhân lực an ninh mạng, chưa nói đến khối cơ quan nhà nước.

Minh chứng cho nhận định trên, thiếu tá Trần Trung Hiếu kể: Qua tham gia ứng phó sự cố tại một ngân hàng lớn, A05 ghi nhận do thiếu nhân lực, nên dù đã đầu tư hệ thống giám sát, điều hành an ninh mạng - SOC, nhưng thực tế lại chỉ giám sát 8 tiếng, còn ban đêm hacker làm gì thì không theo dõi. “Nhiều doanh nghiệp Việt Nam, bao gồm cả những doanh nghiệp lớn đã có hệ thống SOC nhưng rất thiếu nhân sự giỏi cũng như thiếu nhân sự vận hành các hệ thống kỹ thuật”.

Một số thách thức khác cũng được đại diện Trung tâm An ninh mạng quốc gia thuộc A05 điểm ra trong chia sẻ tại tọa đàm, đó là: Nhiều cán bộ, nhân viên và cả lãnh đạo đơn vị chưa quan tâm đúng mức đến an ninh mạng; công nghệ bảo mật thường được phát triển sau công nghệ ứng dụng; chính sách, pháp luật về an ninh mạng còn chưa được hoàn thiện.

Ở góc độ NCA, ông Vũ Ngọc Sơn, Trưởng ban Nghiên cứu Công nghệ của Hiệp hội phân tích: Quá trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, cùng với đó, số lượng các vụ tấn công mạng không ngừng gia tăng cả về số lượng lẫn mức độ nghiêm trọng.

Tuy nhiên, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa có đủ năng lực, quy trình hoặc sự chuẩn bị cần thiết để đối phó với các sự cố an ninh mạng. Báo cáo của Cisco công bố gần đây cho thấy, chỉ có 11% doanh nghiệp, tổ chức đạt mức độ trưởng thành sẵn sàng ứng phó các sự cố.

Khảo sát được NCA thực hiện hồi cuối năm ngoái cũng cho thấy, có tới 52,89% số doanh nghiệp, tổ chức tại Việt Nam chưa có đầy đủ các giải pháp công nghệ để ứng phó sự cố an ninh mạng; 56,16% chưa có đủ nhân sự chuyên trách về an ninh mạng; năm 2024 có tới 659.000 vụ tấn công an ninh mạng khác nhau, ảnh hưởng tới khoảng 46,15% cơ quan, doanh nghiệp.

Giải bài toán nâng cao năng lực ứng phó sự cố

Trao đổi tại tọa đàm, các chuyên gia của A05, NCA và CMC Cyber Security thống nhất rằng, những nguyên nhân chính khiến cho năng lực ứng phó của Việt Nam còn thấp chính là: Thiếu các giải pháp an ninh mạng cơ bản, đồng bộ để bảo vệ hệ thống; công nghệ, chuyển đổi số liên tục cập nhật, trong đó sự bùng nổ của AI khiến cho các doanh nghiệp không kịp thích nghi; sự phát triển mạnh mẽ của các nhóm tội phạm mạng chuyên nghiệp, trong đó có những nhóm xuyên biên giới với trình độ rất cao; sự thiếu hụt về nhân sự chuyên trách và kỹ năng an toàn, an ninh mạng của đại bộ phận người dùng còn nhiều hạn chế.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phải có những hành động quyết liệt, cụ thể hơn để cải thiện năng lực ứng phó sự cố tấn công mạng, chuyên gia Vũ Ngọc Sơn khuyến nghị: Lãnh đạo doanh nghiệp, tổ chức phải là người đầu tiên chủ động tham gia vào giải quyết bài toán về năng lực ứng phó sự cố.

Từ kinh nghiệm ứng phó sự cố tấn công ransomware vào hệ thống của đơn vị mình hồi trung tuần tháng 4/2025, ông Đỗ Văn Thịnh, Giám đốc Trung tâm Giám sát an ninh mạng của CMC Cyber Security, cho rằng cần thiết làm rõ các vấn đề, bài học rút ra sau sự cố để hình thành nhận thức chung cho tập thể, đội ngũ.

Với CMC, bên cạnh khắc phục những tồn tại như dịch vụ, hệ thống bị tấn công đang trong giai đoạn chuyển giao vận hành và bộc lộ những lỗ hổng, xuất hiện rủi ro, đơn vị đã phân tích các nguyên nhân để rà soát, hoàn thiện quy trình đảm bảo chặt chẽ hơn, đồng thời bổ sung các biện pháp bảo vệ an toàn hệ thống.

Theo các chuyên gia của NCA, các tổ chức, doanh nghiệp cần cải thiện ngay năng lực ứng phó sự cố bắt đầu từ thành phần yếu nhất của mỗi hệ thống, đó là con người. Việc đào tạo nhận thức, kỹ năng an ninh mạng cho mỗi cá nhân trong tổ chức cần được làm thường xuyên. Khi cả bộ máy có đủ kiến thức, kỹ năng an ninh mạng, các giải pháp khác như công nghệ và quy trình mới có thể phát huy được hiệu quả.

Về mặt công nghệ, trong bối cảnh các mối đe dọa mạng ngày càng tinh vi, các đơn vị cần đầu tư các giải pháp một cách đồng bộ. Triển khai giải pháp quản lý an ninh mạng tập trung, tích hợp khả năng phân tích dữ liệu bằng AI và kết nối với các nguồn tình báo an ninh mạng để giám sát, phát hiện và phản ứng sớm trước các nguy cơ tiềm tàng.

Việc xây dựng quy trình ứng phó sự cố rõ ràng, phân công trách nhiệm cụ thể, có sẵn kịch bản xử lý và các công cụ hỗ trợ cũng là điều bắt buộc phải làm. “Đặc biệt, doanh nghiệp cần chuẩn bị trước thông tin liên lạc của các cơ quan chức năng, Hiệp hội để có thể phối hợp, báo cáo và xử lý kịp thời khi sự cố xảy ra. Chủ động và có chiến lược là chìa khóa để giảm thiểu thiệt hại và bảo vệ hoạt động kinh doanh trong môi trường số”, chuyên gia NCA chỉ rõ.

 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn