Nhảy đến nội dung
 

Cựu thứ trưởng Tài nguyên Môi trường không được hưởng án treo

Chiều 21/5, sau 9 ngày xét xử và nghị án, TAND Hà Nội tuyên án với 27 bị cáo trong vụ án khai khác trái phép, buôn lậu đất hiếm với số tiền hưởng lợi hơn 736 tỷ đồng.

Cùng bị truy tố tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, cựu thứ trưởng Tài Nguyên Môi trường Nguyễn Linh Ngọc, 67 tuổi, bị tuyên 3 năm tù (VKS đề nghị 30-36 tháng án treo); ông Nguyễn Văn Thuấn, cựu Tổng cục trưởng Địa chất và Khoáng sản, 5 năm tù (VKS đề nghị 5-6 năm tù).

5 cựu cán bộ của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Sở này tại Yên Bái bị tuyên 2 năm 6 tháng đến 4 năm tù.

Ông Đoàn Văn Huấn, Chủ tịch Công ty Thái Dương, bị tuyên 6 năm tù về tội Vi phạm quy định về thăm dò, khai thác tài nguyên; 4 năm 6 tháng tù về tội Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng và 4 năm về tội Gây ô nhiễm môi trường. Tổng hợp mức án của ông Huấn 14 năm 6 tháng năm (VKS đề nghị 12-15 năm).

Người bị tuyên mức án cao nhất trong vụ án là Lưu Anh Tuấn, Chủ tịch Công ty CP Đất hiếm Việt Nam, với 12 năm tù cho tội Buôn lậu và 4 năm tù cho tội Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, tổng hợp 16 năm.

18 người còn lại bị tuyên từ 2 năm án treo đến 8 năm 6 tháng tù về các tội danh khác nhau: Vi phạm quy định về thăm dò, khai thác tài nguyên; Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; Gây ô nhiễm môi trường; Buôn lậu; Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

Bản án xác định cựu thứ trưởng Ngọc phải chịu trách nhiệm người đứng đầu trong việc cấp phép không đúng cho Thái Dương được khai thác đất hiếm, song ông phạm tội không vụ lợi. Toà cho rằng ông đã tin tưởng cấp dưới, tin tưởng công ty này sau khi được ký duyệt sẽ hoàn thiện hồ sơ, khắc phục được những thiếu sót khi có sự hợp tác chế biến sâu rất hiếm với đối tác Nhật Bản.

>>Mức án tòa tuyên với 27 bị cáo

HĐXX đánh giá vụ án rất nghiêm trọng, gây hậu quả rất lớn, gây thất thoát tài nguyên, bức xúc trong xã hội. Việc xét xử nghiêm để làm gương là cần thiết để trừng trị răn đe tội phạm nói chung và tội phạm môi trường nói riêng.

Khi quyết định hình phạt, tòa đã cân nhắc các yếu tố giảm nhẹ như thành tích trong công tác, chiến đấu, gia đình có công cách mạng. Một số bị cáo là thương, bệnh binh, người cao tuổi, bệnh nặng, một số bị cáo nữ là mẹ đơn thân, nuôi con nhỏ. Một số bị cáo là cấp dưới, làm theo chỉ đạo, hành vi phạm tội mang tính phục tùng, không hưởng lợi.

Tòa đánh giá cao nhận thức và tinh thần hợp tác của các bị cáo trong quá trình điều tra để làm sáng tỏ vụ án, tích cực nộp tiền khắc phục hậu quả. Một số cơ quan, đơn vị như Bộ Nông nghiệp Môi trường, Sở Tài nguyên môi trường tỉnh Yên Bái, Liên đoàn địa chất Trung bộ... có đơn xin khoan hồng cho cựu cán bộ của mình.

"Tòa đã đánh giá toàn diện công và tội, bối cảnh, thái độ, nhân thân và vai trò của các bị cáo để đưa ra hình phạt", chủ tọa Trần Nam Hà thay mặt HĐXX công bố bản án sơ thẩm.

Về dân sự tòa, tuyên buộc các bị cáo nộp lại toàn bộ tiền hưởng lợi từ các hành vi vi phạm pháp luật. Cụ thể, sau khi đối trừ, chủ tịch Huấn của Công ty Thái Dương còn phải nộp hơn 665 tỷ đồng; Lưu Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đất hiếm Việt Nam còn phải nộp 231 tỷ đồng.

Tòa buộc Thái Dương phải xử lý triệt để, khắc phục hậu quả của hành vi gây ô nhiễm môi trường khi đổ hơn 35.000 tấn chất thải trái phép ra khu vực mỏ Yên Phú, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Đồng thời, tòa đề nghị UBND tỉnh này phải đôn đốc việc khắc phục này, tránh để ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đời sống của đồng bào.

Án sơ thẩm cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản đã cấp cho Công ty Thái Dương; kiến nghị cơ quan điều tra truy tìm các cá nhân bỏ trốn, tránh bỏ lọt tội phạm.

Cáo trạng xác định, Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm trước Chính phủ liên quan quản lý nhà nước về khoáng sản trên cả nước. Trong đó có trách nhiệm cấp, gia hạn, thu hồi giấy phép khoáng sản. Ông Ngọc là Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực này.

Ngày 24/5/2011, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam nhận được hồ sơ xin cấp phép khai thác đất hiếm tại mỏ Yên Phú của Công ty Thái Dương. Doanh nghiệp đã lập và được phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình khai thác và chế biến quặng đất hiếm.

Thời điểm này do có sự thay đổi về Luật Khoáng sản, Chính phủ chỉ đạo tạm dừng cấp phép khai thác khoáng sản trên cả nước để chờ hướng dẫn.

Sau khi được xét cấp phép lại, Công ty Thái Dương phải lập, bổ sung dự án "đầu tư xây dựng tổ hợp chế biến sâu gồm 2 nhà máy thủy luyện, chế biến ôxít. Doanh nghiệp giấy phép hết hạn và chưa có giấy chứng nhận với 2 dự án nhà máy này vẫn được các cán bộ tài nguyên môi trường ký duyệt, cấp phép.

Hậu quả, Công ty Thái Dương đã khai thác trái phép thu lợi bất chính hơn 736 tỷ đồng. Chủ tịch Thái Dương còn chỉ đạo cấp dưới gian dối hóa đơn bán quặng, để ngoài sổ kế toán gây thiệt hại cho Nhà nước 9,6 tỷ đồng thuế.

Ông Huấn còn bị cho rằng không xây dựng các công trình bảo vệ môi trường, không thực hiện các biện pháp xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn theo quy định, xả thải hơn 35.000 tấn chất thải ra môi trường.

Công ty cũng bị cáo buộc xuất bán tinh quặng sắt sang Trung Quốc, trong khi quy định phải bán cho các cơ sở luyện gang thép trong nước.

Tại tòa, các bị cáo phần lớn thừa nhận hành vi, trình bày nhiều về bối cảnh khiến mình phạm tội dù không cố ý. Chủ tịch Huấn khóc khi trả lời xét hỏi của HĐXX, của VKS và luật sư. Bị cáo nhận tội, nói do thiếu hiểu biết, sổ sách tin tưởng giao hết kế toán.

Cựu Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Thuấn, người nhận quà sinh nhật 500 triệu đồng của ông Huấn, trình bày rằng sau khi chấp thuận hồ sơ cho Công ty Thái Dương thì được tặng túi hoa quả, giật mình thấy tiền nhưng không thể liên lạc để trả lại.

Thứ trưởng Ngọc phân trần tâm huyết với ngành đất hiếm, mong muốn duy nhất khi đó là đất nước có công nghệ hiện đại với tài nguyên quan trọng này nhưng sự nôn nóng khiến ông phạm sai sót.

Bị cáo Lưu Anh Tuấn, Chủ tịch Công ty CP Đất hiếm Việt Nam, bị đề nghị mức án cao nhất, khá miễn cưỡng khi nhận tội Buôn lậu, cho rằng sai phạm do các quy định của pháp luật chồng chéo, mơ hồ khiến ông rất bức xúc.

Bản luận tội của VKS xác định nêu nhiều bị cáo phạm tội theo chỉ đạo cấp trên, thiếu hiểu biết, không vụ lợi; một số cán bộ sai phạm do nôn nóng xử lý công việc, tạo điều kiện giải quyết hồ sơ tồn đọng, không nhận lợi ích vật chất..., vì thế được xét khoan hồng.

Trong 27 bị cáo, VKS đề nghị cho hai người mức án bằng thời gian tạm giam, trả tự do tại tòa, 4 án treo, còn lại là các án tù (thấp nhất là 24 tháng).

Thanh Lam

 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn