Nhảy đến nội dung

Cuộc đua xây 'siêu sân bay' của các nước châu Á

Ngày 15/5, Singapore chính thức khởi công xây dựng Nhà ga số 5 tại sân bay Changi, dự án được kỳ vọng hoàn thành vào giữa năm 2030.

Nhà ga mới được xây dựng trên khu đất rộng 1.080 ha, bằng hai phần ba diện tích hiện tại của sân bay là 1.500 ha. Khi hoàn thành, Nhà ga số 5 sẽ nâng công suất phục vụ hành khách của Changi lên 140 triệu lượt mỗi năm, hơn 1,5 lần so với mức hiện tại là 90 triệu. Trong năm 2024, Changi đón gần 67,7 triệu lượt khách.

Changi cũng vừa được tổ chức Skytrax vinh danh là "Sân bay tốt nhất thế giới" năm 2025, đánh dấu lần thứ 13 sân bay này nhận danh hiệu.

Theo Hội đồng Sân bay Quốc tế (ACI), các sân bay có thể phục vụ trên 100 triệu hành khách mỗi năm được xếp vào nhóm "siêu sân bay". Trong số 10 sân bay như vậy trên toàn cầu, ba sân bay nằm ở châu Á, gồm Bắc Kinh, Tokyo và Thượng Hải.

ACI dự báo nhu cầu đi lại bằng đường hàng không sẽ tăng gần 7% trong 25 năm tới. Để đáp ứng tốc độ tăng trưởng này, các sân bay tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Trung Đông sẽ được đầu tư mạnh mẽ, với tổng vốn lên tới 240 tỷ USD từ năm 2025 đến 2035 để nâng cấp hạ tầng hiện tại và xây mới sân bay.

Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Singapore Lawrence Wong cho biết quyết định xây dựng Nhà ga số 5 dựa trên tầm nhìn dài hạn."Du lịch hàng không sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh, phần lớn trong số đó sẽ diễn ra tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương", Thủ tướng Wong nói. Ngoài xây T5, Changi sẽ mở rộng mạng lưới kết nối lên 200 thành phố, con số hiện nay là 170.

"Changi đã kết nối đảo quốc bé nhỏ của chúng ta với thế giới, đồng thời đưa thế giới đến với Singapore. Chính sự kết nối này đã thúc đẩy tăng trưởng các ngành du lịch, hàng không và logistics" Thủ tướng nói. Hệ sinh thái hàng không hiện đóng góp khoảng 5% GDP của Singapore.

Thủ tướng Wong cũng nhấn mạnh cạnh tranh trong khu vực đang ngày càng gay gắt, khi các sân bay châu Á đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng hiện đại và các tiện ích đi kèm như khu mua sắm và giải trí.

Sân bay quốc tế Hong Kong đã đưa vào vận hành đường băng thứ ba vào tháng 11/2024 và đang mở rộng Nhà ga số 2, với mục tiêu phục vụ 120 triệu hành khách và 10 triệu tấn hàng hóa mỗi năm từ năm 2035.

Tại Thái Lan, sân bay Suvarnabhumi ở Bangkok khai trương đường băng thứ ba vào tháng 9/2024, sau khi đưa vào hoạt động nhà ga vệ tinh mới một năm trước đó. Thái Lan cũng công bố kế hoạch mở rộng hướng đông để tăng công suất vào năm 2027.

Ở Hàn Quốc, Sân bay Incheon tại Seoul đã hoàn tất giai đoạn mở rộng thứ 4 vào tháng 12/2024, nâng công suất sức chứa lên 106 triệu lượt khách mỗi năm, từ mức 77 triệu trước đó.

Thomas Pellegrin, Giám đốc mảng vận tải và du lịch của Deloitte Đông Nam Á, nhận định châu Á đang trở thành trung tâm của sự tăng trưởng ngành hàng không sau đại dịch. Tăng trưởng này phần lớn nhờ vào tầng lớp trung lưu ngày càng mở rộng, với xu hướng chi tiêu cho du lịch hàng không cao hơn mức tăng trưởng thu nhập. Tỷ lệ đô thị hóa cao cũng giúp người dân tiếp cận dễ dàng hơn với hạ tầng sân bay.

"Dự báo ngắn hạn, nhu cầu di chuyển bằng đường hàng không tại châu Á tăng 7,9% và dài hạn là 5,1% - cao nhất thế giới và vượt xa các thị trường phát triển," ông Pellegrin nói. Theo ông, điều đó có nghĩa là các sân bay châu Á cần chuẩn bị để đón gấp đôi lượng hành khách và máy bay vào năm 2043, gây sức ép lớn lên hạ tầng hiện tại.

Nhà ga số 5 cũng sẽ góp phần quan trọng vào chiến lược nâng doanh thu du lịch của Singapore từ mức kỷ lục 29,8 tỷ USD năm 2024 lên 47 - 50 tỷ USD trong 15 năm tới.

Chiến lược "Du lịch 2040" của Singapore tập trung vào hai nhóm đối tượng: khách công vụ và khách quá cảnh, theo Bộ trưởng Môi trường và Phát triển bền vững Grace Fu. Bà cho biết chính phủ đặt mục tiêu tăng gấp ba lần doanh thu từ khách công vụ tham dự các hội nghị, hội thảo, triển lãm.

Giám đốc Cơ quan du lịch Singapore, bà Melissa Ow, chia sẻ hiện nay khách quá cảnh và chuyển tiếp chiếm khoảng một phần ba lưu lượng hành khách tại Changi.

Theo Deloitte, Nhà ga số 5 cùng với dự án Changi East, bao gồm đường băng thứ ba và khu công nghiệp hàng không, sẽ giúp Singapore duy trì vị thế trung tâm hàng không hàng đầu, mở rộng kết nối quốc tế và củng cố vị trí sân bay tốt nhất thế giới của Changi.

"Tất cả những yếu tố này tạo nên một lợi thế mềm đặc biệt cho Singapore trên trường quốc tế", ông Pellegrin nhận định.

Anh Minh (Theo CNBC)

 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn