Nhảy đến nội dung
 

Cuộc đời 'như phim' của sư trụ trì Thiếu Lâm Tự bị truy tố

Từng là biểu tượng sống của sự giao thoa giữa Phật giáo và toàn cầu hóa, sư trụ trì Thích Vĩnh Tín nay đối mặt với loạt cáo buộc nghiêm trọng từ biển thủ đến vi phạm giới luật.

tru tri Thieu Lam Tu anh 1

Thiếu Lâm Tự, nơi được xem là cái nôi của Thiền tông và võ thuật Trung Hoa, vừa xác nhận trụ trì Thích Vĩnh Tín - người từng được mệnh danh là “nhà sư CEO” - đang bị đình chỉ chức vụ và bị nhà chức trách Trung Quốc điều tra vì nghi ngờ phạm tội hình sự, bao gồm tham ô tài sản và vi phạm giới luật nghiêm trọng.

“Huyền Từ phương trượng” thời đại số

Sư trụ trì Thích Vĩnh Tín tên thật là Lưu Ứng Thành, sinh năm 1965 tại thành phố Phụ Dương, tỉnh An Huy. Hòa chung với không khí luyện võ và phong trào khí công của Trung Quốc vào thập niên 80 của thế kỷ 20, thiếu niên Lưu Ứng Thành khi đó mới 16 tuổi, mang theo niềm say mê võ học đã đi bộ hàng trăm cây số tìm đến Thiếu Lâm Tự trên núi Tung Sơn.

Thời điểm đó, Thiếu Lâm Tự đang ở giai đoạn suy tàn: chỉ còn khoảng 20 vị cao tăng tuổi xế chiều, đường lên chùa lởm chởm đá núi, cỏ dại mọc cao quá thắt lưng và khuôn viên chùa chỉ còn sót lại một cánh cổng cũ kỹ. Nhưng chính trong khung cảnh hoang phế ấy, Lưu Ứng Thành bắt đầu hành trình tu hành.

Đến năm 1996, ông trở thành một trong những nhà sư tiên phong đưa Phật giáo bước vào kỷ nguyên kỹ thuật số khi đăng ký tên miền và lập trang web chính thức cho Thiếu Lâm Tự - động thái hiếm hoi với một tổ chức tôn giáo tại Trung Quốc lúc bấy giờ.

Ba năm sau, ông chính thức đảm nhiệm chức trụ trì đời thứ 30 của ngôi chùa danh tiếng. Vào tháng 9/2002, Thích Vĩnh Tín được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Phật giáo Trung Quốc, theo Global Times.

Tuy nhiên, sự nghiệp tưởng chừng vững chắc ấy đang đối mặt với sóng gió lớn. Trong thông báo ngày 27/7, Thiếu Lâm Tự xác nhận Hòa thượng Thích Vĩnh Tín đang bị "nhiều cơ quan phối hợp điều tra". Nhà chùa nêu rõ ông bị nghi ngờ chiếm đoạt quỹ dự án, tài sản của chùa và có quan hệ bất chính với nhiều phụ nữ, thậm chí có ít nhất một đứa con.

“Thích Vĩnh Tín bị nghi phạm tội hình sự, tham ô tiền quỹ và tài sản của Thiếu Lâm Tự, đồng thời vi phạm nghiêm trọng giới luật Phật giáo”, thông báo nêu rõ.

tru tri Thieu Lam Tu anh 2

Sư trụ trì Thích Vĩnh Tín từng nhiều lần bị tố cáo tham ô tiền quỹ và vi phạm giới luật nghiêm trọng. Ảnh: China Daily.

Dù chưa có danh sách cụ thể của các cơ quan tham gia vào quá trình điều tra, giới quan sát cho rằng các cơ quan liên quan bao gồm công an, Ủy ban Kỷ luật Trung ương hoặc Cục Quản lý Tôn giáo Trung Quốc.

Thông báo điều tra được đưa ra sau nhiều ngày tin đồn râm ran trên mạng xã hội Trung Quốc về việc Thích Vĩnh Tín bị bắt giữ hoặc đang bị giám sát. Trước đó, có cả thông tin ông đã trốn sang Mỹ cùng với "tình nhân và con cái", nhưng chính quyền thành phố Khai Phong (tỉnh Hà Nam) - nơi Thiếu Lâm Tự tọa lạc - đã lên tiếng bác bỏ tin giả này.

Thực tế, đây không phải lần đầu tiên vị trụ trì Thiếu Lâm Tự phải đối mặt với các cáo buộc vi phạm giới luật Phật giáo. Năm 2015, Thích Vĩnh Tín từng “biến mất” khỏi truyền thông trong nhiều tháng sau khi bị cáo buộc có hành vi tương tự - quan hệ tình ái bất chính và chiếm dụng tài sản chùa.

Tuy nhiên, kết luận điều tra của tỉnh Hà Nam năm 2016 từng tuyên bố ông vô tội, theo thông tin từ Caixin Global.

Từ hình ảnh một nhà sư hiện đại, biết nắm bắt xu thế số hóa để đưa Thiếu Lâm Tự vươn ra toàn cầu, Thích Vĩnh Tín từng được ví như “Huyền Từ phương trượng” của thời đại mới - một biểu tượng dung hòa giữa đạo pháp và quyền lực. Nhưng giống như nhân vật phương trượng trong tiểu thuyết của Kim Dung, ông cũng đang đối mặt với những cáo buộc làm hoen ố hình ảnh một bậc chân tu.

Đưa Thiếu Lâm Tự ra toàn cầu

Suốt hơn hai thập kỷ giữ vai trò phương trượng, Thích Vĩnh Tín là người đã đưa Thiếu Lâm Tự từ một ngôi chùa cổ 1.500 năm tuổi trên núi Tung Sơn (tỉnh Hà Nam, Trung Quốc) thoát khỏi cảnh u tịch, trở thành thương hiệu toàn cầu về văn hóa, võ thuật và du lịch.

Dưới sự dẫn dắt của ông, Thiếu Lâm Tự có mặt trong hàng loạt phim ảnh, mở rộng hàng trăm học viện võ thuật khắp trong và ngoài nước, tổ chức các đoàn biểu diễn võ sư đi lưu diễn khắp thế giới.

Chính vì chiến lược phát triển mang tính thị trường cao này, giới truyền thông Trung Quốc đã đặt cho vị trụ trì có bằng MBA này biệt danh "nhà sư CEO".

tru tri Thieu Lam Tu anh 3

Các nhà sư Thiếu Lâm luyện tập võ thuật tại Rừng Tháp của chùa. Ông Thích Vĩnh Tín góp phần đưa Thiếu Lâm Tự trở thành thương hiệu gắn liền với võ thuật, thiền định, du lịch tâm linh. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Con đường ông chọn, dù gây tranh cãi, nhưng góp phần đưa võ thuật Thiếu Lâm vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO, thiết lập hơn 50 trung tâm truyền bá văn hóa tại hàng chục quốc gia với hàng chục triệu người theo học mỗi năm.

Chiến lược "văn hóa đi ra thế giới" từng được đánh giá cao khi Thiếu Lâm Tự đóng góp vào các diễn đàn quốc tế về biến đổi khí hậu, y tế cộng đồng, góp phần lan tỏa tinh thần thiền định trong xã hội hiện đại.

Là gương mặt đại diện cho hình ảnh "Thiếu Lâm hiện đại", Thích Vĩnh Tín từng gặp gỡ nhiều nguyên thủ và nhân vật nổi tiếng thế giới như Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela, CEO Apple Tim Cook, Nữ hoàng Elizabeth II và cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger.

Đáng chú ý, hồi tháng 2 năm nay, ông còn xuất hiện trong ảnh chụp chung với Giáo hoàng Francis tại Vatican, cho thấy sức ảnh hưởng của ông không chỉ trong tôn giáo mà cả ở cấp độ ngoại giao.

Tranh cãi “thương mại hóa Phật giáo”

Song, đằng sau hào quang đó là loạt chỉ trích gay gắt từ cộng đồng Phật tử và dư luận, cho rằng ông đã thương mại hóa quá mức một trong những ngôi chùa linh thiêng nhất Trung Quốc.

"Nếu thương mại hóa vượt ngưỡng, Thiếu Lâm Tự có thể sẽ không còn là tổ đình Thiền tông, mà chỉ còn là công viên giải trí võ thuật", một học giả Trung Quốc cảnh báo.

Việc tiếp nhận xe sang Volkswagen, áo cà sa thêu chỉ vàng, sử dụng iPad, hay dự án công viên giải trí võ thuật trị giá 380 triệu USD tại Australia từng khiến ông bị cho là "thoái hóa" về đạo hạnh.Khi đó, giới chức Hà Nam xác minh số tiền hàng triệu nhân dân tệ mà ông dùng là do một đệ tử cúng dường để phát triển Thiếu Lâm Tự, và 15 chiếc ôtô thuộc sở hữu của chùa đều phục vụ công việc chung, không phải tài sản cá nhân. Sư trụ trì Thích Vĩnh Tín gặp phải ý kiến trái chiều rằng ông đang quá thương mại hóa Phật giáo. Ảnh: Tân Hoa Xã. Trả lời phỏng vấn tờ Financial Times năm 2011, ông cho biết chiếc Volkswagen là quà tặng từ chính quyền địa phương để cảm ơn đóng góp của Thiếu Lâm Tự trong việc thúc đẩy du lịch, và những vật dụng công nghệ như iPad cũng chỉ là quà biếu, không phải xa xỉ phẩm ông mua.“Chúng tôi mong ai cũng sống giản dị như các nhà sư, đừng chạy theo thương hiệu hay lối sống xa hoa kiểu đại gia mới nổi mà xã hội đang đắm chìm”, ông phát biểu khi đó.Hiện tại, vụ việc của sư trụ trì Thích Vĩnh Tín đang được các cơ quan chức năng Trung Quốc tiếp tục làm rõ và chưa có kết luận chính thức. Tuy nhiên, với quy mô và mức độ nhạy cảm của cuộc điều tra lần này, giới quan sát nhận định tương lai của trụ trì Thích Vĩnh Tín và diện mạo Thiếu Lâm Tự trong thời kỳ mới sẽ có sự thay đổi lớn.Những cuốn sách để hiểu về Trung QuốcMục Thế giới giới thiệu tới độc giả các cuốn sách nên đọc để hiểu thêm về Trung Quốc - một trong những cường quốc châu Á và đối tác hàng đầu của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực.Độc giả có thể xem thêm tại đây.

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn